Chưa nghiệm thu PCCC
Như Reatimes đã phản ánh, thời gian qua, nhiều khách hàng mua căn hộ tại tòa C Golden Silk thuộc Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ (phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) làm chủ đầu tư đã nhận được thông báo bàn giao nhà từ chủ đầu tư theo cam kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi đến nhận căn hộ, khách hàng hoàn toàn hụt hẫng và thất vọng vì cơ sở hạ tầng của toà nhà chưa hoàn thiện và không thể vào ở ngay được.
Đặc biệt, hệ thống PCCC tòa C Golden Silk chưa được nghiệm thu tổng thể. Điều này đã khiến nhiều cư dân thấy bất an và bức xúc trước việc “chạy” tiến độ của công trình.
Liên quan tới sự việc trên, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra, xác minh, công trình tòa nhà C Golden Silk được Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC số 5418/TD-PCCC-P6 ngày 16/11/2015. Qua nắm bắt thông tin, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội khẳng định, công trình tòa nhà C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC.
Trong công văn trả lời Reatimes, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội còn nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 6, Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở theo quy định tại điều 19 nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ”.
Ngoài ra, việc nghiệm thu về PCCC và xử lý vi phạm (nếu có) đối với công trình tòa nhà C Golden Silk thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra cháy, nổ
Đánh giá về mức độ vi phạm an toàn PCCC khi trình chưa đủ điều kiện đã đưa vào sử dụng, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là rất coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà).
Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ. Thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua.
Đối với phản ánh trên của khách hàng mua căn hộ tại tòa C Golden Silk thì chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật PCCC và Điều 17, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã, được thẩm duyệt về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu PCCC…
Với quan điểm cá nhân, Luật sư Trần Anh Tuấn cho rằng, có lẽ do mức phạt vi phạm PCCC quá nhẹ đã dẫn đến sự “nhờn luật” của các đơn vị kinh doanh nhà ở.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” chỉ bị phạt tối đa là 50 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý Nhà nước nghiệm thu về PCCC” (khoản 6 và điểm b khoản 7, Điều 36, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình).
Tuy nhiên, thời hạn để “buộc tổ chức để cơ quan quản lý Nhà nước nghiệm thu về PCCC” này lại chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể.
Còn khi xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người hoặc tài sản do vi phạm về phòng cháy, chữa cháy thì những đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vi phạm quy định về PCCC” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Người phạm tội có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, Điều 240 Bộ luật Hình sự còn quy định, “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể “bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Tuy nhiên, trong trường hợp đã bị xử lý hình sự về tội này thì thường hậu quả đã là rất lớn và rất khó khắc phục.
Công tác quản lý còn lỏng lẻo
Để xảy ra tình trạng trên, Luật sư Trần Anh Tuấn cho rằng, đầu tiên trách nhiệm thuộc về chính các chủ đầu tư dự án chung cư đã vì lợi nhuận, vì tiến độ đã bất chấp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Trần Anh Tuấn, rõ ràng đã có sự nương nhẹ, bỏ qua hoặc không quyết liệt trong việc buộc các chủ công trình này phải hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt rồi mới được đưa vào sử dụng.
“Vậy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đến đâu? Hay chỉ dừng lại ở việc “công bố danh sách” các công trình vi phạm về điều kiện PCCC và tiếp tục phó mặc sự an toàn, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vào các chủ đầu tư chỉ biết bán nhà kiếm lời? Đây thực sự là vấn đề cần phải được quan tâm, làm rõ và xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể có liên quan.
“Đây là vấn đề không chỉ của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực PCCC mà còn là vấn đề chung trong công tác quản lý ở nước ta hiện nay. Sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt chính là một phần nguyên nhân trong các vụ tai nạn thương tâm vừa qua", Luật sư Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ đầu tư và lãnh đạo phường Đại Kim im lặng
Liên quan tới trách nhiệm quản lý tại cơ sở, PV Reatimes đã tới đặt lịch làm việc với UBND phường Đại Kim về việc công trình tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC đã bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, đã hơn 10 ngày trôi qua, UBND phường Đại Kim vẫn im lặng.
Bên cạnh công trình tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC, trong quá trình bàn giao nhà, nhiều khách hàng còn phản ánh việc chủ đầu tư Vinaconex 2 đã vi phạm Luật Kinh doanh BĐS. Cụ thể, Vinaconex 2 ra thông báo yêu cầu khách hàng phải đóng 100% giá trị Hợp đồng mua căn hộ tại tòa C Golden Silk này. Thực hiện yêu cầu trên, Vinaconex 2 mới tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng.
Với thông báo và yêu cầu trên, Vinaconex 2 đã vi phạm các vi phạm Điều 57 Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Khách hàng còn bức xúc hơn khi đơn phản ánh đã gửi tới chủ đầu tư nhiều ngày qua nhưng không được trả lời thỏa đáng.
Reatimes tiếp tục thông tin sự việc./.