Aa

Bài 8: Phát triển nhanh phải gắn liền với yếu tố bền vững

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 01/05/2020 - 12:00

Một đô thị nơi cửa ngõ Thủ đô sẽ luôn được kỳ vọng là vệ tinh vững chắc trong việc giảm tải áp lực hạ tầng, dân số. Do đó, Bắc Ninh không thể mải chạy theo đà phát triển mà quên đi vị thế quan trọng của mình.

Lời tòa soạn:

Thời gian gần đây, ở tỉnh Bắc Ninh bắt đầu xảy ra câu chuyện chạy đua xin dự án khi có hàng loạt dự án xây dựng - bất động sản, được phê duyệt trong một thời gian ngắn, làm dấy lên những lo ngại về sự phát triển bền vững của đô thị Bắc Ninh trong tương lai gần.

Theo Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TW, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh. Đặc biệt, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội.

Với những mục tiêu chiến lược như vậy, giới chuyên gia kinh tế, quy hoạch, kiến trúc cho rằng, Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cần hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, không thể để lặp lại tình trạng xây dựng ngổn ngang, "băm nát" quy hoạch như một số địa phương. Bởi đã có những bài học nhãn tiền từ trường hợp phát triển đô thị quá "nóng", để lại nhiều hệ lụy khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, câu chuyện phát triển của Đà Nẵng hay như trường hợp quy hoạch khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc...

Bởi việc đầu tư thiếu đồng bộ giữa hạ tầng đô thị, giao thông, hệ thống cấp thoát nước… với phát triển các hệ thống công trình, dự án, nhà hàng, khách sạn, nhà ở… đã khiến cho hạ tầng nhiều khu vực bị quá tải, gây nhiều áp lực lên chính quyền và các cơ quan quản lý. Thị trường tăng trưởng quá nóng; hiện tượng đầu cơ, thổi giá, những đợt sốt ảo tạo nên một mặt bằng giá mới vượt quá xa ngưỡng thu nhập và khả năng thanh toán của người dân địa phương. Đặc biệt, sau các giai đoạn phát triển "nóng" thì quỹ đất đô thị đã trở nên cạn kiệt, khi được khai thác, thương mại hóa triệt để.

Chính quyền Bắc Ninh cần "chậm lại", giữ gìn quỹ đất cho phát triển bền vững; đồng thời tập trung vào việc ổn định, cân bằng thị trường và đưa ra các giải pháp để sử dụng tối ưu nguồn đất đai hiện có, hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích dài lâu cho người dân, nhất là không ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng loạt bài dài kỳ: Có hay không một cuộc chạy đua xin dự án khi Bắc Ninh lên TP trực thuộc TW?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Bắc Ninh là vùng đất gắn với quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng, từng là trung tâm kinh tế - chính trị - Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt, là nơi khởi dựng cơ đồ của Thủy tổ Việt Nam Kinh Dương Vương, nơi phát tích vương triều Lý - triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt đồng thời là vùng đất quan họ giàu bản sắc văn hóa.

Sau 23 năm tái lập, Bắc Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Từ một tỉnh nông nghiệp, Bắc Ninh vươn lên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội ở tốp dẫn đầu cả nước. Trong những năm gần đây, Bắc Ninh thu hút nhiều dự án với trình độ công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện tử, sinh học với hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Tập đoàn Samsung, Hanwha Techwin, Canon, Nokia… Điều này khẳng định Bắc Ninh là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp về sản xuất công nghiệp và công nghệ cao trên cả nước.

Trên tinh thần đó, hệ thống đô thị Bắc Ninh được phát triển theo hướng hiện đại, bộ mặt đô thị, nông thôn thay đổi nhanh chóng. Giai đoạn mới, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022; đồng thời gắn với phát triển Vùng Thủ đô, tầm nhìn hội nhập quốc tế.

MẮT XÍCH QUAN TRỌNG CỦA VÙNG THỦ ĐÔ

Trong vùng quy hoạch Vùng Thủ đô, Bắc Ninh là một đô thị động lực, là mắt xích quan trọng cùng với Hà Nội và Vĩnh Phúc tạo thành tam giác tăng trưởng, phát triển vùng đô thị lớn. Đô thị Bắc Ninh có chức năng vùng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đào tạo, y tế - nghỉ dưỡng và logistics, hỗ trợ Hà Nội về nhà ở và giảm áp lực giao thông.

Theo đó, hệ thống đô thị của Bắc Ninh sẽ phát triển theo hướng hiện đại, mang tính chất của đô thị sinh thái, đô thị thông minh; lấy văn hoá là trục xuyên suốt tiến trình phát triển; xây dựng nền kiến trúc hiện đại nhưng đồng thời chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội với những định hướng lớn như trên, Bắc Ninh cần xây dựng những bước đi mới phù hợp với sự nhận diện chính xác thời cơ, thách thức, những thuận lợi, khó khăn; nhận thức rõ thế và lực mới, những ảnh hưởng đa chiều và trách nhiệm đối với Vùng Thủ đô; đưa ra những dự báo khoa học với tầm nhìn xa trông rộng và đặc biệt xác định được những nhân tố làm nên bản sắc của thành phố tương lai...

“Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bắc Ninh phải được nhìn nhận ở nhiều góc độ trên cơ sở khai thác được mọi tiềm năng, nguồn lực, giảm thiểu những bất lợi để cùng các tỉnh trong Vùng Thủ đô Hà Nội phát triển thịnh vượng và bền vững. Trong quá trình phát triển, hội nhập, Bắc Ninh cần chọn cho mình một hướng đi đúng và phù hợp, xuất phát từ cội nguồn văn hóa, nguồn lực và trí tuệ; từ sự đảm bảo phát triển trong mối liên kết vùng về không gian, chia sẻ chức năng, kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng… Và, suy cho cùng, dù mô hình cấu trúc phát triển nào được lựa chọn, cũng phải vì con người, lấy con người làm trọng tâm – và phải đảm bảo sự phát triển bền vững, dài lâu…”, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận.

TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, Đồ án Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh thực chất là việc định dạng tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo ra biến đổi về chất việc sử dụng không gian phát triển nói chung của tỉnh Bắc Ninh. Trong quan hệ cấu trúc với không gian Vùng Thủ đô, cần đảm bảo tính chủ động theo hướng đô thị hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả của không gian phát triển theo hướng hiện đại, tính thẩm mỹ và có bản sắc, đem đến sự thịnh vượng của tỉnh và chất lượng cuộc sống của người dân, hàm chứa mục tiêu đưa Bắc Ninh đạt các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế – xã hội của đô thị hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc TW.

...NHƯNG "CÓ BỘT MỚI GỘT NÊN HỒ"

Những kỳ vọng về một đô thị thông minh, đô thị văn hóa, giàu bản sắc để trở thành vệ tinh của TP. Hà Nội, động lực phát triển của Vùng Thủ đô đã được đặt ra. Nhưng những mục tiêu kỳ vọng đó khó có thể hoàn thành nếu không dựa trên quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, nguồn lực đất đai được phân bổ và sử dụng hợp lý. Không có "bột" thì không thể "gột nên hồ". 

Như Reatimes đã phân tích ở những bài trước, cùng với những tiềm năng phát triển, đã có nhiều lo ngại về nguy cơ "băm nát" quy hoạch khi đô thị phát triển quá nhanh và ồ ạt. Nếu không nhận thức được vị thế của mình, không có quy hoạch bài bản và được thực thi hiệu quả, quyết liệt, không kiên định để “giữ mình” trước “miếng bánh lợi ích” từ giá trị gia tăng của đất đai thì quá trình Bắc Ninh phấn đấu để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng đã đặt ra có thể trở thành con dao hai lưỡi, mà hệ lụy của nó là sẽ biến “thành phố tương lai” thành phiên bản của Hà Nội: Quy hoạch bị "băm nát" tới mức không cách nào cứu vãn?!

Nhiều khu đô thị ngổn ngang tại Bắc Ninh.

Sau khi quy hoạch xong các khu công nghiệp đầu tiên, Bắc Ninh đã thực hiện một chiến lược trải thảm đỏ nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc thực hiện các chế độ ưu đãi riêng của tỉnh như tạo điều kiện cho thuê đất với mức giá thấp nhất, miễn giảm tiền thuê đất 10 năm đầu và giảm 50% trong những năm còn lại, hỗ trợ kinh phí di dời doanh nghiệp từ địa phương khác vào khu công nghiệp, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương...

Trải thảm đỏ chưa đủ, “bó hoa” mà Bắc Ninh quyết định đem ra chào đón các nhà đầu tư là những thủ tục hành chính thông thoáng, tạo mối liên hệ thân thiện giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang tìm kiếm địa điểm đầu tư. Do đó, không khó hiểu khi nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh chứng kiến những “cuộc đổ bộ” của các nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển hạ tầng, phát triển không gian đô thị tại địa phương này bằng việc xin triển khai các dự án. Theo nhu cầu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của Bắc Ninh năm 2019 đăng ký 1.544 dự án; tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 6.891,88ha.

Hệ quả đầu tiên của việc ồ ạt cấp phép các dự án có thể dễ dàng nhận thấy là Bắc Ninh đã tồn tại những khu đô thị nhiều “không”, chủ đầu tư mải miết phân lô, bán nền hoặc xây nhà bán cho dân mà bỏ quên việc phát triển các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đi lệch với quy hoạch ban đầu. Cùng với đó là những dự án treo nhiều năm, trong khi nguồn lực đất đai đã gần như bị khai thác cạn kiệt vào túi tư nhân.

Theo các chuyên gia, Bắc Ninh hiện là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với khoảng hơn 800km2, là một tỉnh đồng bằng, đất đai là tài nguyên quý nhất của tỉnh này, nơi đâu cũng được coi là "bờ xôi, ruộng mật". Trong khi đó, thời gian qua với định hướng phát triển công nghiệp, một quỹ đất rất lớn đã được sử dụng.

“Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có cả nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm, không thể để lặp lại tình trạng xây dựng ngổn ngang, "băm nát" quy hoạch như một số địa phương”, TS. KTS. Trương Văn Quảng nói.

Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có cả nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm. 

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu, thực tế quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khi được diễn ra quá nhanh đã phá vỡ nhiều nét đẹp truyền thống tại các làng Việt ở Bắc Ninh. Nhiều công trình nhà ở hay công trình công cộng với kiến trúc cổ đã bị đập đi xây lại theo kiến trúc hiện đại hoặc bị chia nhỏ để bán thành đất công nghiệp. Nhiều đình chùa bị hư hại, lâu không được trùng tu, nhiều cổng làng cổng xóm đã bị tháo dỡ. Không gian làng mạc bị ô nhiễm vì số lượng dân di cư từ nơi khác đến , nhu cầu sinh hoạt tăng lên trong khi môi trường tự nhiên như cây xanh, ao hồ ngày càng bị thu hẹp.

“Trong số 194 làng thuộc phạm vi khảo sát nghiên cứu thì có 70 làng vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Tuy nhiên, trong số 70 làng đó có 32 làng cần bảo tồn khẩn cấp. Bởi tốc độ đô thị hóa đang chạm đến những làng này rất nhanh trong khi chính quyền cơ sở và người dân chưa đánh giá hết được những giá trị văn hóa truyền thống của làng mình và chỉ chú trọng những lợi ích trước mắt. Vì vậy, nếu không khẩn trương quy hoạch chi tiết đối với từng làng, đến khi các di sản mất rồi sẽ rất đáng tiếc và đau xót. Như dòng Tiêu Tương là một minh chứng, bây giờ dù có muốn cũng khó khơi lại được dòng chảy cũ…”, KTS. Lê Hải Sơn, Viện Quy hoạch Kiến trúc Bắc Ninh cho biết.

Chia sẻ tại một hội thảo về quy hoạch TP. Bắc Ninh, GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính bày tỏ: “Chúng tôi suy nghĩ về một mô hình phát triển Bắc Ninh theo định hướng hiện đại hóa, trong đó xu hướng đô thị hóa là tất yếu. Song đô thị hóa phải hợp và đi ra từ những tiềm năng thực tế và sự tích lũy lịch sử hết sức đặc trưng của địa phương này, một công cuộc đô thị hóa có tính tới sự cộng sinh hữu cơ giữa các đô thị, các làng nghề (mà ở Bắc Ninh điều này đặc trưng và có sức sống hơn cả) và các thôn làng thuần nông. Chính các cấu trúc này giúp ta giữ và ươm những vốn liếng mỏng manh của di sản văn hóa, mà ta tâm tưởng lấy đó làm kinh tế du lịch”.

Theo vị KTS này, công cuộc đô thị hóa cấp tập, chưa đủ thời gian cho thâm canh kiến trúc đô thị và thành thị hóa dân cư, sẽ dẫn tới những hậu quả xã hội – nhân văn nghiêm trọng.

Do đó, cần hạn chế sự chiếm dụng đất cho đô thị, cho công nghiệp và cho hạ tầng; dành đất cho trồng trọt và chăn nuôi, cho thiên nhiên... và, hệ trọng hơn cả là cho con người.

“Tôi nghĩ, xu hướng này nên có chỗ trong tư duy hoạch định kinh tế và đô thị, nhất là cho quy hoạch Bắc Ninh, một trong những cái nôi còn duy dưỡng cho đến nay, những hệ mạch của văn minh Đại Việt, một vùng đất thuần và đậm chất Việt, mà hễ ai yêu thương đất nước mình đều phải hướng tâm tưởng tới”, KTS. Hoàng Đạo Kính cho hay.

Các khu đô thị mới phải đồng bộ và đa chức năng.

Theo các chuyên gia, mục tiêu tiết kiệm sử dụng đất phải là ưu tiên hàng đầu của Bắc Ninh trong quá trình đi lên thành phố trực thuộc TW bởi địa phương có quy mô diện tích nhỏ. Đồng thời phải giải quyết vấn đề tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch ngành nghề hiện đại, giải quyết giữa vấn đề phát triển và bảo tồn văn hóa. Các khu đô thị mới phải đa chức năng, có phố phường tạo nhiều việc làm và cung ứng dịch vụ thuận tiện chứ không chỉ là khu nhà ở.

Có một thực tế chung, sau các cuộc quy hoạch lớn, bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế thì đô thị lại phát triển lộn xộn, manh mún và phân mảnh bởi các dự án đang lèo lái quy hoạch, làm tăng các hệ lụy kẹt xe, tắc đường, lụt lội, ô nhiễm... Do đó, đòi hỏi các quy hoạch đặt mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải hướng tới sự bền vững.

“Chính sách đô thị hóa đúng đắn sẽ quyết định sự tăng trưởng bền vững của hệ thống đô thị Việt Nam, còn như hiện nay, các dự án đang "lái" chính sách và quy hoạch đô thị để cho dòng lợi nhuận khổng lồ từ đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực chảy vào túi các nhà đầu tư bất động sản”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top