Aa

“Bài học” 500 triệu đô

Thứ Bảy, 16/03/2019 - 11:27

500 triệu đô, số tiền tương đương gần 11.000 tỷ đồng, đủ để mua 5.000 chiếc Mercedes hay 3.000 căn hộ cao cấp, dư giả cho cả triệu người Việt sống trong một tháng… đã bị Tập đoàn dầu khí (PVN) "ném vào" Venezuela.

Từ 5/2011 đến 5/2013, PVN đã "ném" hơn 500 triệu đô vào các hợp đồng khai thác dầu ở Venezuela trong bối cảnh mà một chuyên gia kinh tế cho rằng “Người có đầu óc bình thường và không có mục đích cá nhân nào chắc chắn chẳng lao đầu vào đống lửa đốt tiền này". Nếu biết rằng khi PVN quyết định "đặt cược" hàng tỷ USD ở Venezuela, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có lúc chỉ vỏn vẹn 12 tỷ đô, sẽ thấy họ đã tất tay và liều mạng như thế nào.

Tôi cũng nghĩ là không ai bình thường lại chẳng sốc khi PVN chấp nhận một điều khoản cực kỳ phi lý: Phía Việt Nam phải trả "phí tham gia" (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu. Trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt. Nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ "tự động bị chuyển" cho đối tác Venezuela. Và tiền của PVN, mà thực chất là tiền của người dân Việt Nam đã mất dễ dàng như thế đấy.

Thời điểm ấy, truyền thông quốc tế đã chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về nền kinh tế Venezuela và đồng tiền của quốc gia này. 18.000 nhân viên mà hầu hết là chuyên viên và nhà quản lý chuyên nghiệp của Công ty Dầu khí quốc doanh Venezuela (PDVSA) bị sa thải, để thay thế vào đó gần 100.000 người chỉ biết chuyên tâm ủng hộ chính phủ. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ chối xếp hạng tín nhiệm PDVSA vì không công bố báo cáo tài chính.

Nhưng như báo Thanh niên thông tin thì “Bộ trưởng bị ép kí, Quốc hội bị phớt lờ” và vài ý kiến phản đối ít ỏi bị dập tắt và không ai dám lên tiếng công khai! Ai dám ép Bộ trưởng, ai dám phớt lờ Quốc hội, ai dám dập tắt phản biện và ai có quyền gật đầu ném 11.000 tỷ đồng vào đống lửa? Rồi chúng ta sẽ biết, người dân sẽ hay và kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị xử lý. Nhưng tiền thì không bao giờ quay về được và cái giá quá đắt mãi mãi là bài học thương đau.

PVN có thể sai trái, người gật đầu cho họ làm thế có thể sai lầm nhưng còn các cơ quan tham mưu, giám sát lúc ấy ở đâu? Họ không thể vô can và phải bị “chỉ mặt điểm tên” để ít ra những bài học đau đớn như vậy không lặp lại và những đồng tiền chắt chiu của đất nước không bị tiếp tục phung phí.

Nhân dân và đất nước này không bao giờ còn muốn nghe những trả lời “Sau bao nhiêu năm làm bộ trưởng, lần đầu tiên tôi phải ký một Giấy chứng nhận đầu tư dự án ra nước ngoài mà trong đó phải ghi căn cứ vào Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Bởi vì dự án đã không được tuân thủ đúng trình tự đầu tư, luật pháp, không được trình ra Quốc hội” như tâm sự của một cựu Bộ trưởng.

Lật lại quá khứ không chỉ để hoạch tội, bỏ tù hay quy kết mà điều dư luận mong chờ nhất là đừng bao giờ ngân khố mỏng manh mất thêm hàng đống tiền vô lý như thế, và người dân thấy được đồng tiền của mình gom góp cho quốc gia còn được tôn trọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top