Aa

Báo chí là cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ

Chủ Nhật, 17/03/2019 - 06:01

Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Chiều 16/3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2019 tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ” với chủ đề Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, vấn đề phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.

Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình; để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động.

Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm báo chí. Báo chí, cộng đồng doanh nhân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong cải cách hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia Hiệp định CPTPP.

Với vai trò cầu nối, báo chí tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân; trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và phản biện những cách làm của chính các doanh nghiệp, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước.

Tại diễn đàn, nhiều nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khẳng định, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong kỷ nguyên CPTPP. Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới. Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển doanh nghiệp, thị trường và các mối quan hệ kinh tế trên thế giới. Đồng thời, tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho doanh nghiệp.

hoạt baoBên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP - sự đồng hành của báo chí, những đóng góp của báo chí trong vai trò là cầu nối doanh nghiệp với Chính phủ nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top