Aa

Bác sỹ hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sốt, tránh những biến chứng nguy hiểm

Thứ Hai, 17/12/2018 - 04:15

Thạc sĩ, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng, Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra một số hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sốt, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5 độ C).Sốt cao là triệu chứng thường gặp, đặc biệt dễ bùng phát thành nhiều bệnh nguy hiểm khi không được xử trí ban đầu đúng cách.

Thế nào là sốt?

- Nhiệt độ cơ thể bình thường: 36 – 37,4 độ C

- Sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5 độ C).

- Phân loại sốt:

+ Sốt nhẹ: 37,5 - 38 độ C

+ Sốt vừa: > 38 – 39 độ C

+ Sốt cao: > 39 – 40 độ C

+ Sốt rất cao: > 40 oC

Nguyên nhân gây sốt là gì?

- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virut tại các cơ quan như hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục – tiết niệu.

- Nhiễm kí sinh trùng

- Các bệnh lý tự miễn

- Các bệnh lý ác tính

Cách xác định trẻ có bị sốt hay không?

- Dụng cụ đo gồm: Nhiệt kế thủy ngân (cặp ở nách), nhiệt kế điện tử (đo ở tai) và nhiệt kế điện tử (đo ở trán)

nhietke

Nhiệt kế thủy ngân,nhiệt kế điện tử đo ở trán và nhiệt kế điện tử đo ở tai (từ trái qua phải)

- Đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí: tai, trán, miệng, nách, hậu môn.

- Mức chênh lệch nhiệt độ giữa các vị trí: Nhiệt độ đo được ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn khoảng 0,3 à 0,5 độ C. Vì vậy, khi nhiệt độ ở nách > 37,2 độ C thì coi đó là sốt.

Xử trí khi trẻ sốt

- Để trẻ nằm phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế số lượng người xung quanh

- Nới bớt quần áo cho trẻ

- Chườm ấm hạ sốt

Dụng cụ:

- 5 khăn nhỏ: có khả năng thấm nước tốt.

- Nhiệt kế

- Pha chậu nước ấm: Cho nước lạnh vào trong chậu, sau đó cho nước nóng vào với lượng khoảng ½ nước lạnh. Có thể kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước cảm giác ấm giống như nước tắm em bé là được.

Thực hiện:

- Vệ sinh tay

- Để trẻ nằm ngửa trên giường.

- Cởi bỏ bớt/ nới rộng quần áo của trẻ.

- Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí: trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Có thể đặt khăn trên trán, 2 bên hõm nách và 2 bên bẹn của trẻ.

- Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động như trên cho đến khi nhiệt độ giảm. Tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh. Vì khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn.

- Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ.

- Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 – 30 phút chườm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ < 37,5 độ C

- Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ

Lưu ý: Khi chườm cho trẻ động tác phải nhẹ nhàng, tránh chà sát làm tổn thương da, gây đau rát, mẩn đỏ.

- Sử dụng thuốc hạ sốt

- Sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ở nách ≥ 38 độ C, tốt nhất là dùng Paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách 4 – 6h theo chỉ định của bác sĩ.

- Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước

Dự phòng sốt cao co giật

- Theo dõi tình trạng sốt, chườm ấm hạ sốt kịp thời và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.

- Trong trường hợp trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật thì cần sử dụng các thuốc dự phòng co giật theo chỉ định của bác sĩ đã hướng dẫn.

- Đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa Nhi khám để tìm nguyên nhân sốt và điều trị bệnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top