Bài 4: Tập đoàn Mường Thanh làm 19,9km đường BT được hơn 416ha đất KĐT Thanh Hà, người dân 12 năm chờ 54m2 “đất dịch vụ”
Dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được UBND tỉnh Hà Tây thông qua đề xuất dự án triển khai thực hiện vào tháng 12/2007. Dự án được thực hiện theo Hợp đồng BT ngày 18/4/2008, trên cơ sở ký kết giữa Sở Giao thông Hà Tây với Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - Tổng Công ty Cienco5. Theo đó, Tổng Công ty Cienco5 là nhà đầu tư còn Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) là doanh nghiệp dự án.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5km, bắt đầu khởi công giai đoạn 1 vào năm 2008, với chiều dài 19,9km (từ Km00 - Km19+900). Dự án đối ứng cho đoạn đường này là KĐT mới Thanh Hà A và Thanh Hà B - Cienco5 (quận Hà Đông, Hà Nội), với tổng diện tích hơn 416ha.
Giai đoạn 2 của dự án (từ Km19+900 - Km41+500) có chiều dài 21,6km, với quỹ đất đối ứng là Dự án KĐT Mỹ Hưng, tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội), quy mô 182ha. Tuy nhiên, dự án đầu tư giai đoạn 2 đã bị UBND TP. Hà Nội tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đến nay.
Mặc dù mới triển khai 19,9 km, nhưng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) dính nhiều tai tiếng trong suốt quá trình thực hiện. Năm 2012, dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm, trong đó nhiều đơn giá dự án được tính sai, bất hợp lý. Tổng dự án bị đội giá trên 1.081 tỷ đồng.
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra dự án này, phát hiện tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng tới 1.428 tỷ đồng (gồm 920 tỷ đồng chi phí lãi vay và 510,2 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất và công trình BT). Thậm chí, nhà đầu tư còn không cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối, cản trở hoạt động thanh tra.
Tập đoàn Mường Thanh đổi 19,9km đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) lấy 416ha KĐT Thanh Hà, nhưng các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc ký kết thực hiện Hợp đồng BT.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại dự án đường BT này. Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, không xây dựng và thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT. Nhà đầu tư góp vốn không đủ theo Hợp đồng BT. Cụ thể, dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) góp vốn đạt 27,13% (165 tỷ đồng/608 tỷ đồng).
Dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) mới bố trí 2.429 tỷ đồng/6.076 tỷ đồng, thiếu 3.647 tỷ đồng. Đáng nói, tại dự án này, UBND TP. Hà Nội cho phép dừng không thi công 21,5 km đường còn lại tương đương 2.448 tỷ đồng nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý.
Thực tế cho thấy, các khu đất đối ứng gồm KĐT Thanh Hà A và Thanh Hà B sau đó đã về tay Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh. Năm 2016, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land), qua đó giành quyền chi phối dự án KĐT Thanh Hà. Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư dự án KĐT Thanh Hà, chủ đầu tư đã để xảy ra hàng loạt vi phạm xây dựng ở mức độ nghiêm trọng, khiến khách hàng mua sản phẩm tại dự án và dư luận xã hội bức xúc trong một thời gian dài.
Không chỉ riêng dự án trên, những năm qua, cơ quan thanh tra đã vào cuộc và chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại các dự án BT trên địa bàn TP. Hà Nội trong nhiều thời kỳ khác nhau. Theo cơ quan thanh tra, có hiện tượng cơ quan chức năng TP. Hà Nội thẩm định, phê duyệt sai, ẩu, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất. Vậy nhưng, việc xử lý trách nhiệm sau thanh tra của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm ấy và vấn đề khắc phục sai phạm dường như không được nhắc đến.
Bàn luận về vấn đề trên, nhiều chuyên gia pháp lý từng đặt câu hỏi “các dự án BT sẽ mang lại lợi ích cho ai?”. Có thể thấy, nhiều dự án đường BT mặc dù được đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên do quá trình thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả không cao, chủ yếu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Cụ thể, khi một con đường mới được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư lại được giao đất đối ứng ngay cạnh dự án đó. Như vậy, rõ ràng khi dự án được hoàn thành, giá trị bất động sản tại khu đất đó sẽ được tăng lên nhiều lần. Con đường mới xây đó không gì khác là phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư và cư dân tại đó sau này.
Theo tìm hiểu, ngày 31/7/2008, ông Trịnh Duy Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký ban hành Quyết định số 3185/QĐ-UBND, về việc thu hồi 782.736,1 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu (huyện Thanh Oai), chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp giao cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trục đường phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ).
Sau đó, chính quyền Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất của các hộ dân và giao đất để Cienco 5 Land thực hiện dự án đường BT. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai giai đoạn đó cho thấy, các hộ bị thu hồi đất thực hiện dự án trên chủ yếu là các hộ thuần nông, trực tiếp sản xuất nông nghiệp chứ không có ngành, nghề gì khác. Theo thống kê, hầu như để triển khai các dự án, chính quyền đã lấy từ 50% - 90% đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân.
Tại thời điểm đó, khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ dự án đường BT, những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất mà không được nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương đương, thì sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới. Một trong những cách hỗ trợ đó chính là giao đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp và đây được gọi là "đất dịch vụ". Các hộ dân bị thu hồi đất để giao cho Cienco5 Land làm dự án đường BT cũng được hưởng chính sách đó.
Theo phản ánh của người dân có đất bị thu hồi và được nhận suất đất dịch vụ, sau 12 năm bị thu hồi đất nông nghiệp, UBND huyện Thanh Oai và UBND thành phố Hà Nội chưa giao trả diện tích đất dịch vụ cho họ theo quyết định, khiến quyền lợi của người mất đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mới đây, tháng 2/2021, người dân có suất đất dịch vụ nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất. Theo đó, giá đất tính tiền sử dụng đất (đồng) là: 2.236.000 đồng/m2, tính trên 54m2 mỗi thửa, thì số tiền phải nộp sẽ là 120.744.000 đồng, với tỷ lệ nộp là 100% tiền sử dụng đất.
Người dân băn khoăn nói: “Vậy, UBND Huyện Thanh Oai thu tiền sử dụng “đất dịch vụ” trong trường hợp này có đúng với quy định không? Với thông báo nộp tiền như trên, có được hiểu là nhà nước bắt chúng tôi phải nộp thuế trên phần đất giá trị được hỗ trợ trong trường hợp bị thu hồi đất? Thu như vậy thì các chính sách về hỗ trợ đền bù khi nhà nước thu hồi đất có còn tính nhân văn mà Đảng và nhà nước mong muốn không?”.
Ông Thái Quang Tr (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Sau 12 năm chúng tôi bị thu hồi đất nông nghiệp, UBND huyện Thanh Oai, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa giao đất dịch vụ cho chúng tôi khiến người dân hết sức phẫn nộ. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, đề nghị để trả lại 10% diện tích đất bị thu hồi, nhưng đến nay chỉ thấy “im lặng” từ chính quyền”.
Khu đất dịch vụ tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai sau 12 năm vẫn là khu vực thùng vũng, hạ tầng chưa đồng bộ, còn nhà đầu tư - Tập đoàn Mường Thanh được chính quyền thành phố Hà Nội nhanh chóng giao đất để thực hiện dự án KĐT Thanh Hà.
Có thể thấy, khi công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện dự án BT xây dựng đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây, về nguyên tắc, ngay sau khi được giao đất để thực hiện dự án, chủ đầu tư phải tiến hành xây dựng và bàn giao đất dịch vụ hoặc đất tái định cư (nếu có) cho người dân bị thu hồi đất để họ tiến hành sản xuất kinh doanh, bù đắp vào việc bị giảm thiểu điều kiện sống do bị thu hồi đất trước đó.
Thế nhưng, theo quan sát, khu đất dịch vụ tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Đường 427 đoạn giáp Quốc lộ 21B đến hết địa phận xã Thanh Thùy) vẫn là khu vực thùng vũng, hạ tầng chưa đồng bộ, cốt đường cao hơn mặt ruộng xung quanh không đáng kể. Khu vực này mùa mưa thường xuyên ngập, hiện nay như một cái ao để một số người nuôi vịt, thả rau muống và những chỗ cao thì tập kết vật liệu xây dựng.
“Trong khi ruộng đồng bị ảnh hưởng từ dự án dẫn đến cấy trồng khó khăn do hệ thống thủy lợi bị chia cắt, nhiều chỗ không thể canh tác đời sống ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thiệt hại này của chúng tôi phải trải qua 12 năm qua, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Lỗi này thuộc về cơ quan hay cá nhân nào?”, người dân xã Tam Hưng đặt vấn đề trong đơn.
Trái với sự chậm trễ ấy, nhà đầu tư được chính quyền thành phố Hà Nội nhanh chóng giao đất để thực hiện dự án KĐT Thanh Hà. Dự án này được chủ đầu tư – Tập đoàn Mường Thanh vẽ ra là khu đô thị mở hoa mỹ, tráng lệ. Trong đó, có đầy đủ các sản phẩm liền kề, biệt thự, shophouse và các tiện ích như khu công viên, khu thể thao, trụ sở văn phòng, khách sạn. Đến nay, nhiều tòa chung cư cao tầng, lô đất biệt thự đã được xây dựng, đưa vào sử dụng và nhà đầu tư thu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Với quỹ đất đối ứng hơn 416ha, bên cạnh những khu đất được xây dựng, đưa vào kinh doanh thì nhiều lô đất trong KĐT Thanh Hà vẫn để cỏ dại mọc um tùm, hoang hóa và gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Khi dự án đường BT được phê duyệt và triển khai, khu vực phía Nam được kì vọng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo điều kiện để người dân nâng cao nhu cầu sống. Nhưng khi đi vào thực hiện có quá nhiều điều bất cập về chính sách, thủ tục pháp lý khi thu hồi đất của người dân. Trước việc hàng chục hộ dân bị thu hồi đất đang mòn mỏi 12 năm chờ được nhận "đất dịch vụ" để ổn định cuộc sống, liệu rằng những người lãnh đạo chính quyền TP. Hà Nội và huyện Thanh Oai qua các thời kỳ có nắm bắt hay không? Và, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi quyền lợi của người dân bị bỏ ngỏ suốt từng ấy năm?
Quyền và lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất đáng lẽ phải được nhận từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn “nằm trên giấy”. Liệu đây có phải là sự vô cảm của cả hệ thống những tổ chức, cá nhân các cấp chính quyền địa phương và TP. Hà Nội? Hơn lúc nào hết, chính quyền TP. Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân đã bị bỏ rơi suốt 12 năm qua.