Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương kiểm tra xử lý các “chung cư mini” xây dựng trái phép, sai phép.
Theo Bộ Xây dựng, tại các khu vực đô thị của một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nên một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi “tự do” mua bán, chuyển nhượng, không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chung cư mini IHaNoi, tại số 19/23/58 phố Trần Bình nằm sâu trong ngõ với số lượng ngươi thuê đông đúc đã hoạt động nhiều năm. Với chiều cao "khủng" lấn chiếm khoảng không xây đua ban công, cơi nới tầng tum, không có hệ thống PCCC.
Các hoạt động này dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư; gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng; làm gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán căn hộ.
Đặc biệt, việc gia tăng mật độ dân số tại các khu vực này làm trầm trọng thêm tình trạng ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan đô thị.
Hàng loạt công trình tại số 6/68 tổ 40 ngõ 48 Nguyễn Khánh Toàn; số 79, số 76 ngõ 165 Dương Quảng Hàm đang tiến hành thi công có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng.
Nhìn lại vấn nạn này trên địa bàn TP Hà Nội, nổi cộm các sai phạm về trật tự xây dựng phải kể đến quận Cầu Giấy. Trong tuyến bài "Chung tay cùng Hà Nội xử lý sai phạm đất đai và TTXD" hàng loạt dự án, công trình có dấu hiệu sai phạm tại quận Cầu Giấy đã được chỉ ra như: Vượt chiều cao, sai mật độ, biến tướng nhà ở thành chung cư mini cho thuê, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, phá vỡ quy hoạch đô thị...
Cụ thể, trên địa bàn phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chuyện về nhà ở được "hô biến" thành chung cư mini không có hệ thống PCCC, đã xuất hiện từ rất lâu khiến người dân bức xúc. Tại đây, sâu trong các ngõ ngách và dưới đường dây điện chằng chịt, các toà nhà chung cư mini từ 6 - 7 tầng mọc lên “núp bóng” dưới dạng nhà ở.
Những chung cư mini trong những ngõ nhỏ hẹp trên đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Khánh Toàn, phố Quan Hoa... được người dân địa phương gọi là chung cư mini "không lối thoát" bởi các công trình này đều được xây khép kín, không cầu thang thoát hiểm, không hệ thống PCCC... Các cửa chính, cửa sổ đều vô cùng kiên cố, ban công thì được rào kín bằng khung sắt nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc thoát khỏi nơi đây gần như "bất khả thi" như tại: Số nhà 12, 14, 79, 76 ngõ 165 Dương Quảng Hàm; Số 20, 21,22, 63,65 ngõ 48 Nguyễn Khánh Toàn; 6/68 tổ 40; Số 80/48 Nguyễn Khánh Toàn; số 6 ngõ 227, số 245 phố Quan Hoa.
Tại địa bàn phường Yên Hoà về việc xây dựng công trình có nhiều dấu hiệu sai phạm như vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.... như tại địa chỉ 27/55/318 đường Nguyễn Khang đang gấp rút hoàn thiện với chiều cao vượt trội gồm 7 tầng, 1 tum. Cũng tại địa bàn phường Yên Hoà, ngay tại cổng đình Hạ Yên là loạt chung cư mini núp bóng nhà ở sau khi xây dựng xong đã treo biển cho thuê với giá mỗi căn từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/tháng.
Công trình có địa chỉ 27/55/318 Nguyễn Khang, Yên Hoà, Cầu Giấy xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng lại được chủ nhà đang gấp rút hoàn thiện đưa vào làm chung cư mini cho thuê... Và tại cổng đình Hạ Yên, phường Yên Hoà loạt chung cư mini sau khi xây dựng xong đã treo biển cho thuê và cho người thuê vào ở.
Phường Mai Dịch cũng là một điểm nóng về xây dựng chung cư mini dạng cho thuê. Qua điều tra thực tế, PV đã đến các căn hộ chung cư mini đang cho thuê tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Cụ thể tại: Số 38A-B8/217; 25/217 phố Mai Dịch, số 02 tổ 17 ngõ Văn Minh; số 10 ngõ 36 đường Hồ Tùng Mậu; số 7 ngõ 58, số 19/23/58, hẻm 58/23/33 phố Trần Bình. Tất cả các công trình chung cư mini dạng cho thuê nêu trên đều không có hệ thống PCCC.
Hiện nay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Nghị định 139/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Để triển khai việc xử lý được kịp thời, hiệu quả thì UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, cụ thể:
Ngày 04/01/2016, UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội;
Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng;
Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…
Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…
Ngày 15/5/2020, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam gửi công văn với các nội dung nêu trên nhưng vì sao cho đến tận thời điểm hiện tại quận Cầu Giấy chưa hề có văn bản hồi đáp. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình làm việc của chính quyền. Phải chăng các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đều có quy trình "im lặng" khi có dấu hiệu sai phạm được phản ánh? Hay UBND quận Cầu Giấy đang đùn đẩy trách nhiệm và "làm khó" phóng viên tiếp cận thông tin về sai phạm xây dựng trên địa bàn?
Nếu các cấp chính quyền địa phương vẫn buông lỏng quản lý, "bàng quan" trước các sai phạm, không có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt đưa ra các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai thì sẽ gây ra hậu quả, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung của thành phố.
Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt;
b) Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy;
b) Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này;
b) Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.
Tùy tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm mà người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.