Aa

Bản tin BĐS 24h: "Hiến kế" gỡ vướng quy định xây mới chung cư cũ

Thứ Sáu, 11/12/2020 - 18:50

Hà Nội tiếp tục thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng; HoREA "hiến kế" gỡ vướng quy định xây mới chung cư cũ; Giá căn hộ cao cấp tăng chóng mặt bất chấp Covid - 19 là những tin chính trong bản tin BĐS 24h.

HoREA hiến kế gỡ vướng quy định xây mới chung cư cũ

Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tư pháp về việc tạo điều kiện xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Theo HoREA, trở ngại pháp lý lớn nhất là Luật Nhà ở quy định trường hợp phá dỡ chung cư để xây dựng lại tòa nhà mới phải được tất cả chủ sở hữu thống nhất thông qua Hội nghị nhà chung cư. Cụ thể, Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở quy định chung cư không thuộc nhóm hư hỏng nặng cấp D-cấp nguy hiểm (kém an toàn cho người sử dụng) phải được 100% chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ để xây dựng lại công trình mới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, quy định này không sát với thực tiễn và không khả thi. Lẽ ra chỉ nên quy định đa số tuyệt đối ở mức cao, khoảng 75% (hoặc 80%) chủ sở hữu thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới là có hiệu lực thì hợp lý hơn.

HoREA hiến kế gỡ vướng quy định xây mới chung cư cũ

Trước đây, Luật Nhà ở năm 2005 quy định có tối thiểu 2/3 (66,6%) chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ là quyết định có hiệu lực, quyền và nghĩa vụ của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư đều được đảm bảo như nhau.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về tỷ lệ khoảng 80% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây mới với tòa nhà hư hỏng nặng cấp D - cấp nguy hiểm, không an toàn cho người sử dụng. Quyền và nghĩa vụ của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư đều được đảm bảo như nhau, để phù hợp với thực tế cuộc sống và đảm bảo tính khả thi.

Hà Nội tiếp tục thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tiếp tục thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội đến hết ngày 10/8/2023 (quy định cũ đến hết ngày 10/08/2020).

UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/05/2023.

Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành công văn số 3847 về việc giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý công chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thuộc đội quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Công văn nêu rõ, thực hiện quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/06/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội, thời hạn thí điểm là 2 năm từ 10/08/2018 đến ngày 10/08/2020.

Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm, UBND TP đã báo cáo Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy và biên chế, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, hoàn thành xin ý kiến các bộ: Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng và Thanh tra Chính phủ. Kiến nghị Thủ tướng cho phép TP Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm trong 3 năm tiếp theo (đến ngày 10/08/2023).

Theo đó, từ ngày 10/8 đến khi Thủ tướng có quyết định chính thức, UBND TP giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý, điều hành toàn bộ công chức, lao động hợp đồng đang công tác tại đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn để tham mưu giúp UBND cấp quận, huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.

Hà Nội tiếp tục thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng 

Nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND thành phố Hà Nội; đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị có nhiệm vụ thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp các tài liệu như hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng và các tài liệu liên quan khác phục vụ cho công tác kiểm tra; yêu cầu các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và với Thanh tra quận, huyện, thị xã tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận, huyện, thị xã; lập chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn để trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Giá căn hộ cao cấp tăng chóng mặt bất chấp Covid - 19

Theo Reatimes, trong quý III và nửa đầu quý IV/2020, nguồn cung căn hộ hạng A (giá 50 triệu - 70 triệu đồng/m2) và hạng sang (trên 70 triệu đồng/m2) chiếm gần 90% tổng số nguồn cung mới. Với nguồn cung mới như vậy, tỷ lệ tiêu thụ loại hình căn hộ này khá tích cực. Ở quý III, tỷ lệ tiêu thụ ở mức 80% nguồn cung mới, tháng 10 khoảng 67% và tháng 11 khoảng 91%.

Đặc biệt, mức giá của phân khúc này đang có xu hướng tăng đáng kể. Báo cáo của DKRA cho thấy, giá chào bán sơ cấp tại một số khu vực ghi nhận mức tăng khá cao, trung bình dao động từ 10% – 15% so với thời điểm đầu năm 2020. Còn ở thị trường thứ cấp, thanh khoản khá thấp, nên mặt bằng giá có sự sụt giảm, dao động trung bình 2% - 3% so với quý trước.

Đánh giá về triển vọng thị trường thời gian tớ ông Nguyễn Hoàng nhận định, trong thời gian tới, căn hộ hạng A vẫn là xu hướng. Đặc biệt là ở khu Đông, do các yếu tố tác động, thúc đẩy thị trường từ việc thành lập “thành phố Thủ Đức”, các dự án hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai, hoàn thành và một số dự án của các chủ đầu tư lớn được đầu tư tốt hơn, bài bản hơn…

Giá căn hộ cao cấp vẫn tăng chóng mặt bất chấp Covid - 19

Không những vậy, sự tham gia của người nước ngoài vào thị trường khi được cho phép mua nhà tại Việt Nam cũng kích thích thị trường căn hộ hạng sang. Thực tế trong những năm qua, các dự án căn hộ hạng A và hạng sang luôn có tỷ lệ người nước ngoài mua rất cao. Thậm chí, có những dự án hết định mức cho người nước được phép sở hữu theo luật pháp quy định.

Nguy cơ cung vượt cầu hoàn toàn có thể xảy ra khi loại hình căn hộ hạng A và hạng sang đang chiếm phần lớn toàn bộ nguồn cung, dù tầng lớp trung lưu, lớp người giàu mới ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (khoảng 3.000 USD/người/năm), riêng TP HCM cũng chỉ ở mức trung bình (6.000 USD/người/năm).

Theo tính toán của DKRA Vietnam, với thu nhập bình quân khoảng 1.000 USD/tháng, căn hộ hạng B có giá trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ, tương đương gấp 10 năm thu nhập. Thêm nữa, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều người bị ảnh hưởng kinh tế, do vậy họ thận trọng hơn trong việc mua bất động sản cao cấp, dù là để ở hay đầu tư. Đây thực sự là thách thức của thị trường”, ông Hoàng nói.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam lại cho rằng, giai đoạn này thị trường phân khúc cao cấp cũng không có nhiều nguồn cung mới. Ở góc độ tích cực, đây chính là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà cao cấp để ở và đa dạng hóa nguồn đầu tư.

Bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi lạc quan 

Ở Việt Nam, tình hình hoạt động của các khách sạn 11 tháng qua cũng sụt giảm nhiều so với khu vực, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước. Chỉ số ADR trong tháng 10 của cả nước đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và so với đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 40%.

Riêng tại TP HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, công suất phòng hiện vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn hầu hết các thành phố khác tại khu vực Châu Á, giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019.

Trong hai tháng vừa qua, Hà Nội ghi nhận công suất thuê phòng gần 35% nhờ vào các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi các hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.

Dù kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm, trong tháng 10 vừa qua, Hà Nội và TP HCM đã ghi nhận mức công suất phòng cao nhất kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 04/2020.

Bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi lạc quan 

Một số khách sạn đưa ra mức giá dịch vụ thấp hơn so với thông thường nhằm gia tăng sức hút với nhóm khách du lịch có ngân sách thấp hơn, dẫn đến việc giá phòng trung bình có xu hướng giảm.

Ngoài ra, các khách sạn cũng đã tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch mới như Du lịch tại chỗ. Tuy nhiên, chương trình này chỉ thực sự hiệu quả ở một nhóm nhỏ khách sạn.

Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, sau khi dịch được kiểm soát, thị trường ghi nhận nhu cầu đặt phòng dần hồi phục trong 3 tháng qua.

Mặc dù vậy, ông Gasparotti cho rằng, toàn thị trường nghỉ dưỡng nói chung sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%, ngoại trừ một số khu nghỉ dưỡng nằm ở các điểm đến lân cận các thành phố lớn có thể đạt cao hơn mức trung bình thị trường từ 10 đến 15 điểm phần trăm.

“Thị trường phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa nhưng vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Hiện nay, nguồn cầu chỉ thực sự tăng vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần vẫn còn khá thấp”, ông Gasparotti đánh giá.

Theo chuyên gia này, hầu hết các khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động, chỉ một số rất ít có thể kỳ vọng đạt kết quả khả quan cho năm 2020.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng tình hình năm 2021 có khả năng phục hồi và chủ yếu tập trung vào quý 3, quý 4, khi các hạn chế đi lại có thể được nới lỏng và khách du lịch kết hợp hội nghị hội thảo (MICE) cũng như khách du lịch cá nhân từ các khu vực lân cận khôi phục hoạt động du lịch. Điều này sẽ hỗ trợ cho quá trình hồi phục của thị trường khách sạn và khu nghỉ dưỡng”, ông Gasparotti nhận định.

Việt Nam có thành phố đảo đầu tiên

Truyền hình Thông tấn đưa tin, chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.

Theo tờ trình của Chính phủ, Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan. Huyện Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ.

Vùng biển Phú Quốc có các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc, Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005.

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 nghìn tỷ đồng.

Toàn cảnh đảo Phú Quốc (Ảnh: Tienphong)

Tờ Tienphong dẫn nguồn tin từ ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, tỉnh đã triển khai lập đề án xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới, mở ra nhiều kỳ vọng cho đảo Ngọc. So sánh với các tiêu chí, Phú Quốc hoàn toàn xứng đáng trở thành thành phố. Sau khi thành lập thành phố, Phú Quốc giảm 2 đơn vị hành chính so với trước.

Cụ thể, có 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã gồm Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương và Cửa Cạn. Xã Hòn Thơm sáp nhập vào phường An Thới, còn xã Thổ Châu tỉnh Kiên Giang đang lập đề án thành lập huyện mới Thổ Châu. Phú Quốc có thể không trở thành đặc khu, nhưng tỉnh Kiên Giang sẽ xin Chính phủ cho phép những cơ chế đặc thù như… đặc khu.

Hiện nay, đường biển với tàu cao tốc xuất phát từ thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên tần suất 5 chuyến đi và về mỗi ngày, bình quân 150-300 khách/tàu, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách ra đảo. Đường hàng không có sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh… đưa du khách khắp mọi miền đất nước, khách quốc tế đến với đảo rất tiện lợi. Tỉnh Kiên Giang đang phát triển đưa đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top