TP HCM nở rộ tình trạng xây dựng sai thiết kế được phê duyệt
Theo dantri, tình trạng xây dựng sai thiết kế được phê duyệt thời gian qua "nở rộ" tại TP HCM. Điển hình, dự án Oriental Plaza (số 685 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú) do Công ty CP Sơn Thuận (Công ty Sơn Thuận) làm chủ đầu tư.
Được cơ các quan quản lý Nhà nước phê duyệt thiết kế nhưng vì hám lợi, nhiều chủ đầu tư cố tình làm sai dẫn đến tranh chấp với người dân. Hệ lụy, người mua nhà không được cấp sổ hồng.
Theo đó, Công ty Sơn Thuận có hành vi vi phạm hành chính như: Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp tại chung cư Oriental Plaza.
Sở Xây dựng TPHCM đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Trong đó, tầng hầm Oriental Plaza chưa lắp đặt hệ thống xếp xe tự động với diện tích 2.418m2. Tầng trệt xây dựng thêm nhà rửa xe, cửa hàng cà phê; bố trí bãi xe ô tô phía trước khu căn hộ; không bố trí nhà trẻ tại tầng trệt…
Tầng 3 bố trí thêm 7 căn hộ. Các tầng 6, 8, 10, 12, 14, 16, 18, 20, 22 - mỗi tầng cũng bố trí thêm 4 căn hộ so với bản vẽ thiết kế được duyệt.
Riêng tầng T, vốn được cấp phép là khu vực công cộng (kĩ thuật, tiện ích) phục vụ cho cư dân nhưng hiện trạng lại trở thành các dịch vụ spa, phòng tập Gym, trung tâm tiếng Anh, văn phòng của chủ đầu tư…
Trước những sai phạm, UBND TP HCM và Sở Xây dựng đã có quyết định xử phạt, yêu cầu Công ty Sơn Thuận phải khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn thực hiện một cách chậm chạp.
Trả lời báo chí, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM cho biết, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Theo kê, mỗi năm tại TPHCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng ký năm 2018. Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai
Chiều 09/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM bế mạc sau 3 ngày làm việc và thông qua 28 nghị quyết.
Trong số các nghị quyết được thông qua, nghị quyết về danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn đã được HĐND TP HCM thông qua vào các năm 2015, 2016, 2017 được người dân kỳ vọng bởi tình trạng dự án treo, quy hoạch treo đã xâm phạm quyền lợi của người dân nhiều năm qua.
Trong 43 dự án thuộc danh mục cần thu hồi đất, chiếm đa số là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, chung cư cũ đang kêu gọi nhà đầu tư. Một số dự án điển hình trong 61 dự án bị thu hồi có:
1. Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), do dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện.
2. Dự án Khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1), do UBND TP.HCM chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, dự án đã quá 3 năm chưa triển khai.
3. Dự án chỉnh trang đô thị tại Lô L07 (phường 8, quận 3). Dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện.
4. Chung cư 1147 Trần Hưng Đạo - 1149 Trần Hưng Đạo - 122 An Bình (phường 5, quận 5). Qua kiểm định chất lượng, thì xác định đây thuộc chung cư cũ cấp độ C; chưa lựa chọn được chủ đầu tư để thực hiện dự án.
5. Chung cư 362 Trần Phú - 346-382 Trần Phú - 380 Trần Phú (phường 7, quận 5), do chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư theo Điều 110 Luật Nhà ở.
6. Chung cư 62 Lương Nhữ Học (phường 10, quận 5). Qua kiểm định chất lượng xác định đây là chung cư cũ cấp độ C; chưa lựa chọn được chủ đầu tư để thực hiện dự án; chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư theo Điều 110 Luật Nhà ở.
7. Chung cư 206/1-34 Trần Hưng Đạo - 47-79 Ngô Quyền (phường 11, quận 5). Qua kiểm định chất lượng xác định đây là chung cư cũ cấp độ C; chưa lựa chọn được chủ đầu tư để thực hiện dự án; chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư theo Điều 110 Luật Nhà ở.
8. Chung cư 171-177 Phùng Hưng - 828-842 Nguyễn Trãi - 179-187 Phùng Hưng - 854 Nguyễn Trãi (phường 14, quận 5). Qua kiểm định chất lượng xác định đây là chung cư cũ cấp độ C; chưa lựa chọn được chủ đầu tư để thực hiện dự án; chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư theo Điều 110 Luật Nhà ở.
9. Công trình nâng cấp, mở rộng đường Minh Phụng tại nút giao thông Minh Phụng, Bến Phú Lâm, Lê Quang Sung (quận 6), do dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
10. Mở rộng hẻm 165 Nguyễn Văn Luông (phường 10, quận 6), do dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Trước đó, UBND TP HCM yêu cầu Sở TN&MT và các quận huyện rà soát, đề xuất xử lý các dự án không thực hiện trong Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã phê duyệt (từ năm 2015 đến năm 2019). Ngoài 61 dự án nói trên cần HĐND thành phố có nghị quyết huỷ bỏ, có 108 dự án chậm triển khai cũng bị UBND thành phố huỷ bỏ, điều chỉnh.
Đất nền Hòa Lạc tiếp tục "nhảy múa"
Những lời quảng cáo như thời điểm “vàng” để xuống tiền hay “đừng để phải hối hận khi bỏ qua cơ hội có 1 không 2” để sở hữu đất nền “full thổ cư”, tiềm năng tăng giá cao,… với giá chưa đến 1 tỷ đồng dễ dàng làm “mủi lòng” những nhà đầu tư trong thời điểm lãi suất ngân hàng xuống thấp và việc kinh doanh đình trệ do dịch bệnh.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các địa phương lân cận khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất), Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao.
Theo ghi nhận, đất ở nông thôn tại các khu vực này vốn chỉ có giá từ 5 - 6 triệu cho thửa có vị trí đẹp, thuận tiện giao thông thì nay được phân lô ra và rao bán với giá trên 10 triệu đồng/m2. Cá biệt, có “dự án” tại thôn Linh Sơn (xã Bình Yên) được đẩy lên mức 25 triệu đồng/m2 mà theo các nhà môi giới cả không chuyên và bán chuyên là không có hàng để bán.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất các vùng ven tăng cũng là theo xu thế đi lên của thị trường, tuy nhiên nếu tăng một cách quá mức, nhiều lần trong thời gian ngắn mà không đi kèm với sự phát triển của hạ tầng tương xứng thì là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá và người cầm “hòn than” cuối cùng sẽ bị “bỏng tay”.
Bên cạnh thông tin một “ông lớn” bất động sản đã công khai dừng kế hoạch phát triển 02 dự án đô thị lớn tại Thạch Thất thì các dự án hạ tầng như tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) hay quy hoạch dự án sân bay Hòa Lạc… đều là những câu chuyện của tương lai, ít nhất là từ 3-5 năm tới.
Về nguy cơ của việc sốt nóng khá bất thường này, ông Đính cũng cho rằng ngoài việc “bỏng tay” của nhà đầu tư cuối sóng thì cũng tiềm ẩn nguy cơ làm méo mó môi trường thu hút đầu tư của các địa phương khi giá đất bị đẩy lên quá cao khiến các doanh nghiệp “sợ” khi giải phóng mặt bằng nếu triển khai dự án.
Thành phố Thủ Đức chính thức có danh phận
Chiều ngày 09/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM với tỷ lệ đồng ý 100%.
Theo đó, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố này sẽ có vị trí tiếp giáp với các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh của TP HCM và tiếp giáp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Với thế mạnh về vị trí và hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua không thể phủ nhận sự nổi bật hơn hẳn của thành phố Thủ Đức so với các khu vực còn lại của TP HCM.
Những tuyến giao thông quan trọng như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hầm Thủ Thiêm, Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, Metro số 1, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K, quốc lộ 52... không chỉ giúp kết nối thành phố Thủ Đức với trung tâm TP HCM mà còn tạo ra các trục động lực liên kết với những địa phương giàu tiềm năng như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
Chính vì tiềm năng như vậy, thành phố Thủ Đức là thị trường bất động sản sôi động bậc nhất và cũng là nơi có mức độ biến động giá nhà đất mạnh nhất tại TP HCM. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi những thông tin manh nha về việc khu vực này sẽ trở thành một thành phố mới đã khiến cho giá nhà đất được dịp tăng mạnh.
Sức nóng của thành phố Thủ Đức cũng tác động đến giá nhà đất của những khu vực lân cận như Dĩ An, Thuận An (Bình Dương). Nhiều dự án căn hộ tại khu vực này vừa mới ra mắt cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với trước.
Đà Nẵng - Bất thường trong xét duyệt mua nhà ở xã hội giá rẻ
Theo Laodong, ngày 09/12, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết vừa có báo cáo gửi Thanh tra TP Đà Nẵng về việc thực hiện kết luận thanh tra vào cuối năm 2019 liên quan đến dự án Chung cư An Trung 2.
Trước đó vào tháng 12/2019, Thanh tra TP Đà Nẵng có thông báo về công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Tại thời điểm ra thông báo, Thanh tra thành phố phát hiện 80/324 trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng quy định.
Trong văn bản gửi Thanh tra TP Đà Nẵng vừa qua, Sở Xây dựng nhận định, việc các trường hợp chuyển nhượng nhà trước thời điểm tiếp nhận hồ sơ từ ngày 22.2- 22.3.2018 và mua nhà sau thời điểm phê duyệt được Thanh tra thành phố kết luận là có dấu hiệu chạy chính sách để được mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, liên quan đến ý kiến của cơ quan thanh tra về thu hồi nhà đối với các trường hợp giao sai quy định, Sở Xây dựng cho rằng quy định hiện không đề cập đến thủ tục cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách. Thế nên, Sở Xây dựng cũng không có quy định về việc cưỡng chế thu hồi...
Đáng chú ý, trong 80 trường hợp chưa đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2 hiện có nhiều người được mua nhà khi mới chỉ là sinh viên đại học (?).
Trước kết luận của thanh tra về việc nhiều người được mua nhà khi chỉ mới là sinh viên; không có hợp đồng lao động, ông Việt giải thích, trong các tờ khai mức thuế thu nhập, trường đại học, cơ quan đơn vị xác nhận vào đó, nên đủ điều kiện để Liên doanh DMC-579 trình Sở Xây dựng xét duyệt?
Đưa ra phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trong đó, bổ sung quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Cụ thể, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa là tập hợp các đề xuất về hình thức sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của địa phương đã được phê duyệt và công bố của các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến về các diện tích đất trên địa bàn mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa. Ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng).
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các địa phương về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp và phải bảo đảm phương án được phê duyệt trước thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
Riêng doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp; việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức và người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa được giao, nhận chuyển nhượng, thuê đất theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời hoàn tất các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan.