Aa

Bài học xương máu của vợ chồng trẻ khi quyết bán đất mua ô tô

Thứ Ba, 22/01/2019 - 23:30

Do không có ý định định cư lâu dài ở Thủ đô nên vợ chồng tôi đã quyết bán đi mảnh đất ở Hà Nội rồi mua ô tô cho tiện đi lại. Nhưng sau 3 năm, chúng tôi vẫn ở Hà Nội và buộc phải bán ô tô để mua nhà, song số tiền không đủ nên hiện vợ chồng tôi vẫn mãi kiếp ở nhà thuê.

Tôi (30 tuổi) quê ở Thái Bình, hiện đang có công việc ổn định. Năm 2011, tôi tốt nghiệp đại học và xin vào làm cho một công ty lớn, với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian, tôi được công ty cử đi nước ngoài thường trú 3 năm do công ty có các chi nhánh ở nước ngoài nên thu nhập của tôi cao hơn rất nhiều lần so với trước.

Khi về nước, tôi tiết kiệm được khoản tiền 1 tỷ đồng và lương tôi cũng được tăng lên 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định, lại có thêm một khoản tiền lớn nên tôi tính ngay chuyện mua một mảnh đất để lúc lập gia đình xây nhà, đỡ phải đi ở trọ.

Sau khi tìm hiểu tôi đã mua được một miếng đất rộng 45m2 (đất có sổ đỏ) ở Nam Từ Liêm với giá gần 1 tỷ. Khu này cách nội thành không quá xa, còn ít người ở, xung quanh bỏ hoang nên giá đất chấp nhận được.

Bán đất lấy tiền mua ô tô, sai lầm khiến vợ chồng trẻ vẫn mãi kiếp ở nhà thuê. Ảnh minh họa

Bán đất lấy tiền mua ô tô, sai lầm khiến vợ chồng trẻ vẫn mãi kiếp ở nhà thuê. Ảnh minh họa 

Đúng như kế hoạch, mua đất xong đến cuối năm 2015 tôi lấy vợ là bạn học từ thời đại học. Lấy nhau rồi nhưng hai vợ chồng mỗi người sống một nơi. Tôi ở trọ tại Hà Nội vì còn công việc, trong khi vợ tôi ở nhà mẹ đẻ trên Phú Thọ, đang đợi chuyển công tác xuống Hà Nội.

Được một thời gian, việc thuyên chuyển của vợ tôi gặp khó khăn, nhất là cô ấy lại đang mang bầu đứa con đầu lòng, sức khỏe yếu nên cần người chăm sóc. Tôi thì đi đi lại lại giữa Hà Nội và Phú Thọ khá xa, từ Phú Thọ về Thái Bình (quê tôi) lại càng xa hơn, suy đi tính lại tôi thấy nếu có ô tô thì tiện hơi rất nhiều, đỡ vất vả. Hơn nữa, về lâu dài, tôi đang có dự tính chuyển việc lên Tuyên Quang vì có lời mời hấp dẫn.

Do đó, vợ chồng tôi quyết định bán mảnh đất ở Nam Từ Liêm, so với giá đất lúc mua thì chỉ lãi vài chục triệu đồng.

Bán đất xong, chúng tôi mua luôn chiếc ô tô hơn 800 triệu, số tiền còn lại tôi dùng để sửa nhà cho bố mẹ ở quê. Từ đó, cuối tuần tôi tranh thủ lên thăm vợ con, đỡ vất vả bắt xe khách, thời gian cũng chủ động hơn.

Tuy nhiên, điều tôi ít ngờ tới là nuôi một con ô tô khá tốn kém. Tiền lương 15 triệu/tháng của tôi coi như gần hết vì phải trả tiền sinh hoạt phí, tiền nhà trọ, tiền gửi xe, tiền xăng xe. Còn dư vài triệu tôi gửi lên phụ vợ nuôi con. Vợ tôi làm ở cơ quan nhà nước, thu nhập chỉ 5 triệu/tháng.

Sau 3 năm, tôi thấy tỉnh hình không ổn lắm vì tổng thu nhập của gia đình là 20 triệu đồng/tháng mà vẫn hết sạch, không tiết kiệm được đồng nào, trong khi vợ chồng con cái lại phải sống xa nhau. Khi khỏe mạnh thì không sao, nhưng nếu chẳng may lỡ ốm đau bệnh tật cần đi viện thì vài triệu cũng không có.

Chưa kể, tôi có người bạn, vợ chồng họ cũng thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà đã mua được nhà chung cư ở Hà Nội, sống ổn định 2 năm nay khiến tôi càng băn khoăn.

Cách đây 2 tháng, vợ tôi đã quyết định không chờ điều chuyển công việc nữa, bỏ làm nhà nước và xuống xin làm cho một công ty tư nhân lương 7 triệu đồng/tháng. Con trai 2 tuổi của tôi gửi nhà trẻ. Tôi cũng bỏ ý định lên Tuyên Quang làm việc vì lo ngại môi trường không thể bằng công ty dưới Hà Nội.

Tôi cũng nhận thấy ô tô không cần dùng nhiều như trước, đi làm bằng xe máy tiện hơn nên tôi bàn với vợ quyết định bán xe, đỡ vài triệu tiền gửi và xăng xe hàng tháng. Nhưng bán ô tô đi, vợ chồng tôi lỗ mất 250 triệu đồng, tức chỉ thu được chưa đầy 600 triệu so với giá lúc mua. Giờ cầm 600 triệu, vợ chồng tôi không thể mua nổi một mảnh đất hay nhà chung cư. Cách đây không lâu, tôi đi qua khu đất cũ của mình trước kia, mảnh đất đó giờ đã tăng lên 1,4 tỷ đồng khiến tôi càng xót xa.

Giờ nghĩ lại tôi mới thấm thía, hồi đó do nông nổi nên vợ chồng tôi đã mắc sai lầm. Khi ấy, nếu như chúng tôi tính toán kỹ hơn, giữ lại miếng đất, tiết kiệm thêm tiền để xây căn nhà cấp 4 ở tạm thì giờ không đến mức cả nhà phải đi ở trọ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top