Aa

Bản tin BĐS 24h: Yêu cầu công khai chủ đầu tư vi phạm quy định quản lý chung cư

Thứ Ba, 17/11/2020 - 18:55

Hà Nội yêu cầu công khai chủ đầu tư vi phạm quy định quản lý chung cư; cả nước không có dự án NƠXH nào được khởi công; đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hơn 30.000 căn hộ là những tin chính trong bản tin BĐS 24h.

Hà Nội yêu cầu công khai chủ đầu tư vi phạm quy định quản lý chung cư

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản 5373/UBND-SXD về bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và giải quyết các hạn chế trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình nhà chung cư, nhà cao tầng; phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư.

Đồng thời, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy đối với các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu; xác minh, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư

TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp; trường hợp phát hiện có việc sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích khác không phải để ở thì yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp cần thiết buộc doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chấm dứt việc sử dụng; công khai danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp; danh sách các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa khắc phục xong vi phạm.

Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; chủ động báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn.

Trước đó, 9 tháng đầu năm 2020, các đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 13.539 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 305 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,25%). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 201/305 trường hợp (tỷ lệ 65,90%); đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 104/305 trường hợp (tỷ lệ 34,10%).

TP đã cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở được 219.769/222.834 căn, đạt tỷ lệ 98,62%. Cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư được 13.856/14.027 căn, đạt tỷ lệ 98,78%.

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hằng năm về tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư: Luật Nhà ở năm 2014, các nghị định của Chính phủ, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND thành phố... cho cán bộ làm công tác quản lý, các chủ đầu tư, ban quản trị và các chủ sở hữu, người sử dụng chung cư trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các chung cư, nhà cao tầng...

Cả nước không có dự án NƠXH nào được khởi công

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2020. Bộ Xây dựng cho biết, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, trong quý III, trên cả nước có 295 dự án với 125.449 căn hộ được cấp phép; 1.272 dự án với 243.265 căn hộ đang triển khai xây dựng; 118 dự án với 25.911 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép giảm nhẹ (giảm khoảng 9,3%) so với Quý II/2020.

Tại miền Bắc có 109 dự án với 54.872 căn hộ được cấp phép; 218 dự án với 55.650 căn hộ đang triển khai xây dựng tập trung chủ yếu tại Hải Dương (77 dự án), Thái Bình (35 dự án), Bắc Giang (23 dự án); 18 dự án với 2.218 căn hộ hoàn thành.

Số lượng dự án NƠXH hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong Quý III/2020, số lượng dự án phát triển nhà ở thương mại tăng mạnh ở khu vực miền Trung, số lượng các dự án được cấp phép tăng gấp khoảng hơn 6 lần, số lượng các dự án đang triển khai tăng gần 1,4 lần, số lượng dự án hoàn thiện tăng gần 2 lần so với Quý II/2020.

Tại miền Nam, so với Quý II/2020, số lượng dự án phát triển nhà ở thương mại trong Quý III/2020 có sự biến động, số lượng dự án được cấp phép giảm mạnh (chỉ bằng 25,4%), số lượng dự án đang triển khai tăng nhẹ (khoảng 4.3%), số lượng dự án hoàn thành tăng mạnh (khoảng 1,7 lần).

Đối với dự án nhà ở xã hội (NƠXH), Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý III/2020 số lượng dự án NƠXH hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 04 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 3.630 căn, tương ứng khoảng hơn 181.500 m2 và không có dự án mới được khởi công. 

Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với Quý II/2020, Bộ Xây dựng thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hơn 30.000 căn hộ tại TP HCM 

HoREA thống kê từ 17 chủ đầu tư có hơn 30.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng tại TP HCM. Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người mua nhà dự án nhà ở thương mại.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM báo cáo trong 9 tháng đầu năm đã cấp hơn 8.600 Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho khách hàng của các dự án nhà ở thương mại và còn đang thụ lý hơn 100 dự án nhà ở thương mại.

Nhưng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) dẫn số liệu tổng hợp từ 17 chủ đầu tư dự án nhà ở tại TP HCM thì đã có đến 30.402 căn hộ thuộc 63 dự án nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng. Hiệp hội cho rằng điều này gây bức xúc cho khách hàng (kể cả khách hàng là cá nhân nước ngoài) đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, dẫn đến một số trường hợp khiếu kiện tập thể, gây mất trật tự tại một số dự án.

Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hơn 30.000 căn hộ tại TP HCM 

Nhiều chủ đầu tư cũng bức xúc do chưa được thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa được nộp tiền sử dụng đất dự án. Trong khi đó, 14 trường hợp dự án nhà ở của 2 chủ đầu tư mới chỉ tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn được xác định tiền sử dụng đất chính thức để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, được cấp “sổ hồng” cho khách hàng và được thu tiếp 5% giá trị còn lại của hợp đồng mua bán nhà.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người mua nhà dự án nhà ở thương mại.

Trong văn bản của mình, Hiệp hội còn đề cập 9 tháng đầu năm, TP HCM chỉ có một dự án nhà ở được chuyển nhượng, do Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định “bên chuyển nhượng” phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) dự án. Quy định pháp luật hiện nay chưa coi chuyển nhượng dự án bất động sản, nhà ở là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án thì nộp thuế cho Nhà nước. Hiệp hội nhận thấy, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản, nhà ở chưa phù hợp với thực tiễn vận hành của thị trường bất động sản và khắt khe hơn điều kiện chuyển nhượng dự án của Luật Đầu tư.

Hồi tháng 9, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đã ký cấp và trao 1.000 sổ hồng cho các chủ đầu tư dự án nhà ở. Người đứng đầu Sở này khẳng định với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở sẽ giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Còn với những vướng mắc phát sinh thì ở cấp độ thành phố, Sở đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận tiếp tục tổ chức buổi họp với các sở ngành, đơn vị có liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể và giải pháp tháo gỡ.

Đề xuất dùng hợp đồng BT để “giải cứu” nguồn cung nhà ở xã hội

Tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở bất động sản cao cấp, thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM chỉ ra trong nhiều báo cáo.

Tại Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cả nước đến tháng 9/2020 hoàn thành 249 dự án, hơn 104.200 căn, tổng diện tích 5,2 triệu m2, đạt 41,6%. 

Hiện, cả nước đang tiếp tục triển khai 263 dự án, quy mô xây dựng 215.800 căn, với tổng diện tích gần 11 triệu m2. Đáng lưu ý, có 221 dự án chậm tiến độ hoặc phải dừng thi công.

Riêng tại TP HCM, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kết quả thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội trong 9 tháng đầu năm 2020 đã hoàn thành phần thô 3 dự án với quy mô 2.213 căn hộ, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 09 năm 2020 lên 13.186 căn hộ.

Hiện tại, có 5 dự án đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn hộ dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ước lũy kế có thể hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội đạt 89,72% so với mục tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Đề xuất dùng hợp đồng BT để “giải cứu” nguồn cung nhà ở xã hội

Mặc dù vậy, theo HoREA, thị trường phát triển vẫn thiếu cân đối, thiếu bền vững do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà ở xã hội đưa vào sử dụng thời gian gần đây hạn chế, theo Bộ Xây dựng, là do khó khăn về nguồn vốn tín dụng.

Nhấn mạnh về nguồn cung sụt giảm, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng, không chỉ do Covid-19 mà còn do thể chế pháp luật chồng chéo. Điểm nghẽn lớn nhất là đất công xen kẹt trong các dự án hay ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ.

HoREA cho rằng có điểm chưa hợp lý là: "Trước đây, Hợp đồng BT áp dụng với các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự án công trình hạ tầng, dịch vụ. Tuy nhiên, Luật PPP đã bãi bỏ hình thức này chỉ vì nguyên nhân "chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT".

Để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, Chủ tịch HoREA cho rằng, không vì có một số bất cập, “lỗ hổng”, sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT.

"Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022, để trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách thực hiện dự án BT, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách nhà nước.

Sau năm 2022, dùng hình thức BT sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ" -  Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top