Trong mỗi một năm, mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh như La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Kế Đô.
Những ngôi sao chiếu mệnh này có thể là sao vận tốt hoặc sao vận xấu. Nếu ai bị sao vận xấu chiếu mệnh trong năm thì làm lễ dâng sao giải hạn; nếu ai được sao tốt chiếu mệnh thì làm lễ dâng sao nghinh đón.
Nghi thức này nên được thực hiện vào đêm rằm đầu tiên của năm mới, tối ngày 15 tháng 1 âm lịch hay Rằm tháng Giêng (ở miền Nam nhiều chùa cúng sao vào tối mùng 8 tháng Giêng).
Bài vị cúng mỗi sao được viết trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao. Bàn hương án cúng dâng sao thường đặt ở sân trước nhà hoặc trên sân thượng.
Khi cúng đọc bài văn khấn dưới đây:
Văn khấn cúng dâng sao giải hạn (ngày Rằm tháng Giêng)
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu.
Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….
Ngụ tại:…………………………………..
Chúng con thành tâm có lời kính mời:
Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân
Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân
Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân
Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân
Văn Xương Văn Khúc tinh quân
Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quân
La Hầu, Kế Đô tinh quân
Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:
Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.
Đèn trời sán lạn.
Chiếu thắp cõi trần.
Xin các tinh quân.
Lưu ân lưu phúc.
Lễ tuy mọn bạc.
Lòng thành có dư.
Mệnh vị an cư.
Thân cung khang thái.
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Dưới đây là những ngôi chùa tại Hà Nội và TP.HCM thu hút đông người tìm đến:
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh còn có tên khác là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang, được xây dựng vào thời Hậu Lê. Hiện nay, chùa Phúc Khánh nằm trên phố Tây Sơn thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ dâng sao giải hạn thường được tổ chức ở đây vào ngày mùng 8, 15 và 18 tháng Giêng với số lượng người tham gia được xem là đông nhất Hà Nội.
Chùa Hà
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội. Ngoài sự nổi tiếng linh thiêng về cầu duyên, chùa Hà cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng nhiều người chọn lựa để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.
Chùa Trấn Quốc
Ngôi chùa hơn 1.500 năm tuổi đặt tại Hồ Tây này được xây dựng vào thời Tiền Lý năm 541 và là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Vào ngày rằm, mùng 1, các ngày lễ Tết rất nhiều người dân tới chùa Trấn Quốc để cầu bình an, may mắn.
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ nằm ở phố Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV và được mệnh danh là ngôi chùa thiêng bậc nhất của Hà Nội. Ngôi chùa này được chọn làm trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phân viện Nghiên cứu Phật học.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Tọa lạc ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3, chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm mà các tăng ni phật tử thường đến nghiên cứu phật học. Ngôi chùa là nơi các du khách thập phương thường đến tham quan và người dân đi cầu may mắn, hạnh phúc.
Chùa Việt Nam Quốc Tự
Chùa Việt Nam Quốc Tự là ngôi chùa hiện nay tọa lạc tại 16B đường Ba tháng Hai, Quận 10. Đây là một ngôi chùa tập hợp chủ yếu qúy tăng ni Phật tử miền Bắc di cư, là một chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa Phổ Quang
Chùa Phổ Quang tọa lạc ở số 64/3 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông gắn liền với những thăng trầm của lịch sử, đây là địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp nằm ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn và các vùng lân cận đến tham quan và tham gia các khóa tu Phật thất.