Cho đến nay, ông Trần Văn Hiệp, là người đầu tiên trong hệ thống chính quyền tỉnh này dám công khai thừa nhận có lợi ích nhóm trong hàng loạt sai phạm phân lô ở địa phương này.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh, ngày 8/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn nói về những mặt trái của tình trạng phân lô: "Trong đó có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ".
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản yêu cầu UBND TP Bảo Lộc cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến các tuyến đường đang được đơn vị xác minh, điều tra liên quan đến việc hiến đất làm đường.
Theo văn bản, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông, để giải quyết hồ sơ tách thửa trái quy định pháp luật trên địa bàn TP.Bảo Lộc. Từ ngày 25/10/2021 đến ngày 10/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với 14 khu đất có biểu hiện hiến đất làm đường giao thông, hợp thửa, tách thửa không đúng quy định trên địa bàn phường Lộc Phát, xã Đam B`ri, TP.Bảo Lộc có liên quan đến tin báo của Thanh tra tỉnh.
Qua kết quả điều tra cho thấy, diện tích tuyến đường giao thông mở mới cho các hộ dân hiến đất làm đường theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận là 80.122 m2. Tổng diện tích các tuyến đường mở mới qua đo đạc thực tế là 76.806,015 m2, trong đó, thuộc quy hoạch đất ở là 25.179,975 m2, thuộc quy hoạch đất nông nghiệp là 47.455,04 m2, thuộc đất giao thông là 3.836,7 m2 (nhưng không đúng vị trí và hướng tuyến quy hoạch) và đất thương mại dịch vụ là 333,9m2.
Tuy nhiên, các tuyến đường này không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1995 phường Lộc Phát và cũng không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1998 của xã Đam B'ri (đã chỉnh lý thời điểm gần nhất). Các tuyến đường mở mới có đấu nối với đường giao thông hiện hữu do nhà nước quản lý, việc đấu nối không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng xác định trường hợp đường chính theo quy định tại khoản 13, điều 3, Luật Giao thông đường bộ. Liên quan đến vụ việc trên, ngày 17/01/2021 Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời việc xác định là đường chính hay không trước hết phải xác định được phạm vi khu vực và việc quản lý hạ tầng giao thông của khu vực đó, để xác định đó có là đường chính hay không.
Căn cứ vào kết quả khám nghiện hiện trường, điều 88 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị UBND TP Bảo Lộc cũng cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến vụ việc trên. Đồng thời, phối hợp xác định các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường hẻm, đường chưa có tên mà các trường hợp trên sau khi tự ý mở đường đấu nối vào có phải là đường chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ không? Hành vi của các hộ dân đấu nối trái phép vào các đường hiện hữu do nhà nước quản lý như trên có phải là hành vi đấu nối trái phép vào đường chính hay không? Cung cấp một số thông tin, tại liệu khác có liên quan (nếu có).
Liên quan đến các sai phạm phân lô ở TP Bảo Lộc, ngày 12/5/2020, Reatimes đã có văn bản đề nghị UBND TP Bảo Lộc cung cấp một số thông tin về khu đất được quảng cáo là “dự án” La Melodie, thôn 14, xã Đam B’ri, quy mô lên đến 36ha. Trong đó, đề nghị làm rõ một số vấn đề như: “Dự án La Melodie đã được thi công hạ tầng khi quy hoạch sử dụng đất tại vị trí con đường không phải là đất giao thông. Theo các luật sư, đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích, vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Quan điểm của UBND thành phố Bảo Lộc về vấn đề này như thế nào?”; “Việc dự án này được chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn, trong khi nhiều cá nhân xin chuyển mục đích với quy mô nhỏ hơn cũng gặp khó khăn vì hết hạn mức khiến dư luận đặt nghi vấn có hay không sự ưu ái, tiêu cực xin - cho, trong vấn đề duyệt hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Quan điểm của UBND thành phố Bảo Lộc về vấn đề này như thế nào?”…
Đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, nhưng UBND TP Bảo Lộc vẫn bưng bít sai phạm tại dự án ma La Melodie. Phải chăng lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc có liên quan đến lợi ích nhóm và cố tình bao che, bất chấp việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo minh bạch thông tin cho báo chí?
Chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng liệu có thành “nước đổ đầu vịt”?
Thông tin từ các cơ quan thường trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại buổi gặp gỡ, đối thoại với đại diện các cơ quan báo chí, phóng viên thường trú trên địa bàn nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị các nhà báo, phóng viên thẳng thắn, cởi mở trao đổi những vấn đề chưa hài lòng trong quá trình tác nghiệp.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan báo chí phản ánh việc nhiều sở, ngành và lãnh đạo các huyện “né tránh” báo chí, không gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí. Có lúc yêu cầu các phóng viên viết ra văn bản những vấn đề cần thông tin để trả lời bằng văn bản sau. Thế nhưng, chờ mãi các cơ quan báo chí vẫn không nhận được văn bản trả lời.
Sau khi lắng nghe, ông Trần Văn Hiệp nói: “Dù sở, ngành hay lãnh đạo các huyện không cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, thì với trách nhiệm là Bí thư Ban Cán sự Đảng - Chủ tịch UBND tỉnh, tôi phải chịu trách nhiệm, tôi nhận thiếu sót về việc này”.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh soạn văn bản để ông ký gửi tất các các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố yêu cầu phải cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định. Chủ tịch Trần Văn Hiệp còn đề xuất các địa phương nên tổ chức gặp gỡ báo chí…
Trước đó, như Reatimes đã phản ánh trong bài Lâm Đồng lấy danh nghĩa “tôn chỉ mục đích” để bưng bít thông tin?, ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa công bố kết luận.
Để minh bạch thông tin về việc chấp hành pháp luật liên quan đến câu chuyện phân lô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngày 12/5/2020 Reatimes đã gửi công văn đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc)... Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm trôi qua, nhưng các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi.