Phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán sáng ngày 17/3, hơn 21 triệu cổ phiếu CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí PV Machino (mã PVM) đã được khớp lệnh. Khối lượng giao dịch này tương ứng hơn 54% cổ phần công ty đang lưu hành. Nhiều khả năng các giao dịch có liên quan đến Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (mã POW), đơn vị sở hữu gần 20 triệu cổ phần, tương ứng 51,58% vốn điều lệ PVM. Phần lớn cổ phiếu được bán với mức giá dưới tham chiếu.
Nhận định như vậy bởi cách đây không lâu, hồi đầu tháng 3/2021, POW đã công bố thông tin về việc sẽ bán toàn bộ hơn 19,9 triệu cổ phiếu, tương đương 51,58% vốn điều lệ PVM. Thay vì tổ chức đấu giá, POW cho biết thoái vốn PVM qua khớp lệnh trên sàn. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 12/3 - 12/4/2021. Trước đó, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương 9,9% vốn PVM. Giao dịch dự kiến được thực hiện qua phương thức thoả thuận và khớp lệnh cùng giai đoạn 12/3 - 9/4/2021.
Theo thông tin của HNX, cuối năm 2020, Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ đã bán 6,6 triệu cổ phần PVM (tương ứng với tỷ lệ 17,08%) và không còn là cổ đông lớn của PVM từ ngày 6/11/2020. Có thể, "người mới" đã gom cổ phần của cả 3 cổ đông lớn nhất tại PVM.
Việc thoái vốn PVM là vấn đề nhận được sự quan tâm của cổ đông PV Power. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào ngày 22/12/2020, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh vấn đề này. Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PV Power cho biết: "Trên cơ sở kết quả tư vấn, Hội đồng quản trị công ty sẽ xem xét phương thức thoái vốn cụ thể. Chúng tôi sẽ triển khai minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật. Các tổ chức định giá sẽ phải nắm bắt đầy đủ tình hình tài sản của PVM, kể cả các bất động sản".
Chia sẻ bên thềm đại hội, ông Hồ Công Kỳ cũng cho biết, PV Power mua PVM dưới mệnh giá, thoái vốn lợi nhuận ít nhất vài trăm tỷ. Chủ tịch POW không hẳn không có lý khi giá trên sàn của PVM đã có thời điểm chạm ngưỡng 30.000 đồng. Nhưng cổ đông POW thực tế còn kỳ vọng nhiều hơn dựa trên những tài sản của PV Machino hiện có, bao gồm bất động sản tại công ty này và tiềm năng của các công ty liên doanh liên kết.
Quay lại phiên giao dịch giữa tuần từ 15 - 19/3, nếu đúng là lượng cổ phiếu này do PV Power bán ra, số tiền công ty thu về được ước tính trên 500 tỷ đồng. Như vậy, PVM định giá trị là 1.000 tỷ đồng.
PV Power là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước (phần vốn Nhà nước chiếm 79,9% vốn điều lệ). Chưa rõ trong thương vụ thoái vốn lần này, việc định đoạt các tài sản của PV Power (bao gồm tài sản công ty con) đã tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước để không thất thoát tài sản công hay chưa?
Cổ phiếu PVM từng có thời điểm rớt xuống mức giá 8.000 đồng trong năm 2020 và đến phiên giữa tháng 3/2021 đã lên hơn 30.000 đồng/cổ phiếu. Còn nhớ năm ngoái, trong phiên giao dịch ngày 5/11/2020, PVM bất ngờ xuất hiện giao dịch khớp lệnh đột biến 1,28 triệu cổ phiếu mức giá sàn 10.800 đồng. Trước đó, thanh khoản của cổ phiếu này chỉ vỏn vẹn vài nghìn đơn vị mỗi phiên. Và kể từ mốc này, PVM bước vào đà tăng giá mạnh mẽ, thanh khoản được cải thiện rõ rệt và tạo lực hút đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sức nóng của cổ phiếu PVM có lẽ không chỉ từ hoạt động thoái vốn của cổ đông Nhà nước, mà còn đến từ quỹ đất "khủng" doanh nghiệp này đang nắm giữ. Trong đó, chủ yếu là những lô đất có vị trí hấp dẫn.
Theo tìm hiểu, PVM hiện đang nắm trong tay nhiều bất động sản có vị trí đắc địa như: Lô đất rộng 1.827m2 tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội); lô đất 23.600m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội); khu đất rộng 137m2 tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). PVM còn liên doanh với Công ty Bách hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (tòa nhà Hàm Cá Mập, Hà Nội).
Cũng được biết, PVM đã sở hữu 10% vốn góp tại dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - Khu đô thị Nam An Khánh - Hà Nội” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).
PVM sở hữu gần 50% vốn tại CTCP Máy Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng - Daesco (mã DAS) - doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất lớn tại TP. Đà Nẵng. Theo khảo sát của Reatimes tại Đà Nẵng, DAS đang quản lý lô 3.241m2 tại 495 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu; lô đất rộng 1.806m2 tại 51 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu; 281m2 đất tại 53 Trần Phú, quận Hải Châu và 15.356m2 tại số 10 Nguyễn Phục, quận Sơn Trà. Các lô đất này đang được định giá hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những lợi thế về bất động sản, PVM còn đang là cổ đông lớn tại một số doanh nghiệp có lợi thế thương mại và đem về nguồn lợi nhuận cũng như cổ tức đều đặn hàng trăm tỷ mỗi năm. Hiện, PVM đầu tư vào Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki (PVM nắm 10% vốn) chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; Công ty TNHH FCC Việt Nam (PVM nắm 10% vốn); Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam (PVM nắm 8,45% vốn).
Giá trị thị trường ước tính của các tài sản vốn góp liên doanh và bất động sản của PVM cùng các công ty trong hệ sinh thái PVM có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách chỉ khoảng trăm tỷ. Đây là tiềm năng rất lớn cho nhà đầu tư nào sở hữu cổ phần chi phối ở PVM. Theo giới phân tích tài chính, ban lãnh đạo PVM dường như cũng đã chuẩn bị cho thương vụ thoái vốn này hàng năm nay khi các chỉ số tài chính tại doanh nghiệp này tương đối sáng.
Từng bàn về câu chuyện của doanh nghiệp Nhà nước trong cổ phần hoá, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Hiện nay, các doanh nghiệp của địa phương thường có vốn và quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, nhưng quỹ đất và giá trị đất lại rất lớn.
Khi cổ phần hoá, chỉ một số doanh nghiệp nghiêm túc trong việc rà soát phương án sử dụng đất, trả lại đất cho Nhà nước, còn lại phần lớn doanh nghiệp sẽ đưa ra phương án sử dụng không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh".
Ông Võ cũng chỉ ra mấu chốt của vấn đề thẩm định giá đất trong quá trình cổ phần hoá. Việc định giá được thực hiện như thế nào, hay đây sẽ là câu chuyện liên kết với nhau theo kiểu lợi ích nhóm để xác định giá trị đất đó thấp đi. Điều này xuất hiện khá nhiều trong quá trình cổ phần hoá. Nguy cơ khiến Nhà nước bị thất thoát về giá trị đất đai từ đây vẫn rất lớn.
Ông Võ còn cho rằng, sau khi cổ phần hoá, có thể người ta sử dụng tài sản đất đó không đúng mục đích như trong phương án cổ phần hoá đã xác định.
Như vậy, thay vì đấu giá cổ phần Nhà nước, PVM đã được tính bán dựa trên giá cổ phiếu, nhưng cũng không hẳn thực hiện giao dịch công khai trên sàn mà thoả thuận sang tay (?). Cũng không phải ngẫu nhiên, POW và PVM lại có sức nóng lạ kỳ suốt vài tháng qua và đương nhiên có nhiều lý do để nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền gom cổ phiếu PVM với giá gấp đôi.
Thế nhưng, ban lãnh đạo của POW lại nhanh chóng chấp nhận bán PVM với giá "rẻ" hàng chục lần so với tài sản doanh nghiệp này đang sở hữu. Điều đó khiến cho giới chuyên gia lo ngại câu chuyện thất thoát vốn Nhà nước tại POW và PVM.
Trong những bài tiếp theo, Reatimes sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn về câu chuyện thoái vốn Nhà nước cũng như cơ đồ thao túng gom đất vàng của vị đại gia đã được hời trong thương vụ này./.