Đặt nhiều cuốc cùng lúc
Trên ứng dụng gọi xe dành cho khách hàng của Go-Viet có tính năng đặt nhiều chuyến xe trong một thời điểm. Mặc dù như lời quảng cáo là để mang lại sự tiện lợi nhất định cho khách hàng nhưng nó lại gánh theo nhiều nhược điểm.
Nhất là đối với tài xế thì thật sự bất cập vì có người đã đến điểm đón nhưng khách lại hủy chuyến. Hoặc có khi đến 3-4 tài xế cùng đến đón chỉ 1 khách. Tình trạng này cũng gây ra sự tranh giành và thậm chí là gây gổ giữa các tài xế trong cùng hãng với nhau.
Ông Nadiem Makarim, nhà sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc Go - Jek khẳng định, chỉ sau hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng.
Có thể ông Nadiem đã trung thực với con số trên. Tuy nhiên, bao nhiêu người tải ứng dụng không quan trọng bằng việc ứng dụng đó tiện lợi cho tài xế và người dùng thế nào bởi việc bước vào thị trường thì dễ nhưng để giữ được thị phần và tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng mới khó.
Dễ dàng đặt cuốc ảo
Những ngày đầu ra mắt, để câu kéo tài xế từ những hãng đặt xe trực tuyến khác, Go-Viet đã triển khai chương trình khuyến mãi cho tài xế đủ 9 chuyến 1 ngày sẽ được thưởng 220.000 đồng.
Tuy nhiên, chính vì món hời trước mắt này lại khiến cho các tài xế của hãng thi nhau tìm mánh khóe để kiếm tiền nhờ những cuốc ảo đặt chéo cho nhau hoặc nhờ khách hàng đặt hộ.
Sau đó, loay hoay không thể xử lý được rắc rối này mà Go-Viet đành phải khóa hết những tài khoản có dấu hiệu nghi vấn đặt cuốc ảo.
Động thái này của hãng đã khiến nhiều khách hàng và cả đối tác bức xúc vì có người "vô duyên vô cớ" bị khóa tài khoản. Nhiều người cũng cho rằng, Go-Viet sau khi có được thị phần đáng kể nên họ cắt giảm dần mức hỗ trợ để hạn chế lỗ và hành động đó không chấp nhận được.
Thử hỏi, liệu Go-Viet đã đi một nước cờ thông minh hay chưa khi họ chỉ mới đặt chân vào thị trường Việt, đang tạo dựng niềm tin đến tài xế và người tiêu dùng?
Việc Go-Viet chịu lấy lỗ ban đầu để làm chương trình như đã nêu ở trên là một kiểu hủy diệt thị trường gọi xe công nghệ nhưng chắc chắn sẽ không được lòng người dùng lâu dài. Kinh doanh gì cũng vậy, phải tập trung xây dựng nền tảng chung và cạnh tranh lành mạnh thì mới mong phát triển được lâu dài.
Không hiển thị giá tiền
Dù Go-Viet đã có bảng giá cụ thể nhưng rất nhiều hành khách cho rằng, cách tính tiền của hãng này không thỏa đáng. Có đôi lúc, cuốc ngắn thì hãng lại tính tiền cao còn cuốc dài thì lại tính tiền ít.
Từ ngày ra mắt cho đến nay, lượng khách hàng phàn nàn rằng ứng dụng của Go-Viet thường xuyên bị lỗi không phải là ít, không những không tìm thấy tài xế mà còn luôn luôn hiển thị thông báo “counldn’t load price” hoặc "không tìm thấy tài xế ở khu vực này".
Điều này gây không ít khó chịu cho các khách hàng khi họ muốn trải nghiệm nhưng không có cơ hội thì làm sao có thể nhận xét và có cảm tình được với dịch vụ này.
Trong khi đó, theo số liệu mà Go-Viet đưa ra, hãng này đang nắm giữ 25.000 tài xế, vậy những tài xế này đang ở đâu khi khách cần đến? Hay đó chỉ là con số ảo mà hãng này đưa ra?
Bài 2: Giảm giá sốc: “Con dao hai lưỡi” gây hại cho Go-Viet