Aa

Bài học về quản lý vỉa hè đô thị nhìn từ hàng loạt sai phạm của Công ty 901

Thứ Hai, 31/08/2020 - 08:17

"Ăn như tằm ăn rỗi" - hàng loạt vỉa hè tại các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm đã bị Công ty Cổ phần 901 lấn chiếm phục vụ mục đích tư lợi và ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng nhưng...

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014, quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng.

Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Pháp luật quy định rõ về mục đích sử dụng của lòng đường và hè phố là để cho mục đích giao thông, nếu sử dụng vào mục đích khác là trái với quy định của pháp luật. Các hoạt động khác trên đường phố nhằm mục đích hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội chỉ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Điều 35. Các hoạt động khác trên đường bộ 

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; 

i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.

Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép Bên cạnh đó, hè phố có thể được sử dụng cho mục đích khác được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng chỉ được sử dụng tạm thời và phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây: 

a, Tuyên truyền chủ trường, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;

b, Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ;

c, Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ;

d, Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;

đ, Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a, Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;

b, Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng nhưng tại sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội? Phải chăng chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe để chấm dứt thực trạng trên và vai trò lực lượng quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng đang ở đâu?

Tại cổng Bệnh viện Việt Nam Cuba có địa chỉ số 37 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, điểm trông giữ xe có đặt biển Công ty Cổ phần 901 ngang nhiên hoạt động có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Thế nhưng, bằng một cách nào đó các điểm trông giữ xe trái phép, vi phạm quy định vẫn ung dung hoạt động công khai. Sự tồn tại của mô hình điểm trông giữ xe trái phép sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về cháy nổ, trật tự, an toàn giao thông; là mầm mống nảy sinh những tiêu cực, lợi ích nhóm và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Không quá khó để ghi nhận hoạt động của các điểm trông giữ xe có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội.

Điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè - công khai hoạt động trái quy định

Cụ thể, tháng 8/2020, phóng viên (PV) tiếp cận một điểm trông giữ xe thuộc Công ty Cổ phần 901 nằm trên tuyến phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) - một điểm trông giữ xe vẽ ra đủ "chiêu thức" để "móc túi" những người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đến thăm khám.

Tại đây, vỉa hè bị đã lấn chiếm vô tội vạ, người đi bộ không còn đường để đi, tình trạng giao thông hỗn loạn, gây mất an toàn giao thông. 

Những tấm biển điểm trông giữ xe được giăng khắp hè phố, ghi rất rõ ràng phí gửi xe ban ngày 5.000 đồng, ban đêm 8.000 đồng. Nhưng việc thu phí ra sao lại là do nhân viên trông giữ xe Công ty Cổ phần 901 quyết định.

Ghi nhận thông tin, hình ảnh thực tế tại cổng Bệnh viện Việt Nam Cuba có địa chỉ số 37 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, điểm trông giữ xe có đặt biển Công ty Cổ phần 901 ngang nhiên hoạt động có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Theo đó, khách hàng gửi xe tại điểm trông giữ xe của Công ty Cổ phần 901 sẽ được nhân viên đưa cho một cuống vé (tức là liên 1 để điểm trông giữ xe lưu lại) với số tiền ghi trên vé là 5.000 đồng/01 xe máy ban ngày. Khi khách hàng thắc mắc đây là cuống vé và nếu xảy ra mất mát tài sản thì sao? Nhưng nhân viên Công ty Cổ phần 901 không trả lời, chỉ xác nhận phần đưa cho khách đúng là cuống vé và yêu cầu khách hàng chi trả 10.000 đồng cho một lượt gửi xe máy ban ngày.

Trong khi, tấm biển tại điểm trông giữ xe này ghi rất rõ ràng là phí gửi xe ban ngày 5.000 đồng, ban đêm 8.000 đồng. Nhưng việc thu phí ra sao lại là do nhân viên trông giữ xe Công ty Cổ phần 901 quyết định. 

Nhân viên Công ty Cổ phần 901 xác nhận với khách hàng đúng là cuống vé và ngang nhiên yêu cầu khách hàng chi trả 10.000 VND cho một lượt gửi xe máy ban ngày.

Đáng chú ý là những tấm biển bảng niêm yết giá vé dựng trên vỉa hè tại đây không hề ghi cụ thể số giấy phép được cấp, không có thông tin cụ thể diện tích được sử dụng vỉa hè. Tại điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè khu vực bệnh viện Việt Nam - Cuba, dù phần vạch kẻ phân chia đường cho người đi bộ đã được thể hiện rất rõ ràng nhưng Công ty Cổ phần 901 vẫn "chiếm giữ" toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ đã được thành phố quy định.

Theo người dân tại khu vực cho biết, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại tuyến phố nêu trên đã diễn ra nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực khiến người đi bộ chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển.

Những tấm biển bảng niêm yết giá vé  được Công ty cổ phần 901 dựng trên vỉa hè không hề ghi cụ thể số giấy phép được cấp, không có thông tin cụ thể diện tích được sử dụng vỉa hè.

Với hàng hàng trăm, hàng nghìn lượt xe được gửi mỗi ngày tại bãi này thì số tiền chênh lệch thu từ khách gửi xe như vậy sẽ về túi ai? Mặt khác, khoản thu nếu không được minh bạch thì việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Công ty Cổ phần 901 của được thực hiện ra sao? Hành vi nhân viên Công ty Cổ phần 901 ghi vé trên liên 01 như vậy có chăng để thu lợi bất chính, trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước?

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: "Đối với Hà Nội bài học về khai thác, lấn chiếm các vỉa hè thì đã có nhiều đợt phải xem xét xử lý. Vỉa hè là nơi sử dụng chung dành cho người đi bộ, sau đó các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc cũng cho phép nhưng phải có mức độ và bắt buộc phải xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư luôn lợi dụng kẽ hở để khai thác sử dụng vỉa hè để trở thành không gian tiếp cận, sở hữu của mình".

Trước những thông tin về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, PV đã liên hệ đến UBND quận. Tuy nhiên, đã gần 01 tháng qua, UBND quận Hoàn Kiếm chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào.

Dù phần vạch kẻ phân chia đường cho người đi bộ đã được thể hiện rất rõ ràng nhưng Công ty Cổ phần 901 vẫn "chiếm giữ" toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ đã được thành phố quy định.

Thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm, sai phạm tồn tại ở các điểm trông giữ xe nêu trên vẫn ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm khi vỉa hè lòng đường bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật?

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị chức năng Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt 147 cá nhân vi phạm về trông giữ xe với tổng số tiền lên tới 377 triệu đồng.

Được biết, trước những “nhức nhối” do các điểm trông, giữ xe không phép gây ra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhu cầu gửi xe của người dân cao. Chính vì những lỗ hổng trong công tác quản lý, bài toán quy hoạch còn nhiều điểm bất hợp lý nên TP Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trông, giữ xe ô tô không phép tồn tại, vỉa hè vẫn bị xâm lấn vô tội vạ. Vấn nạn này vẫn “đâu vào đấy”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần có những biện pháp hành động cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, dẹp bỏ các bãi trông giữ xe trái quy định pháp luật, tránh những hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu. Đồng thời giúp Nhà nước không bị thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho người tham gia giao thông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top