Aa

Bản tin BĐS 24h: Phạt nặng hành vi tự ý đưa công trình vào sử dụng

Thứ Sáu, 16/10/2020 - 18:50

Bộ Xây dựng nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng; TP HCM đề xuất chế tài xử lý quỹ bảo trì chung cư là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Bộ Xây dựng nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng

Trong thời gian qua, một số công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan đơn vị khi đưa vào sử dụng chưa hết thời gian bảo hành đã xuống cấp.

Vấn đề nêu trên cho thấy việc quản lý giám sát chưa chặt chẽ, nguyên vật liệu kém. Từ đó, cử tri đề nghị có giải pháp giám sát hữu hiệu hơn nữa để đảm bảo chất lượng công trình tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.

Theo Bộ Xây dựng, hàng năm, có từ 40.000 - 50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước. Theo số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình. Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu Chủ đầu tư cùng các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Những công trình nếu chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng sẽ bị đề xuất tăng mức phạt. (Ảnh: Internet)

Bộ Xây dựng đánh giá, về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020.

Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.

Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo dự thảo Nghị quyết này, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Tại dự thảo, Sở Xây dựng đã đề xuất xử phạt với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cao nhất là 2 tỷ đồng (theo hành vi quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

TP HCM đề xuất chế tài xử lý quỹ bảo trì chung cư

Theo quy định tại Luật Nhà ở 2015, Luật Nhà ở 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành, người mua, thuê mua nhà ở đóng với mức là 2% giá trị căn hộ tính trước thuế, do chủ đầu tư thu và tạm quản lý. Sau khi ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư phải quyết toán và bàn giao kinh phí này cho ban quản trị.

Quy định là vậy nhưng hiện nay nhiều chung cư dù đã có ban quản trị nhưng chủ đầu tư vẫn không trao trả lại quỹ bảo trì, tận dụng dòng vốn vào mục đích khác. Đây cũng là nguyên nhân gây chiến tranh giữa chủ đầu tư với cư dân vì 2% giá trị căn hộ từng nổ ra khắp nơi, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Mặt khác, Nghị định số 139 không có nội dung quy định chế tài đối với chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì. Điều này dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa chủ đầu tư và ban quản trị.

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm nêu trên, có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP này đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND thành phố ra văn bản yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị; ban hành quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với Cty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3); ban hành quyết định ủy quyền cho UBND quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì đối với 5 chủ đầu tư…

Sở Xây dựng TP HCM đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai, thực hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân. Đặc biệt, Sở này cũng đề xuất có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.

Riêng địa bàn Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cao hơn. Hà Nội có 39/919 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 4,2%. TPHCM có 15/867 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 1,7% - báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.

TP HCM đề xuất chế tài xử lý quỹ bảo trì chung cư

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

“Sau khi bán căn hộ lại tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì” – ông Hà nói.

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về 2% phí bảo trì nhà chung cư như sau:

Thứ nhất: Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại điều 108 của luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). 

Thứ hai: Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản nhận phí bảo trì đã mở theo quy định tại khoản 1 điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua, thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.

Đặc biệt, với chế tài “cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì”, dự thảo của Bộ Xây dựng cũng đã giúp UBND cấp tỉnh có cơ sở cụ thể để thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, phí bảo trì là rất cần thiết trong việc vận hành nhà chung cư. Công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kỹ thuật nhà chung cư là việc làm bắt buộc theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất để đảm bảo cho chung cư được vận hành một cách an toàn.

Nếu buông lỏng vấn đề này, trong tương lai không xa sẽ dẫn đến một loạt các công trình nhà chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng. Kéo theo đó là các rủi ro về cháy nổ, mất an toàn cho cư dân. Trong khi đó, bất kỳ một yếu tố không an toàn nào của nhà chung cư cũng sẽ ngay lập tức trở thành thảm hoạ.

Đường Phạm Văn Đồng chính thức thông xe, bất động sản nóng lên từng ngày

Phạm Văn Đồng là tuyến đường cửa ngõ phía Tây thủ đô kết nối các tuyến vành đai, bến xe Mỹ Đình với các tỉnh phía Tây Bắc nên thường xuyên ùn tắc.

Sau hơn 3 năm thi công, tuyến đường huyết mạch thuộc hệ thống Vành đai 3 Hà Nội đã chính thức được hoàn thiện, mở rộng đoạn phía dưới mỗi bên 6 làn xe chạy giúp giải quyết ùn tắc trên trục này. Vỉa hè rộng từ 3 đến hơn 7m được lát đá xanh, nhiều đoạn được trồng 4 tầng cây xanh càng làm tăng vẻ mỹ quan của tuyến đường.

Ngoài đường Phạm Văn Đồng dưới thấp, hệ thống đường trên cao với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng cũng đã được hoàn thiện và thông xe vào ngày 10/10.

Đường Phạm Văn Đồng được mở rộng còn tạo mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, từng bước hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch Giao thông Vận tải của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hiện tại, sau khi chính thức thông xe, các dự án BĐS nằm dọc trục đường Phạm Văn Đồng thuộc phía Tây Hồ Tây được hưởng lợi lớn

Sau khi rào chắn thi công đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được dỡ bỏ, người dân được lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng với 12 làn xe. Con đường trước đây vốn là một điểm nóng ùn tắc giao thông hiện nay đã rộng đẹp, thoáng mát như đại lộ.

Từ khi đường Phạm Văn Đồng được triển khai xây dựng vào năm 2017, giá đất tại khu vực này đã âm thầm lên “cơn sốt” khi tăng tới 30 - 40%. Đến nay, khi con đường đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, giá đất ở đây lại tăng tiếp từ 5 - 10%.

Hiện tại, sau khi chính thức thông xe, các dự án BĐS nằm dọc trục đường Phạm Văn Đồng thuộc phía Tây Hồ Tây được hưởng lợi lớn, tiềm năng tăng giá cao nhờ giao thông kết nối và thông thoáng.

Theo khảo sát nhà mặt phố Phạm Văn Đồng hiện được rao bán với mức giá từ 200 - 250 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Cụ thể, 1 căn nhà có diện tích 70m2, 5 tầng, mặt đường Phạm Văn Đồng đang được chào bán với mức giá 13,5 tỷ đồng. Ở các khu vực xa đường Phạm Văn Đồng như Xuân Đỉnh, giá đất cũng được chào bán ở mức khá cao, từ 90 - 120 triệu đồng/m2 cho mặt đường ô tô và 50 - 70 triệu đồng/m2 cho nhà ở trong ngõ nhỏ.

Tháng 10/2016, Hà Nội khởi công Dự án đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng – Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long từ 56 m lên 93 m bề ngang, với tổng mức tổng đầu tư dự án là 3.113 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, đoạn đường được mở rộng là một tuyến đường hai chiều với 12 làn xe (mỗi bên 6 làn xe), trong đó có 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Việc tuyến đường Phạm Văn Đồng được mở rộng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đồng thời tạo được mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long nhằm từng bước đầu tư hoàn thành, khép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch Giao thông Vận tải của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Sau khi hoàn thiện, 2 hệ thống giao thông này sẽ góp phần làm thông thoáng việc kết nối giao thông từ khu vực nội thành đi sân bay Nội Bài cũng như liên kết với các khu công nghiệp lớn ở phía Tây Hà Nội. Đồng thời, giúp cải thiện được tình trạng giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, giúp thông thoáng hệ thống vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa đi về phía Nam giữa khu vực Bắc và Nam sông Hồng qua bến xe Giáp Bát.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top