Aa

Bài 2: Giá FIT sắp hết, loạt dự án điện gió Quảng Trị chạy đua bất chấp quy định

Thứ Tư, 20/10/2021 - 17:16

Từ đầu năm 2021, hàng loạt dự án điện gió chạy đua với thời gian để hưởng ưu đãi giá điện cố định (FIT). Tình trạng này đã khiến nhiều chủ đầu tư vừa thi công vừa hoàn tất quy trình pháp lý, thủ tục.

Lời tòa soạn:

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Mặc dù vậy, do chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng chưa đáng kể; hoạt động và phối hợp công tác ở chính quyền một số địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả; chất lượng quy hoạch cán bộ có mặt còn hạn chế…

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, khoảng 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính riêng năm 2019, tỉnh này có 66 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm mà Quảng Trị thu hút được nhiều dự án với qui mô lớn, có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít bất cập trong quá trình thu hút đầu tư của địa phương này.

Với tinh thần nghiên cứu và phản biện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương, trên cơ sở vận dụng đúng các quy định pháp luật, Reatimes khởi đăng loạt bài: Tận dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên để phát triển kinh tế tại Quảng Trị, thành quả và bài học từ thực tiễn. Trân trọng giới thiệu với độc giả!

 

Theo tìm hiểu của Reatimes, hàng loạt dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị hiện vẫn chưa hoàn tất thủ tục về đất đai, dù hạn cuối cơ chế hưởng giá FIT theo thời hạn Chính phủ đặt ra vào ngày 31/10/2021.

Nhiều dự án chưa xong thủ tục đất đai

 Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn huyện còn 8 dự án nhà máy điện gió đang hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Đó là Phong Liệu (Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu), Amaccao Quảng Trị 1 (Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh), Tài Tâm (Công ty TNHH Tài Tâm), Hoàng Hải (Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải), Tân Hợp (Công ty Cổ phần Thành An); Hướng Linh 3, Hướng Linh 4 và Hướng Hiệp 1 (cùng đầu tư bởi Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu).

Bên cạnh đó, qua rà soát, kiểm tra, các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn huyện vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 như: Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên, Hướng Tân, Tân Linh, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8, Gelex 1,2,3, Hướng Phùng 3, Hoàng Hải. Hầu hết dự án này đã hoàn thành các thủ tục thu hồi đất. Hiện nay, UBND huyện Hướng Hóa đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các dự án hoàn thành thủ tục về đất đai theo quy định.

Theo quy trình, quy hoạch các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh thực hiện, trên cơ sở thuê tư vấn nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ Công Thương phê duyệt đối với các dự án lớn. Còn các dự án nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư đăng ký xin đầu tư dự án (tiến hành lập dự án, xin chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, thực hiện dự án). Một số dự án trình bổ sung quy hoạch thì cũng thực hiện thủ tục tương tự, nhưng do các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước địa phương thực hiện các thủ tục đề xuất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Nhiều công trình điện gió đã, đang xây dựng tại xa Húc, H. Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Đ.T)

Theo tìm hiểu của Reatimes, trong số 48 dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị đang trình Bộ Công Thương phê duyệt thì trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 40 dự án, huyện Đakrông 2 dự án và huyện Cam Lộ 6 dự án. Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW, kinh phí đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cũng cho thấy, đến ngày 31/10/2021, trên địa bàn tỉnh này sẽ có thêm 13 dự án điện gió, với tổng công suất gần 500MW hoàn thành và tổ chức bán điện thương phẩm. Như vậy, cùng với 2 dự án đã hoàn thành trước đó (nhà máy Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 của Công ty Cổ phần TCT Tân Hoàn Cầu), hết tháng 10/2021, toàn tỉnh Quảng Trị dự kiến có 15 dự án điện gió chính thức đưa vào hoạt động, hòa vào điện lưới quốc gia.

Cùng với thủy điện, điện mặt trời, điện gió đang mang lại nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá phát triển với tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Đ.T)

Chạy nước rút, bất chấp quy định

Quảng Trị là vùng đất chịu ảnh hưởng thường xuyên bởi gió phơn Tây Nam mà người ta quen gọi là “gió Lào”. Tuy nhiên, các công trình điện gió đã biến những bất lợi này thành ưu thế phát triển. “Đặc sản gió Lào” đã được tận dụng để đẩy mạnh ngành năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện chủ trương lớn của tỉnh sớm đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Chủ trương phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 (Nghị quyết số 55) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung mà Nghị quyết số 55 hướng đến là phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng, nhưng đặc biệt chú trọng vào các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Mặc dù vậy, việc đầu tư và tổ chức thi công rầm rộ khi thủ tục pháp lý chưa đầy đủ, nhất là thủ tục giao đất, thuê đất, giải pháp bảo vệ môi trường chưa hoàn tất đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Thậm chí, việc này đã nảy sinh những mâu thuẫn xã hội giữa người dân với chủ đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, trắc trở.

Các dự án điện gió tại miền Tây Quảng Trị đều hối hả thi công để mong kịp hưởng giá FIT (Ảnh: Đ.T)

Nếu trong năm 2015, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ 4 dự án với tổng công suất 110MW, thì đến nay sự hiện diện của các dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Quảng Trị lên đến con số hàng chục, trong đó chủ yếu là các dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Trong số này, ngoài 2 dự án Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đã hoàn tất, hiện có 16 dự án đã lập hồ sơ thuê đất với tổng diện tích đất được thuê là hơn 194ha. Nhiều dự án khác chưa lập hồ sơ thuê đất hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về đất đai.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, nhất là để hưởng được giá FIT trước ngày 31/10/2021, nhiều chủ đầu tư đã triển khai thi công, bất chấp quy trình thủ tục pháp lý. Đơn cử như 8 dự án chưa hoàn tất thủ tục về đất đai nêu trên tại huyện Hướng Hóa, hầu như dự án nào cũng đã triển khai thi công. Trong đó, dự án nhà máy điện gió Phong Liệu, Amaccao Quảng Trị 1, Tài Tâm, Hoàng Hải đều đã thi công gần xong công trình.

Một số công trình, nhà máy điện gió tại miền Tây Quảng Trị đã hòa lưới điện quốc gia (Ảnh: Đ.T)

Hồi giữa năm nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một số dự án, công trình điện gió tại huyện Hướng Hóa. Qua đợt kiểm tra này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị phát hiện khi chưa thực hiện xong trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất (chưa được UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt kinh phí bồi thường (phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, táỉ định cư) và UBND tỉnh chưa ban hành quyết định cho thuê đất), nhưng doanh nghiệp đã tự mở đường công vụ, san gạt mặt bằng...

UBND huyện Hướng Hóa cũng đã kiểm tra về công tác chấp hành pháp lý về đất đai đối với các dự án điện gió trên địa bàn. Trong đó, huyện ghi nhận tình trạng các chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng công trình trên phần diện tích đất khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất để đảm bảo tiến độ đầu tư dự án. Điều này là vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

UBND huyện Hướng Hóa cho biết, đây là các dự án mới bắt đầu triển khai đầu năm 2021 do áp lực phải hoàn thành dự án trước 1/11/2021. Trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư cũng gặp không ít những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, do đó làm ảnh hưởng chậm đến thủ tục hồ sơ pháp lý về đất đai.

Khá nhiều dự án tại huyện Hướng Hóa chưa xong thủ tục đất đai nhưng đã triển khai thi công công trình để kịp hưởng giá FIT (Ảnh: Đ.T)

Để khắc phục vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn trong vùng dự án tích cực phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục thu hồi đất, thuê đất theo quy định của pháp luật.

UBND huyện Hướng Hóa cũng đã ban hành văn bản tạm dừng chưa thi công phần diện tích đất chưa có quyết định cho thuê đất của Công ty Cổ phần điện gió Khe Sanh; Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị; Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị (Công văn số 938/UBND - TNMT ngày 29/7/2021 của UBND huyện Hướng Hóa) và văn bản tạm dừng thi công dự án của Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3, 4, Hướng Hiệp 1.

Ngoài ra, chủ đầu tư một số công trình điện gió đã tự thỏa thuận mức đền bù cho một số hộ dân trước khi chính quyền địa phương cử các tổ công tác đi tuyên truyền vận động bà con thỏa thuận mức giá đền bù chung cho cả dự án. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, điều này “gây tâm lý so bì giữa các hộ dân được đền bù trước và đền bù sau”. Những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng đã làm phát sinh nhiều hệ lụy, kể cả vấn đề an ninh trật tự.

Sự cố xe chở cánh quạt diện gió vướng cây cối người dân xã Húc, H. Hướng Hóa tối 23/8/2021 khiến một số thanh niên dùng vũ lực để giải quyết sự cố để rồi họ bị khởi tố, rơi vào vòng lao lý (Ảnh: CTV)

Trên thực tế, đã có một số trường hợp mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân nơi có dự án điện gió triển khai không được giải quyết hài hòa dẫn đến xung đột vũ lực. Có nhà đầu tư đã đưa người ngoài địa phương đến địa bàn thi công công trình điện gió để thị uy người dân, nhằm tìm kiếm kết quả bàn giao mặt bằng thuận lợi. Về phía người dân, một số thanh niên không kiềm chế được cũng đã dùng vũ lực giải quyết những mâu thuẫn, sự cố khi doanh nghiệp vận chuyển thiết bị khiến họ rơi vào vòng lao lý, đối mặt với tù tội.

Trước những tồn tại, bất cập xảy ra tại các địa phương triển khai dự án điện gió, Ban kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành của nhà nước. Chủ đầu tư chỉ được phép tiến hành mở đường công vụ, san gạt mặt bằng, thi công các hạng mục công trình sau khi có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh. Đặc biệt, các chủ đầu tư phải có trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương trước khi tự thỏa thuận mức đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Bài 3: Điện gió trong bối cảnh thiên tai dị thường

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top