Aa

Bài học quản lý đất đai nhìn từ dự án CLB Thể thao & Vui chơi giải trí Yên Hoà

Thứ Bảy, 24/10/2020 - 07:50

Sau khi được TP Hà Nội giao đất, Công ty CP Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Công ty Tân Sáng) đã biến dự án CLB Thể thao & Vui chơi giải trí Yên Hoà thành sân golf, người dân không có địa điểm vui chơi giải trí.

Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Ai đã "hô biến"Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa thành sân tập golf?

Hiện nay, không ít dự án được quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm trên cả nước nằm “đắp chiếu”, khiến diện tích đất hoang hóa ngày một gia tăng.

Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Để triển khai việc xử lý các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng (TTXD) được kịp thời, hiệu quả UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, cụ thể:

Ngày 04/01/2016, UBND TP Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội.

Ngày 5/4/2018, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…

Trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý TTXD, ngày 25/3/2019 Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND thành phố Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND thành phố khóa 15.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2019, hiện vẫn còn hàng chục công trình vi phạm TTXD trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức vẫn chưa được xử lý. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các quận, huyện.

Điều đáng nói, đại biểu HĐND thành phố cũng như các cử tri đặt ra là vì sao các sai phạm dù đã rõ địa chỉ, đã được các cấp, các ngành kết luận thanh tra, thậm chí đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh sai phạm mới.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Nhưng có lẽ những chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP Hà Nội nhằm xử lý các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng vẫn chưa có tác dụng tại phường Yên Hoà nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung. 

Sau khi được TP Hà Nội giao đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Công ty Tân Sáng) thì đất dự án lại trở thành sân golf khiến đời sống tinh thần và thể chất của người dân Cầu Giấy bị ảnh hưởng nặng nề.

Điển hình cho dự án có dấu hiệu vi phạm phải kể đến Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa nằm trên tuyến phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, (thuộc quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sau khi được TP Hà Nội giao đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Công ty Tân Sáng) dự án trở thành sân golf, cư dân không có địa điểm vui chơi giải trí.

Theo đó, người dân tại phường Yên Hoà bức xúc: "Người dân mong mỏi một khu vui chơi cho trẻ em, có không gian sống đúng nghĩa nhưng đến nay dự án đó chỉ nằm trên giấy. Người dân chung tôi không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ dự án. Việc hoạt động của sân golf chỉ phục vụ cho một bộ phận người có điều kiện kinh tế, hầu hết không phải cư dân trong khu vực. Tôi hay nhiều người dân tại đây đề nghị các cấp xem xét tổng thể việc xây dựng sân golf trên đất khu vui chơi giải trí là đúng hay sai?. Và ai là người duyệt xây sân golf thay cho khu vui chơi giải trí?" Chị K.G một người dân địa phương cho biết.

Để làm rõ việc Công ty Tân Sáng sử dụng quỹ đất không đúng mục đích PV đã nhiều lần liên hệ đến UBND quận Cầu Giấy nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Sự im lặng bất thường của UBND quận Cầu Giấy có chăng là nhắm mắt làm ngơ trước sai phạm sử dụng đất đai của Công ty Tân Sáng?

Từ Dự án CLB thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa nhìn rõ năng lực quản lý của chính quyền địa phương

Được biết, Sân tập golf Viettime thuộc quyền quản lý của Công ty Tân Sáng đã có thời gian hoạt động từ trước năm 2016. Tại ô đất nêu trên, Công ty Tân Sáng cũng đã để phát sinh sai phạm về trật tự xây dựng nhưng đến nay công trình vi phạm vẫn chưa được các cơ quan chức năng của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy xử lý triệt để.

Trước đó, ngày 10/6/2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký ban hành Quyết định số 3027/QĐ-UBND về việc thu hồi 3.321,3m2 đất tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Công ty Tân Sáng) thuê để thực hiện Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa.

Theo Quyết định này, đây là phân diện tích đất kẹt, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích được UBND quận Cầu Giấy thu hồi, giao đất cho UBND phường Yên Hòa quản lý theo 2 giai đoạn vào các năm 2004 và 2009.

Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành.

Dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 21/4/2015; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Sáng phê duyệt tại Quyết định số 10.2015/QĐ-HĐQT ngày 25/4/2015.

Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thực hiện dự án giới hạn bởi các mốc: từ 1 đến 4, D, 5, 6, 15, 16, 17 = B xác định tại bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh, tỷ lệ 1/500 do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và công nghệ Sitetech Toàn Cầu lập tháng 01/2016, được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận kèm theo Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 03/2/2016; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận ngày 30/5/2016.

Hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án là thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm và có thời hạn cho thuê lên tới 50 năm.

Cũng theo Quyết định nêu trên, UBND quận Cầu Giấy, phường Yên Hòa có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất, xây dựng công trình của Công ty Tân Sáng; kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố.

Đặc biệt, tại Quyết định giao đất của UBND Thành phố Hà Nội thì chủ đầu tư đã được phép có tiến độ sử dụng đất trong 48 tháng.

Trước việc xây dựng, tổ chức hoạt động kinh doanh có nhiều dấu hiệu vi phạm của Công ty Tân Sáng khi thực hiện dự án không đúng quyết định phê duyệt, sử dụng đất sai mục đích khiến người dân vô cùng bức xúc. Dư luận đặt ra câu hỏi về việc có hay không lãnh đạo các cấp phường, quận đã và làm thất thoát, lãnh phí nguồn lực đất đai, công sản? Dự án biến tướng mục đích sử dụng thì quyền và lợi ích của nhân dân đặt ở đâu?

Đối với hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích thì tại Nghị định 102/2014NĐCP ngày 10/11/2014 đã nêu rõ những trường hợp cụ thể của từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt từ Điều 6 - Điều 9 của Nghị định này.

Quy trình xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Chương III thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Thế nhưng, việc quản lý quỹ đất của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chủ đầu tư chưa thật sự tuân thủ quy định pháp luật. Việc phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không vì thế mà giao đất cho các đơn vị, chủ đầu tư không đủ năng lực, bỏ quên quyền và lợi ích của người dân.

Ngay sau khi giao đất cho Công ty Tân Sáng dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa "biến tướng" thành sân Golf.

Từ sự vụ Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa có thể nhìn rõ năng lực quản lý của chính quyền địa phương còn yếu kém. Các đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm, “phớt lờ” chỉ đạo từ thành phố, bỏ qua lợi ích chính đáng của người dân. Đáng nói, các vi phạm phát hiện chậm trễ, đẩy cơ quan quản lý vào "thế đã rồi".

Năm 2019, qua kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai trong thời gian qua.

Nguyên nhân chính là do thay đổi chính sách đất đai; Điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; Thị trường bất động sản trầm lắng; Chủ đầu tư không quyết liệt; Quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô...

HĐND TP Hà Nội cũng xác định trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng. Với nhóm dự án chậm 24 tháng theo tiến độ thực hiện phê duyệt trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đối với nhóm dự án chậm nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch trách nhiệm thuộc về sở Quy hoạch và Kiến trúc .

Trước tình hình đó, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018, yêu cầu UBND Thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.

Sau rà soát, nếu phát hiện các dự án có sai phạm, UBND TP sẽ đăng công khai danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ 06 tháng/lần. Đồng thời, sẽ tiến hành thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, HĐND TP yêu cầu UBND TP tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất.

Bên cạnh đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định. Sau khi UBND thành phố nghiên cứu, sẽ trình HĐND thành phố để xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.

Đối với các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép sẽ không được giao đất, giao dự án mới. Đồng thời, Thành phố cũng không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Trước những chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP Hà Nội nhằm xử lý các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng thì tại quận Cầu Giấy công tác triển khai rà soát, giải quyết các dự án "treo", có dấu hiệu sai phạm còn chậm trễ. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Năng lực quản lý của chính quyền quá yếu kém? Dự án hoang hóa thì quyền và lợi ích của người dân không đảm bảo ai sẽ chịu trách nhiệm? Nguồn lợi thu từ các hoạt động kinh doanh sai mục đích nằm trên dự án rơi vào túi ai?

Theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Nếu các cơ quan quản lý không xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án CLB thể thao và vui chơi giải trí Yên Hoà sẽ kéo theo vô vàn hệ huỵ về văn hoá, đời sống, an sinh xã hội. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top