Aa

Bài 1: Chuyện gì đang xảy ra với đại gia Lê Phước Vũ?

Thứ Hai, 12/11/2018 - 23:30

Sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh cùng những thay đổi không mấy tích cực trong số liệu tài chính khiến nhà đầu tư không khỏi e ngại về hoạt động của HSG...

 Đại gia Lê Phước Vũ “biến mất” khỏi top giàu

Diễn biến cổ phiếu HSG gần đây có nhiều tiêu cực, chỉ trong vòng 1 tháng đã trải qua 2 đợt sụt giảm giá mạnh.

Cụ thể, trong bài dự báo lợi nhuận 29 doanh nghiệp của SSI Research ngày 9/10/2018 có đề cập đến nguyên nhân chính cho sự suy giảm lợi nhuận của HSG bởi sức ép cạnh tranh từ cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước do chiến tranh thương mại, cũng như sự gia tăng công suất nhanh chóng của các nhà sản xuất trong nước.

Hệ quả, cổ phiếu HSG đã "rơi một mạch" từ vùng giá 13.300 đồng/cổ phiếu xuống thấp nhất còn 9.300 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 30% rồi mới có một nhịp hồi phục 10%.

Tiếp đó, sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV NĐTC 2017 - 2018, giá cổ phiếu HSG lại “sấp mặt” một lần nữa từ vùng giá 9.900 đồng/cổ phiếu về 8.680 đồng/cổ phiếu (theo giá đóng cửa ngày 8/11) tương đương mức giảm 12,3%.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, HSG đã “dính” 2 đợt sụt giảm mạnh, đánh bay hơn 34% thị giá của cổ phiếu này. Tính trên khối lượng cổ phiếu đang niêm yết thì HSG đã “bay hơi” hơn 1.770 tỷ đồng trong đợt giảm giá vừa qua.

Theo danh sách chốt ngày 31/5/2018, số cổ phần HSG mà ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen đang nắm giữ là 41.186.200 cổ phiếu, cộng với 10% cổ tức bằng cổ phiếu được nhận thêm thì cho tới hiện tại, tài sản của ông Vũ cũng “bay” hơn 200 tỷ đồng.

Xa hơn nữa, tính từ thời điểm đầu năm 2018, khi cổ phiếu HSG còn ở vùng giá 21.300 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh) thì tính tới nay, vốn hóa thị trường của HSG đã “bốc hơi” hơn 4.850 tỷ đồng còn tài sản của cá nhân ông Vũ cũng “đội nón ra đi” hơn 570 tỷ đồng. Đây là một mất mát lớn đối với cả công ty và ông chủ của nó. "Đau" hơn nữa là cái tên Lê Phước Vũ đã “biến mất” trong top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

rtyr

Cú trượt dài do nội tại doanh nghiệp? 

Bắt đầu chuỗi giảm giá từ đầu tháng 7/2017, cổ phiếu HSG gây hoang mang cho nhà đầu tư và tạo nên cú sốc trên thị trường trong suốt thời gian dài.

Tính đến phiên 8/11, thị giá HSG đã mất 70% giá trị, từ mức đỉnh 29.100 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 8.680 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng gần 3 năm trở lại đây. Thanh khoản trung bình của cổ phiếu HSG chỉ trong khoảng 2 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Nguyên nhân cú trượt dài của HSG không chỉ đến từ tác động khách quan của thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn bởi chính nội tại doanh nghiệp.

Xét nửa đầu niên độ 2017 - 2018, HSG ghi nhận những kết quả kém tích cực, đặc biệt là trong quý II.

Cụ thể, HSG ghi nhận doanh thu 7.663 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ niên độ trước. Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm 79%, còn gần 86,7 tỷ đồng. Và lũy kế nửa đầu niên độ, HSG ghi nhận doanh thu tăng 30% nhưng lợi nhuận ròng giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ.

“Hiện tượng” này cũng đã diễn ra từ niên độ tài chính trước của HSG, khi doanh thu liên tục tăng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm bởi giá vốn và chi phí lãi vay, cùng nhiều chi phí khác đều đồng loạt tăng cao. Trong nửa đầu niên độ 2017 - 2018, biên lợi nhuận gộp của HSG giảm từ 18,2% xuống 14,2% do giá vốn hàng bàn tăng 36%.

Theo phân tích của các Công ty Chứng khoán, giá thép cán nóng HRC (nguyên liệu sản xuất đầu vào của công ty) trong quý II đã tăng mạnh lên đến 660 USD/tấn (trong 2017, giá HRC trung bình là 570 USD/tấn). Chi phí đầu vào bình quân tăng 20 - 25% so với cùng kỳ, nhưng giá bán bình quân chỉ tăng 18%.

Do dư nợ tăng cao đẩy chi phí lãi vay của HSG tăng gần 70%, từ hơn 127 tỷ đồng lên 216 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính từ lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giảm 13%. Nợ vay của HSG tăng từ 11.850 tỷ đồng lên 15.795 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm 80% với 12.646 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 3.154 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ cũng tăng 59% và 33%, do HSG thực hiện chiến lược đẩy mạnh bán hàng và mở rộng hệ thống bán lẻ nên đã đẩy chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí nhân viên quản lý lên cao.

Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng 24% so với số liệu hồi đầu năm, lên mức 2.266 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của HSG cũng tăng 10% so với đầu năm lên mức 9.862 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán VPBank, nguyên nhân dẫn đến thay đổi này là do HSG thúc đẩy doanh số, đồng nghĩa công ty phải tăng cường nới lỏng chính sách bán hàng, dẫn đến hệ lụy là khoản thu ngày càng cao.

Một điều đáng chú ý là giữa lúc cổ phiếu HSG đang “rớt thảm” và đang cần tạo dựng lại niềm tin trên thị trường thì một trong 3 cổ đông lớn của công ty có liên quan đến đại gia Lê Phước Vũ lại đăng ký bán toàn bộ vốn.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm do bà Hoàng Thị Xuân Hương (vợ cũ ông Vũ) làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc vừa đăng ký bán toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 5,49% vốn trong nửa cuối tháng 5 và đã bán thành công. Trước đó, chính đơn vị này cũng đã bán ra thị trường 5 triệu cổ phiếu HSG.

Như vậy, sau 10 năm hoạt động, phải chăng những động thái tranh thủ "lướt sóng" của vợ chồng Chủ tịch Hội đồng Quản trị đến sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh cùng với những "thiên biến vạn hóa" trong số liệu tài chính càng khiến nhà đầu tư cũng như cổ đông "cạn" dần niềm tin vào khả năng lãnh đạo và sự minh bạch ở HSG?

Năm 2010, với định hướng trở thành một Tập đoàn đa ngành, "ông trùm" ngành tôn thép có đầu tư vào bất động sản với 4 dự án.

Thứ nhất là dự án khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM). Trong đó Hoa Sen góp 50% vốn, còn lại là Công ty cổ phần Phố Đông. Dự án có vốn đầu tư khoảng 191 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 45 tỷ dồng. Bắt đầu triển khai quý IV/2008 và dự kiến hoàn thành 2011.

Thứ hai là dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B, quận 9, vốn đầu tư 520 tỷ đồng với lợi nhuận 250 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành quý II/2014.

Thứ ba là dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9) với tổng đầu tư 650 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành quý III/2015.

Thứ tư là dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2) với tổng đầu tư 80 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hoa Sen Group cũng góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top