Chuẩn mực kế toán “nhầm”, trích lập dự phòng sai quy định
Dự phòng tài chính tại ngày 31/12/2017 của SCIC là 562 tỷ đồng. Trong đó, trích lập khoản đầu tư CTCP nhiệt diện Quảng Ninh 150 tỷ đồng, Tổng công ty Cổ phần điện tử và tin học 139 tỷ đồng,…
Qua kiểm toán cho thấy việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính của SCIC là chưa phù hợp với Thông tư số 200 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp và tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Nghị định số 147/2017 của Chính phủ, dự phòng các khoản vốn tiếp nhận và đầu tư đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán phải căn cứ theo giá cổ phiếu trên thị trường tại ngày trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, SCIC áp dụng chế độ kế toán đặc thù năm 2008 của Bộ Tài chính tại quyết định 45/2008 – quyết định này không quy định nguyên tắc và phương pháp trích lập.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Tại điều 45 Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính, việc trích lập dự phòng theo giá cổ phiếu thị trường áp dụng với trường hợp giảm giá chứng khoán kinh doanh hoặc tổn thất vào đơn vị khác khi nhà đầu tư không ảnh hưởng đáng kể. Nhưng trên thực tế, SCIC lại đang có tầm ảnh hưởng lớn (trên 51% vốn) tại các doanh nghiệp này. Do đó, SCIC không đủ cơ sở để trích lập dự phòng theo giá cổ phiếu thị trường.
Ngoài ra, SCIC trích lập dự phòng chưa phù hợp với thực tế, không đúng bản chất giá trị khoản tổn thất. Chẳng hạn như, tại Tổng Công ty CP Điện tử và tin học Việt Nam, CTCP XNK Nông sản thực phẩm An Giang, SCIC đang nắm lần lượt 51% và 88% vốn. Hai đơn vị này hoạt động kinh doanh đang có lãi, giá trị 1 cổ phiếu đang theo phương pháp tài sản cao hơn mệnh giá. Thế nhưng, SCIC lại trích lập 246 tỷ đồng dự phòng tại 2 công ty này.
Việc này liên quan đến việc thoái vốn, đấu giá và bán cổ phần sau này của SCIC. Soi theo Nghị định số 91/2015 của Chính phủ, trường hợp các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, SCIC nắm trên 50% vốn thì việc bán vốn sẽ thu hút nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát. Với SCIC, việc trích lập dự phòng các khoản dưới mệnh giá là không phù hợp.
Tập đoàn đầu tư tài chính Nhà nước: 70% gửi ngân hàng, 30% đầu tư cổ phiếu không hiệu quả
Tại ngày 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư tài chính bằng nguồn của SCIC là 40.199,9 tỷ đồng. Bao gồm: Đầu tư ngắn hạn là 26.714,5 tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng giá trị đầu tư (trong đó, chủ yếu là tiền ngửi có kỳ hạn số tiền hơn 18.700 tỷ đồng – chiếm 70%; đầu tư tại các doanh nghiệp là 8.011,1 tỷ đồng, chiếm 30%); đầu tư dài hạn là 13.485 tỷ đồng, chiếm 33,5%, chủ yếu là đầu tư góp vốn tại các công ty cổ phần và đầu tư trái phiếu.
Đánh giá của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, cơ cấu doanh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động tiền gửi có kỳ hạn. Lợi ích thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao (chiếm hơn 90% doanh thu cổ tức được chia từ các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận vốn: Vinamilk, Fte, Vinaconex...)
Còn lại tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp, có 61/122 doanh nghiệp không có lợi nhuận, cổ tức được chia trong năm 2017 – tương ứng với số vốn đầu tư SCIC đang quản lý là 1.593 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trong số các doanh nghiệp không trả cổ tức 2017 thì có 29/60 đơn vị thua lỗ, 9/60 doanh nghiệp có lãi không đáng kể, 2/60 doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký kinh doanh, 17/60 đơn vị tỷ lệ vốn của SCIC thấp nên không quyết định được việc chia cổ tức.
Tỷ suất lợi nhuận năm 2017 các khoản SCIC đầu tư chỉ đạt 6,4% trên giá trị vốn đầu tư. Trong đó 330 tỷ đồng là lợi tức trái phiếu chính phủ, 101 tỷ đồng lợi tức trái phiếu MB Bank, lợi nhuận Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC là 96,7%,…
Đầu tư cổ phiếu kém hiệu quả, năng lực quản lý chưa chắc chắn
Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm ngày 31/12/2017 của SCIC là 3.905 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu từ hoạt động tài chính 1.762 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm: khoản phải thu cổ tức từ các doanh nghiệp trên cơ sở các Nghị quyết của Đại hội cổ đông, dự thu lãi tiền gửi và dự thu lãi trái phiếu.
Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tại ngày 31/12/2017 là 27,8 tỷ đồng là khoản trích lập dự phòng đối với công nợ phải thu cổ tức sau khi bàn giao về SCIC.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, số dư phải thu hoạt động đầu tư cổ tức 1.762 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu cổ tức của các doanh nghiệp đã niêm yết, các khoản cổ tức được thông báo và được chi trả theo ngày dự kiến thanh toán nên SCIC không thực hiện đối chiếu (tổng số 1.404 tỷ đồng).
Lãi dự thu của các hợp đồng tiền gửi là 313 tỷ đồng, số dư phải thu còn lãi là 45 tỷ đồng, SCIC đã thực hiện đối chiếu được 17 tỷ đồng, còn lãi có gửi thư xác nhận nhưng khách hàng không trả lời hoặc đã phá sản.
Kết quả trên cho thấy, có vẻ SCIC chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc ít duyên trong hoạt động đầu tư tài chính, cổ phiếu. Bởi vì, trong số kể trên, chắc chắn có nhiều cổ phiếu đã được bàn giao về SCIC từ lâu và doanh nghiệp cũng đã có đủ thời gian cân nhắc đầu tư cũng như quản lý.
Trong số tổng số công nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 còn tồn tại khoản công nợ phải thu về cổ tức của 53 doanh nghiệp SCIC đã bán hết vốn với số tiền là 20,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo của SCIC, đây là các doanh nghiệp khó khăn, kinh doanh thua lỗ nên SCIC vẫn phải thực hiện bán vốn đề đảm bảo tiến độ thoái vốn theo kế hoạch. Sau khi bán vốn, SCIC vẫn tiếp tục tổ chức các đoàn công tác, gửi thư đôn đốc, thu hồi công nợ tại các doanh nghiệp này.