Aa

Bàn về phát triển đô thị hậu Covid-19: Mô hình “giãn cách đô thị” sẽ lên ngôi?

Thứ Hai, 28/06/2021 - 06:00

Giãn cách đô thị cần được hiểu là giãn cách về không gian, giảm mật độ cư trú, giảm mật độ xây dựng trên một đơn vị đô thị để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ổn định dân sinh…

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam. Dường như hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực, trong đó có ngành xây dựng, phát triển đô thị. Tuy nhiên, dịch Covid-19 không phải không có những tác động như giãn cách xã hội giúp mọi người sống chậm, gần gũi nhau hơn; môi trường đô thị được cải thiện; cách thức làm việc trong hệ sinh thái công nghệ, Chính phủ điện tử, thông minh, kinh tế số được thúc đẩy nhanh hơn… buộc chúng ta phải xem xét lại quá trình phát triển trên nhiều lĩnh vực có liên quan, trong đó có phát triển đô thị cả trên bình diện tiêu cực và tích cực mà đại dịch mang lại. Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, mô hình phát triển đô thị như hiện nay liệu có bị tác động ?

Thành phố lớn chịu tổn thương bởi dịch bệnh nhanh và cao hơn

Đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Vũ Hán - Trung Quốc từ đầu tháng 12/2019, đến tháng 5/2021 đã lây lan ra 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 161 triệu ca nhiễm, hơn 3,3 triệu ca tử vong, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và còn diễn biến phức tạp tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á. Dịch bệnh tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam. Dường như hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực, trong đó có ngành xây dựng, phát triển đô thị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không phải không có những tác động tích cực của nó, buộc chúng ta phải suy nghĩ về những hiện tượng dưới đây.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, cuộc sống của chúng ta dường như đã được định hình lại rất nhiều do tác động của đại dịch Covid-19. Bởi cũng chính đại dịch đã vạch các lỗi mang tính cấu trúc của một hệ thống đã cơ bản được định hình trong nhiều thập kỷ qua, bất bình đẳng kinh tế, hủy hoại hệ sinh thái ở quy mô lớn, các cấu trúc không ổn định dựa vào nhau trong trạng thái bấp bênh… nên khi chỉ một thành phần trong đó mất cân bằng, các hệ thống khác có thể sẽ sụp đổ đồng loạt. GS. Joseph E. Stiglitz (Giải thưởng Nobel kinh tế 2001) phân tích, đại dịch cho thấy thế giới cần sự cân bằng tốt hơn giữa toàn cầu hóa và khả năng tự lực.

Quá trình diễn biến dịch Covid-19 cho thấy, trên thế giới dường như các thành phố lớn có quy mô, mật độ dân cư cao, hoạt động kinh tế sôi động, hội nhập toàn cầu sâu rộng như Vũ Hán (Trung Quốc), New York (Mỹ), Roma (Italia), Luân Đôn (Vương quốc Anh), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, New Delhi (Ấn Độ)… lại là nơi dịch bùng phát nhanh, nhiều nhất trong khi các thành phố có quy mô vừa, nhỏ, có sự cân bằng về phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái như Viêng Chăn (Lào), Tirana (Albania)… thì dịch bệnh lại chậm hơn, ít hơn và cuộc sống cũng ít bị tác động hơn. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự như ở Việt Nam. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi tập trung dân cư, quy mô hoạt động kinh tế lớn là nơi dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 hơn so với các đô thị có quy mô nhỏ, trung bình, mật độ dân cư thấp như TP. Vinh, Huế, Đà Lạt… Thực trạng này có nói lên điều gì về mô hình phát triển đô thị?

Để phòng chống dịch bệnh lây lan, phần lớn các quốc gia đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa hoạt động kinh tế ở mức độ cần thiết cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, giãn cách xã hội cũng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, Chính phủ điện tử, đô thị thông minh có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi tập trung dân cư, quy mô hoạt động kinh tế lớn là nơi dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19. (Ảnh sưu tầm)

Theo TS.KTS. Lê Xuân Trường, do đại dịch Covid-19 kéo dài, các nước đang phát triển như Việt Nam hiện ở mức 2.0 - 3.0 thường mất rất nhiều thời gian bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 lại sớm có cơ hội tốt để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số phát triển nhanh hơn tạo lập cách sống mới, văn hóa mới trong xây dựng phát triển đô thị. Cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam phương tiện, công cụ “đi tắt đón đầu” đúng hướng cùng thế giới tiến bộ…

Ông Tony Matthews, giảng viên cao cấp về quy hoạch đô thị và môi trường, thuộc trường Đại học Griffith, Australia cho rằng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn... sẽ trở thành những yếu tố cố định trong quy hoạch đô thị tương lai, giúp sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn như dịch bệnh.

Giãn cách xã hội cũng tạo ra một hiệu ứng mới về chất lượng môi trường. Với Việt Nam trong khoảng thời gian này, điều mà tất cả mọi người đều cảm nhận rõ nhất là Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn khác dường như nhịp sống đô thị chậm lại, đỡ bức bối, khói bụi, nhiệt độ cũng đã giảm dần đi. Chỉ số đo lường chất lượng không khí (AQI) tại TP.HCM và Hà Nội đã cải thiện rất đáng kể. Còn trên thế giới, lần đầu tiên sau nhiều năm, các chỉ số môi trường được cải thiện thực sự. Dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 - 25/3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%... Theo Mạng lưới quản lý chất lượng không khí AirParif cho Paris, chỉ cần 2 ngày giới nghiêm, Airparif nhận thấy không khí cải thiện 20% - 30%, với lượng khí thải CO giảm hơn 60%.

Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, mô hình phát triển đô thị như hiện nay liệu có bị tác động?

Nhìn lại… để hướng về tương lai

Trong một vài thập kỷ qua, thế giới đã có một quá trình đô thị hóa sôi động. Nhiều đô thị lớn, cực lớn đã được hình thành (hơn 10 triệu dân). Các mô hình “đô thị nén”, “đô thị mật độ cao”, “siêu đô thị”, “đô thị toàn cầu hóa”; “xanh”; “thông minh”; “bền vững”… đã được nhiều nước nghiên cứu, áp dụng và ở đâu đó, với từng thể loại chúng ta còn cảm thấy tự hào như một biểu tượng của sự phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích với các loại mô hình này (quy mô hơn 10 triệu dân) được coi là những “cỗ máy tích hợp khổng lồ” trong cấu trúc khái niệm hiện đại, phát triển.

Bên cạnh các ưu điểm, bản thân các mô hình này cũng đang đứng trước các thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, hạ tầng kỹ thuật quá tải, hạ tầng xã hội không theo kịp, sự bất bình đẳng trong lao động, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục và khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Bản sắc, đặc trưng đô thị dường như bị phai nhòa khi trào lưu toàn cầu hoá xâm nhập vào kiến trúc, cảnh quan đô thị mỗi nước.

Trong lịch sử quy hoạch đô thị, con người đã nghiên cứu nhiều loại mô hình cấu trúc đô thị như: Mô hình “Thành phố lý tưởng” của Jacoue Francois Perret (1601), với nhà tháp cao ở giữa thành phố theo bố cục “Ba rốc”; mô hình “Thành phố lý tưởng” của Vincenzo Scamozzi (1615), với cấu trúc theo ô vuông và hình sao trong mặt bằng; mô hình “Thành phố lý tưởng” của Daniel Speckle (1608), với hệ thống mặt bằng hướng tâm; hoặc mô hình thành phố theo mẫu của Morelly khi cấu trúc đô thị bắt đầu ảnh hưởng sự nghiệp công nghiệp hóa; mô hình “Thành phố vườn” và nhóm các Thành phố vườn của Ebenezer Howard (1898); mô hình Cấu trúc lục lăng của không gian đô thị hóa theo Christaller; mô hình Thành phố theo cấu trúc Đơn vị ở của quy hoạch Xã hội Chủ nghĩa trước đây và mô hình cấu trúc đô thị theo quan điểm sinh thái phát triển trong quá trình đô thị hoá của Miles (1919); mô hình đề nghị “Các phân hệ sinh thái đô thị và mối quan hệ chủ đạo” (GS. Lê Hồng Kế), hoặc mô hình sinh thái đô thị kết hợp hòa đồng (GS. Đàm Trung Phường)…

Xu hướng chung của các đô thị Việt Nam hiện nay là phát triển nhanh, mở rộng cả về quy mô diện tích đất đai lẫn quy mô dân số, với các hình thức: Khu vực nội đô phát triển mạnh ra các vùng ngoại vi, dẫn đến việc phải điều chỉnh ranh giới của đô thị (thị xã, thành phố); phát triển mở rộng đô thị trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính trong phạm vi ranh giới của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc có liên quan đến 2, 3 tỉnh…; đô thị hướng tới cấu trúc đa trung tâm, linh hoạt hơn, có sức sống và có sự cạnh tranh cao. Trong đó, nền kinh tế đô thị đã đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng chung của quốc gia.

Gần đây trong xu hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xanh, thông minh trên cơ sở chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, chia sẻ… đã có nhiều quan điểm, nhiều nghiên cứu về các xu hướng này trong phát triển đô thị. Các dạng mô hình cấu trúc đô thị phát triển bền vững (TS.KTS. Trương Văn Quảng), mô hình thành phố thông minh và kinh tế chia sẻ (ThS. Nguyễn Tiến Hùng) có thể là những minh chứng cho các xu hướng này…

Có hay không mô hình “Giãn cách đô thị” hậu Covid-19

Có lẽ đây là một “khái niệm” mới nảy sinh từ trong đại dịch Covid-19 khi phần lớn các nước thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và tránh làm quá tải hệ thống y tế, đặc biệt vào lúc đại dịch, nhiều giải pháp giãn cách xã hội được sử dụng, bao gồm việc đóng cửa trường học và nơi làm việc, cửa hàng, cách ly, phong toả, hạn chế di chuyển và cấm tụ tập đông người…

Bằng cách nào đó, ngoài tác động tiêu cực của dịch bệnh, giãn cách xã hội giúp mọi người sống chậm, có cơ hội gần gũi nhau hơn; môi trường đô thị được cải thiện; cách thức làm việc trong hệ sinh thái công nghệ, Chính phủ điện tử, thông minh, kinh tế số được quan tâm thúc đẩy phát triển nhanh hơn… buộc chúng ta phải xem xét lại quá trình phát triển trên nhiều lĩnh vực có liên quan, trong đó có phát triển đô thị cả trên bình diện tiêu cực và tích cực mà đại dịch Covid-19 mang lại… Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, mô hình phát triển đô thị như hiện nay liệu có bị tác động?

Biểu hiện mô hình Giãn cách đô thị trong cấu trúc tổng thể khu đô thị Ecopark
Biểu hiện mô hình “Giãn cách đô thị” trong cấu trúc tổng thể khu đô thị Ecopark.

Có nhiều quan điểm đồng tình với TS.KTS. Lê Xuân Trường rằng “mô hình phát triển đô thị theo hướng không gian mở, hội nhập kinh tế toàn cầu mang tính quy luật và giải pháp tình thế đóng kín, tự túc để đối phó với dịch bệnh không thể là căn cứ, cơ sở để thay đổi tư duy, phương pháp cũng như trở thành giải pháp phổ biến trong quy hoạch phát triển đô thị tương lai”… Tuy nhiên, chúng ta phải điều chỉnh cách tiếp cận này để đảm bảo tính linh hoạt, tương thích và khả năng chống chịu của đô thị với mọi tình thế có thể xảy ra như biến đổi khí hậu, thiên tai, phòng chống dịch bệnh…

Giãn cách đô thị cần được hiểu là giãn cách về không gian, giảm mật độ cư trú, giảm mật độ xây dựng trên một đơn vị đô thị để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ổn định dân sinh… Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của mô hình phát triển bền vững đô thị. Điều quan trọng là biết lồng ghép một cách thông minh các giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thông minh và nền kinh tế số vào trong cấu trúc của mô hình này.

Hiểu một cách đơn giản, mô hình “giãn cách đô thị” hậu Covid-19 được bàn đến theo hướng giãn cách vật lý về không gian trên nền tảng mô hình tập hợp hoặc chùm đô thị phát triển trong một không gian lãnh thổ nhất định, hướng tới cấu trúc đa trung tâm, linh hoạt, có sức sống, có sự cạnh tranh cao và khả năng chống chịu. Tất nhiên ở các đô thị, các trung tâm (trong tập hợp hoặc chùm đô thị này) phải đảm bảo có quy mô (dân số, đất đai) phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc về phát triển đô thị bền vững, thông minh và phát triển kinh tế số, chia sẻ...

Mô hình tập hợp đô thị - Hyper City - Arata (Nhật Bản) và OMA (Hà Lan)
Mô hình tập hợp đô thị - Hyper City - Arata (Nhật Bản) và OMA (Hà Lan)
Mô hình tập hợp hoặc chùm đô thị, hướng tới cấu trúc đa trung tâm, linh hoạt, có sức sống, có sự cạnh tranh cao và khả năng chống chịu (Một biểu hiện bản chất của mô hình “Giãn cách đô thị”)
Mô hình tập hợp hoặc chùm đô thị, hướng tới cấu trúc đa trung tâm, linh hoạt, có sức sống, có sự cạnh tranh cao và khả năng chống chịu (Một biểu hiện bản chất của mô hình “Giãn cách đô thị”)

Theo đó, đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II có thể áp dụng mô hình tập hợp đô thị (Hyper City) hoặc chùm đô thị. Các khu đô thị trong hyper hoặc chùm… được phát triển giãn cách giữa chúng theo dạng “đảo đô thị” có quy mô phù hợp và phát triển theo chiều cao, dành quỹ đất để thiết lập mạng giao thông công cộng, hạ tầng công nghệ số kết nối và hệ thống sinh thái trong cấu trúc đô thị tổng thể.

Đối với các đô thị từ loại III trở xuống phát triển theo mô hình đô thị mật độ thấp, có tỷ lệ cây xanh từ 15 - 20 m2/người. Các trung tâm dịch vụ có bán kính phục vụ thuận tiện (có thể đi bộ 10 - 15 phút), các khu chức năng đô thị được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông thân thiện với môi trường (ưu tiên phương tiện giao thông xe đạp).

Phát triển nền kinh tế số, Chính phủ điện tử, trí tuệ thông minh, logistics,… vẫn sẽ là xu thế thời đại và được phát triển mạnh hậu Covid-19, cùng với cấu trúc giãn cách đô thị - một tư duy mới trong phát triển đô thị sẽ tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và các vấn đề đô thị nghiêm trọng khác.

Đại dịch Covid-19 ngoài những tác động tiêu cực còn giúp con người có cách nghĩ, tư duy tích cực hơn về nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có ngành xây dựng, phát triển đô thị… Giãn cách đô thị có thể là một khái niệm, một mô hình, một giải pháp mới mang tính tích hợp trên cơ sở giãn cách về không gian, giảm mật độ cư trú, giảm mật độ xây dựng trên một đơn vị đô thị, lồng ghép có hiệu quả các giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thông minh và nền kinh tế số vào trong cấu trúc của mô hình này, để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ổn định dân sinh, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh… Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của mô hình phát triển bền vững đô thị.

Xin nhắc lại lời GS. Joseph E. Stiglitz, thế giới cần sự cân bằng tốt hơn giữa toàn cầu hóa và khả năng tự lực…(hay khả năng chống chịu)!

Tài liệu tham khảo

1. Covid-19 thúc đẩy kinh tế số gắn với phát triển đô thị, TS.KTS. Lê Xuân Trường;

2. Đô thị... giãn cách xã hội, KTS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Việt Kiến Trúc (V.ARCHI);

3. Hình thái không gian và cấu trúc đô thị sinh thái trong phát triển bền vững – Cách tiếp cận áp dụng cho Hà Nội, TS.KTS. Trương Văn Quảng;

4. Mô hình phát triển thành phố thông minh trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam, ThS. Nguyễn Tiến Hùng, Trường Đại học kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh;

5. Đại dịch Covid-19 khiến tư duy quy hoạch phải thay đổi, Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top