Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương triển khai tiếp tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).
Vay hơn 34.000 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm Thành phố. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại đường Vành đai 2, 5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại đường Vành đai 3, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị. Dự kiến, dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.
Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó đi ngầm 8,13km, toàn tuyến có 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1,752 tỷ USD (tương đương 40.577 tỷ đồng), trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là 1,481 tỷ USD (hơn 34.000 tỷ đồng), vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD từ ngân sách TP. Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác.
Dự án tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm), dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4 và 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7 và 8 (đang quy hoạch).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Thành ủy đã thảo luận và thống nhất cao với các tờ trình, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố về 2 dự án trên. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến của Thành ủy, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; biên bản hội đồng thẩm định và bổ sung báo cáo kết quả thẩm định nội bộ của Hội đồng Thẩm định Thành phố để hồ sơ 2 dự án đường sắt đô thị bảo đảm đầy đủ các nội dung và tiếp tục tổ chức thực hiện những bước tiếp theo tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Tránh đội vốn, kéo dài thời gian
Nhiều chuyên gia giao thông lo ngại khi Hà Nội triển khai tiếp 2 dự án này, bởi những bài học của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn - ga Hà Nội đội vốn, chậm tiến độ… vẫn còn đó hay như dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được phê duyệt quy hoạch từ 11 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai do vướng quy hoạch ga ngầm chạy xuyên qua khu vực hồ Gươm.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhận định 2 dự án đường sắt này của Hà Nội đã có kế hoạch và nằm trong quy hoạch chung đã được phê duyệt từ lâu, khi các dự án hoàn thành sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các vùng ven và nội đô, đây là ý tưởng tốt, chúng ta cần ủng hộ nhưng việc xây dựng, thời điểm xây dựng, cân đối vốn ra sao để đạt hiệu quả thì cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh lặp lại tình trạng như dự án Cát Linh - Hà Đông.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cũng cho rằng về tổng thể, xét về tầm nhìn, định hướng thì việc TP. Hà Nội muốn xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là đúng nhưng cần phải lưu ý những bài học như dự án xe buýt nhanh (BRT), đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Nhiều dự án vẫn rất "mông lung" bởi tính hiệu quả, tính thực tiễn không cao.
Theo ông Thủy, vấn đề quan trọng để một dự án khả thi là việc chọn nhà thầu, phải xem xét kỹ lưỡng những nhà thầu có đủ năng lực, rút kinh nghiệm ở dự án Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, để một dự án đường sắt có thể thành công thì vấn đề quy hoạch, lựa chọn công nghệ, phù hợp nguồn tài chính, điều hành quản lý… hết sức quan trọng và cần được lưu tâm, tránh tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng công trình giảm.
Xử lý dự án Cát Linh - Hà Đông trước tháng 6/2020
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt TP. Hà Nội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Nội phải giải quyết 10 tồn tại lâu năm trên địa bàn. Đối với công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho rằng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông Vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.