Aa

Bài 2: Bát Tràng sai phạm chất chồng, lộ rõ năng lực quản lý đất đai yếu kém

Thứ Năm, 19/03/2020 - 09:14

Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm kéo dài nhiều năm. Mặc dù đã có kết luận thanh tra nhưng những gì dư luận nhận được vẫn chỉ là sự im lặng khó hiểu từ chính quyền.

Theo tài liệu PV có được, ngày 04/12/2006 Hội đồng đấu giá đất huyện Gia Lâm đã có thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng đất 50 năm làm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thuộc dự án làng nghề Bát Tràng hay còn gọi tắt là khu công nghiệp Bát Tràng.

Tại khu công nghiệp làng nghề Bát Tràng, quy định khu đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm có diện tích: 8.188 m2 tại 8 ô đất (TTCN10A,TTCN10B, TTCN10C, TTCN10D) chia làm 35 thửa có diện tích từ 113,4 m2 đến 149 m2 và 1 ô đất (TTCN10) có diện tích 3848,5 m2. Với mật độ xây dựng gồm: Thửa đất có ký hiệu từ K1 đến K35 mật độ xây dựng 100%, khống chế 01 tầng; Thửa đất ký hiệu TTCN10 mật độ xây dựng 48% và khống chế 3 tầng. Quyết định ban hành của UBND huyện Gia Lâm theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ quy định “tuyệt đối các thửa đất, ô đất đem đấu giá không được xây dựng nhà ở”.

Công trình mọc lên như nấm sau mưa tại khu cụm sản xuất làng nghề Bát Tràng...

Từ năm 2016, kết luận thanh tra đã chỉ rõ những vi phạm của UBND xã Bát Tràng. Song loạt sai phạm không bị xử lý mà gia tăng đột biến. Cụ thể, tại cụm sản xuất làng nghề Bát Tràng những gian hàng, kiot trưng bày sản phẩm được "hô biến" thành những dãy nhà xây dựng kiên cố, những biệt thự nguy nga.

Nằm trên Lô A59 KCN Bát Tràng là nhà được xây dựng kiên cố của Công ty TNHH Rồng Á Đông Việt Nam Giang Nhung.

Phải chăng UBND xã Bát Tràng “nhắm mắt làm ngơ” hoặc đã "quên" quyết định của UBND huyện Gia Lâm(?!) 

Theo kết luận thanh tra năm 2016 cho thấy những sai phạm nối sai phạm vẫn cứ tiếp diễn. Hàng loạt nhà xưởng quây kín tôn sau đó xây nhà cao tầng; nhà xưởng không phép mọc như nấm sau mưa. Nhưng tất cả những sai phạm nêu trên đều không được xử lý dứt điểm, trong khi chính quyền địa phương lại "im lặng", không cung cấp thông tin cho báo chí. 

Những biệt thư "khủng" cũng được quây tôn bên ngoài núp bóng kiot bán hàng...

Trước đó, UBND huyện Gia Lâm cũng chỉ mặt các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong kết luận thanh tra số 07/KL-UBND. Kết luận nêu rõ: "Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về tập thể UBND xã Bát Tràng nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2015 đã buông lỏng quản lý về đất đai, xây dựng tại địa phương; trách nhiệm một phần thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các trường hợp sử dụng đất tại cụm. 

Đội Thanh tra xây dựng đã không kiên quyết nơi chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm, chưa thường xuyên kiểm tra dẫn đến việc không kịp thời phát hiện, xử lý".

Hệ luỵ những nhà xưởng xây dựng hoạt động là rác thải ùn ứ, khói bụi...

Mặc dù vi phạm đã được nêu rõ nhưng không hiểu vì sao mà cơ quan chức năng huyện Gia Lâm, UBND xã Bát Tràng lại chưa vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm, trả lại đúng mục đích sử dụng đất.

Ông H.T.H (người dân tại xã Bát Tràng) cho hay: “Dù thực trạng vi phạm tràn làn như vậy, nhưng việc tiếp cận chính quyền xã là rất khó khăn, chưa kể chúng tôi nhiều lần liên hệ với chủ tịch UBND huyện Gia Lâm để phản ánh nhưng đều không nghe điện thoại và không phản hồi... Chúng tôi thật sự rất khổ tâm về chuyện này, mong rằng UBND TP Hà Nội thấu hiểu nỗi khổ này".

Người dân xã Bát Tràng thông tin thêm về dự án công viên cây xanh được "hô biến" thành nhà ở, nơi trưng bày cây cảnh.

Luật sư Dương Thị Thanh Bình, văn phòng Luật Kết Nối, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhận định,: "Trong vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp mà hiện nay dư luận đang hết sức bức xúc, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật hình sự 2015. 

Bên cạnh đó, luật sư cũng thông tin thêm: "Tại chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về quản lý quỹ đất công trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật… 

Ngoài ra, các quy định tại Luật đất đai 2013 và Nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP, ngày 19 tháng 11 năm 2019, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện. 

Cũng theo Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định này nêu rõ mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đối với từng vi phạm cụ thể".

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top