Aa

Bản tin BĐS 24h: Gần 30.000 căn chung cư chưa có sổ

Thứ Bảy, 21/11/2020 - 18:50

Gần 30.000 căn chung cư chưa có sổ; thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ và đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn; Hà Nội lấy ý kiến người dân về cột mốc số là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h.

Gần 30.000 căn chung cư chưa có sổ

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chỉ tính riêng tại Hà Nội, số lượng căn hộ thuộc các loại hình dự án nhà ở thương mại đạt 62.265 căn. Trong đó, số căn hộ được cấp giấy chứng nhận mới đạt 33.204 căn và còn 29.071 căn hộ chưa có sổ hồng, tương ứng tỷ lệ 47% (tính đến hết tháng 08/2020).

Chia sẻ nguyên nhân dự án chưa làm sổ hồng, theo ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư, chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất, tự ý chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp khi chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền…

Gần 30.000 căn chung cư chưa có sổ

“Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn thực hiện đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật về xây dựng như xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt; vừa thực hiện việc thế chấp tài sản tại ngân hàng, vừa tổ chức bán tài sản cho người mua; chưa được nghiệm thu các yêu cầu cần thiết về phòng chống cháy nổ, điện, nước…, nhưng đã tổ chức bán căn hộ cho khách hàng”, ông Phấn cho biết thêm.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, Điều 57 - Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định việc thanh toán thuê mua bất động sản tối đa không quá 95% giá trị hợp đồng cho đến khi chưa bàn giao sổ cho người mua. Luật cũng quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc bàn giao sổ hồng cho người mua theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020 cũng nêu rõ, nếu chủ đầu tư nhà chung cư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng. Mức phạt này cao hơn 3 lần mức phạt cũ quy định tại Nghị định 139/2014 (tối đa 300 triệu đồng).

Chế tài xử phạt đã được đưa ra, thậm chí còn được tăng nặng hơn, nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán, đến nay dường như chưa có trường hợp chủ đầu tư nào bị phạt do chậm cấp sổ hồng cho cư dân. Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, việc nâng mức xử phạt có mang lại hiệu quả răn đe đối với các chủ đầu tư hay không phụ thuộc vào sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật.

“Tất nhiên, không ngoại trừ trường hợp chậm cấp sổ hồng một phần đến phía cơ quan quản lý, gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình vi phạm chậm làm thủ tục cấp sổ hồng thì cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Đồng thời, đối với những chung cư đã có người dân vào ở cũng phải xây dựng cơ chế xử lý phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ”, ông Hà nhấn mạnh.

Thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ và đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 5206/QĐ-UBND ngày 20-11-2020 thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ và đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Dự án có công suất 4.000 tấn/ngày, đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là nhà đầu tư.

Theo quyết định trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An là Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành; 2 Tổ phó là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn. Các thành viên Tổ công tác liên ngành có đại diện các sở, ngành chuyên môn: Kế hoạch và Đầu tư; Quy hoạch - Kiến trúc; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Ngoại vụ; Công Thương; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ và đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn

Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành, đưa vào vận hành theo cam kết của nhà đầu tư và chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục phụ trợ, giải quyết thủ tục nhập cảnh, cách ly, cấp giấy phép lao động hoàn thành các thủ tục pháp lý về xây dựng, môi trường, thuế, kiểm tra công nghệ vận hành, các nội dung liên quan đến phát điện và các nội dung pháp lý khác liên quan để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn là dự án quan trọng, phục vụ dân sinh của thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác trong tháng 1-2021.

Hà Nội lấy ý kiến người dân về cột mốc số 0 tại Hồ Gươm

Các phương án thiết kế cột mốc Km0 được trưng bày tại Trung tâm thông tin quận Hoàn Kiếm, số 2 Lê Thái Tổ. Đây đều là các phương án thiết kế xuất sắc, đạt giải cao trong Cuộc thi thiết kế Công trình cột mốc số 0 tại khu vực Hồ Gươm được phát động hồi tháng 6/2020.

Trong số này có phương án thiết kế đạt giải nhất là ý tưởng thiết kế cột mốc số 0 bằng công nghệ tia lazer tạo hình chiếu 3D trong không gian. Phương án thiết kế này đặt vị trí của cột mốc trước quảng trường Lý Thái Tổ. Theo đó, cột mốc được thiết kế chìm dưới mặt đất, làm bằng đồng, ở giữa là biểu tượng Khuê văn các, tia lazer sẽ được chiếu từ dưới mặt đất tạo ra các điểm sáng trong không gian ba chiều, hình thành hình ảnh cột mốc số 0 bằng ánh sáng.

"Cổng ánh sáng" đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế Km số 0.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đến nay, Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành với các hạng mục kè hồ, thoát nước, cấp điện cấp nước đã hoàn thiện, khánh thành vào dịp 1010 năm Thăng Long Hà Nội.

Trước khi thực hiện Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Hoàn Kiếm, quận cũng tiến hành 3 lần xin ý kiến của cộng đồng, nhận được nhiều ý kiến đóng góp, từ các ý kiến này, phía quận và các đơn vị đã hoàn thiện được dự án. Theo ông Long, triển lãm các phương án thiết kế cột mốc số 0 bên hồ Hoàn Kiếm là dịp để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, sự quan tâm của cộng đồng, người dân, các chuyên gia, để hoàn thiện hơn, trước khi triển khai.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Việt Nam (Nguyên Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội) đồng tình với việc chọn khu vực Hồ Gươm để xây dựng cột mốc Km0 vì đây là trung tâm của thủ đô. Ông Nghiêm cho hay, việc xây dựng Km0 trên thế giới rất đa dạng, có nơi chỉ là dấu mốc chỉ dẫn địa lý, nơi là bia, có nơi là biểu tượng văn hóa và thậm chí có nước xây dựng thành tượng đài.

Hòa Bình: Nghi vấn xả thải gây ô nhiễm môi trường

Ngày 14/11, theo khảo sát của phóng viên tại địa chỉ của Công ty CPMT CNC Hòa Bình, nguồn nước được người dân chỉ ra là dẫn thẳng từ Công ty xuống suối vẫn đang bốc mùi hôi thối đến mức choáng váng, đồng thời lẫn một màu xanh rêu đục. Cũng theo người dân, thì đây là loại nước đã được pha loãng giữa nước thải và nước chứa tại đập Đồng Quèn, do đó mức độ ô nhiễm nhìn thấy được và ngửi được đã giảm đi rất nhiều.

Theo anh H.T.P, sinh sống tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình thì chỉ trong năm 2020 đã có 4 lần xuất hiện hiện tượng cá chết do nước xả thải của Công ty CPMT CNC Hòa Bình. Bên cạnh việc cá chết, việc chăn thả gia súc quanh khu vực Công ty cũng đã không còn, từ khi hiện tượng gia súc bị nhiễm bệnh do tiếp xúc, sử dụng nguồn nước này ngày càng nhiều hơn.

Rác thải của nhà máy nằm chờ để chôn lấp, bên cạnh những hố mới đào - ảnh do người dân cung cấp

Ngày 17/11/2020, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Đồng Tâm và UBND huyện Chi Nê, liên quan đến những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực xử lý rác thải của Công ty CPMT CNC Hòa Bình.

Ông Trương Xuân Nghị - Chủ tịch xã Đồng Tâm cho hay, xã chỉ biết hiện nay trên địa bàn xã có một doanh nghiệp xử lý chất thải, được đánh giá là doanh nghiệp có hệ thống máy móc tiên tiến, hàng đầu và được Bộ TNMT cấp phép. Việc nước chảy ra khiến cá chết thì chúng tôi thấy không có, cũng chưa bao giờ được nhân dân phản ánh về vấn đề này.

Đồng thời, ông Nghị cũng nói rằng cấp xã không thể nắm được Công ty CPMT CNC Hòa Bình đang xử lý loại rác thải gì, do UBND xã không có thẩm quyền. Thế nhưng, ông vẫn có thể khẳng định hiện tại nhà máy đã có hệ thống đo đạc, quan trắc về xử lý chất thải “nối thẳng” lên Bộ, Sở nên nếu có vấn đề gì thì sẽ có các đoàn thanh tra, kiểm tra đến ngay. Tại UBND huyện Lạc Thủy, PV được trao đổi, làm việc với ông Đinh Thanh Hà - Phó chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Thủy. Theo đó, ông Hà cũng chỉ trả lời rất chung chung.

Quả là khó hiểu khi mà cả UBND xã Đồng Tâm và UBND huyện Lạc Thủy đều “hướng” PV đến làm việc, trao đổi với Công ty CPMT CNC Hòa Bình về các phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động của một doanh nghiệp xử lý rác thải sinh hoạt và nguy hại tại địa phương. Phải chăng là chính cơ quan chức năng địa phương cũng không nắm được những bức xúc của người dân, cũng như Công ty Hòa Bình đang làm gì, hoạt động ra sao?

Căn hộ trung cấp chiếm lĩnh thị trường dịp cuối năm

Năm 2020 là một năm đặc biệt của thị trường nhà ở Hà Nội, khi lần đầu tiên các đơn vị nghiên cứu phải liên tục thay đổi dự báo của mình. Dù các đơn vị nghiên cứu thị trường có nhiều thay đổi dự đoán nhưng thực tế thị trường vẫn nằm ngoài các dự báo khi lũy kế 9 tháng, chỉ có 10.700 căn hộ được chào bán mới, giảm tới 61% so với cùng kỳ. Lượng giao dịch cũng có mức sụt giảm rất mạnh, với 11.400 căn bán được trong 3 quý, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là những con số thấp kỷ lục.

Phân khúc căn hộ sẽ chiếm lĩnh dòng tiền vào dịp cuối năm tại Hà Nội. Ảnh: Mai Vân

Việc chậm trễ trong cấp phép, việc siết tín dụng bất động sản và dịch Covid-19 được xem là 3 nguyên nhân chính khiến thị trường Hà Nội rơi vào tình trạng như trên. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng sự trầm lắng của thị trường nhà ở Hà Nội không phải là tình trạng “đóng băng” như lầm tưởng. Thực tế, nhiều dự án chỉ trì hoãn việc ra mắt, chào bán để chờ đợi cơ hội thuận lợi hơn.

Báo cáo của CBRE, có thể thấy rõ điều này qua diễn biến nguồn cung mới trong 3 quý vừa qua: Quý 1 có 1.600 căn, quý 2 có 5.600 căn, quý 3 có 3.500 căn. Quý 1 và quý 3 đều có dịch Covid-19 nên số lượng nguồn cung sụt giảm, trái lại chỉ 2 tháng khống chế dịch thành công trong quý 2, nguồn cung đã tăng vọt.

Theo đánh giá của Savills, các nhà đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm tới thị trường Hà Nội, không chỉ vì các lợi thế về vị trí, dân cư, nguồn cầu mà còn bởi khả năng “giữ nhiệt” rất tốt. Căn hộ chung cư với thanh khoản tốt, giá trị bền vững và khả năng sinh lời cao hiện đang trở thành thỏi nam châm thu hút mạnh mẽ dòng tiền. Đáng chú ý, căn hộ khu trung tâm đang đứng đầu danh mục của giới đầu tư. Nguyên do là ở vùng ven, giá căn hộ đã tăng cao bất thường, lên tới 50 - 60 triệu đồng/m².

“Đây là lần đầu tiên các khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá cao so với các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3”. Đặc biệt là các dự án xanh trong khu vực nội đô với số lượng ít, mà có nhiều tiện ích kèm theo sẽ là lựa chọn hàng đầu và lý tưởng bậc nhất để an cư tại Hà Nội hiện nay” - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top