Aa

Báo cáo Quốc hội việc xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm trong cổ phần hoá

Thứ Tư, 17/04/2019 - 06:01

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội...

Tiếp tục phiên họp thứ 33, sáng 16/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 13/6.

Như mọi kỳ họp khác, bên cạnh nội dung được trình bày, thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều báo cáo sẽ được gửi đại biểu tự nghiên cứu.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng trong chất vấn nên quay lại việc gợi ý một số chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng trong chất vấn nên quay lại việc gợi ý một số chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời.

Đó là, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018; thực hiện kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội, kết quả kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017.

Vẫn trong danh sách tự nghiên cứu của đại biểu còn có báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước, báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chính phủ gửi đại biểu tự nghiên cứu các nội dung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước, kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2018.

Đáng chú ý là trong số các báo cáo từ Chính phủ còn có kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tại hội trường, trong 20 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Kỳ họp này, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thời gian chất vấn nên rút ngắn ít nhất nửa ngày, gói gọn trong hai ngày.

Ở kỳ họp thứ sáu - kỳ họp giữa nhiệm kỳ, việc đại biểu có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng nào, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, được cử tri đánh giá cao. Nhưng cách thức đó chỉ tiến hành một lần vào giữa nhiệm kỳ.

Lần trước chúng ta làm rất hay, nhưng nhiều bộ trưởng cũng tâm tư nói nếu cứ tiếp tục làm thế này, lần trước chúng tôi bị chất vấn, lần này lại tiếp tục để kiểm tra việc thực hiện lần trước. Vậy có những bộ trưởng chưa chất vấn thì hầu như không phải trả lời, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh và đề nghị quay lại như thông lệ là chọn danh sách cứng trả lời chất vấn.

Ngoài những nội dung trên, Trong xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. Gồm, Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ , nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

8 dự án luật được cho ý kiến lần đầu gồm, Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top