Aa

“Báo động đỏ” tiến độ dự án giao thông tại TP.HCM

Thứ Ba, 25/08/2020 - 13:30

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi UBND TP đăng ký cuộc họp để gỡ khó cho các dự án vướng mặt bằng.

“Lụt” tiến độ vì vướng mặt bằng

Trong công văn khẩn gửi lãnh đạo TP.HCM, Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM nêu rõ, hiện có nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố đã khởi công nhưng phải ngừng hoặc thi công cầm chừng do vướng mặt bằng. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trong khu vực dự án, không đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn lực...

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP.HCM hiện có đến gần 60 dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng. Trong số này, có 5 dự án giao thông trọng điểm đang trong tình trạng “báo động đỏ” về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được “điểm danh” trong Báo cáo của BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM.

Cụ thể, Dự án Xây dựng cầu Long Kiểng đã được UBND TP.HCM phê duyệt quyết định đầu tư gần 20 năm trước (tháng 5/2001) nhưng đến nay mới thi công được 52,6% khối lượng và đang phải “đắp chiếu” chờ giải phóng mặt bằng. Để gỡ vướng mắc, đầu tháng 7/2020, UBND huyện Nhà Bè đề xuất xây dựng kế hoạch vốn mua 53 nền đất để bố trí tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa. Đề xuất này đang chờ ý kiến của lãnh đạo TP.HCM.

Dự án tiếp theo là cầu Nam Lý (vốn đầu tư 857 tỷ đồng) được khởi công cách đây 3 năm, theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau 1 năm 6 tháng, cũng đang trong tình trạng đình đốn thi công, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 162 tỷ đồng (39%). Theo lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện kiểm kê từ năm 2012, song mới duyệt đơn giá T1. 

Vướng mắc là các hợp đồng mua bán đất trong khu vực Dự án có giá thấp, lượng giao dịch ít, nên khó xây dựng đơn giá bồi thường đất T2. Ban đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua và trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM phê duyệt đơn giá bồi thường đất để UBND quận 9 có cơ sở triển khai bồi thường cho người dân, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu.

Cầu Nam Lý đang trong tình trạng đình đốn thi công, mới thực hiện được khoảng 39% khối lượng. Ảnh: N.T
Cầu Nam Lý đang trong tình trạng đình đốn thi công, mới thực hiện được khoảng 39% khối lượng. Ảnh: N.T

Tình hình triển khai Dự án Cầu Tăng Long cũng không sáng hơn. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, nhưng đến nay, khối lượng thi công cầu Tăng Long chỉ đạt 30% và phải tạm dừng hơn 1 năm qua vì vướng 42 hộ dân chưa thể đền bù giải phóng mặt bằng. Do Dự án chưa được chấp nhận nền tái định cư (5 nền) và chưa thẩm định hệ số điều chỉnh giá bán nền tái định cư, nên Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM chưa thể thẩm định phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Thậm chí, Dự án Kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi (khởi công tháng 12/2018) mới thi công được khoảng 10%. Điểm nghẽn của dự án này là tới nay, UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa thể trình đơn giá bồi thường lên Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM, các sở chức năng và UBND TP.HCM chưa chốt được phương án sử dụng 214 nền đất tại Dự án Khu tái định cư số 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) để phục vụ tái định cư cho người dân bị giải tỏa.

Trong khi đó, Dự án Cải tạo, chỉnh trang công viên Gia Định dù hoàn thành đến 95% khối lượng, nhưng đã phải tạm ngưng 3 năm nay và chưa hẹn ngày về đích vì còn 12 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. Để gỡ khó, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tạm ứng vốn từ ngân sách để chi tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân…

Tìm giải pháp gỡ nút thắt

Có thể thấy, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại các dự án nêu trên có một phần nguyên nhân từ việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính chưa hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu của TP.HCM, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và UBND các quận, huyện. Bên cạnh đó, tình trạng người dân chưa đồng thuận với giá đền bù đến từ bất cập trong các phương án đền bù, quy trình “thiết đặt” giá đền bù...

Tại TP.HCM hiện có đến gần 60 Dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng. Trong số này, có 5 Dự án giao thông trọng điểm đang trong tình trạng “báo động đỏ”.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết, đền bù giải phóng mặt bằng luôn là trở ngại lớn nhất khi thực hiện triển khai các dự án.

“Thông thường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được bố trí chiếm tới 2/3 tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất là không thống nhất được mức giá đền bù giữa người dân có đất bị thu hồi và Nhà nước. Tâm lý đòi giá cao và càng kéo dài càng được giá cao của không ít hộ dân khiến tình hình khó khăn hơn”, lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM nói.

Vị lãnh đạo này cũng kỳ vọng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới, khi chính quyền TP.HCM quyệt liệt hơn, nhất là khi Chính phủ đã cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố (Nghị quyết số 27/NQ-CP).

Từ thực tế công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương, một lãnh đạo UBND quận tại TP.HCM (xin không nêu tên) chia sẻ, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng được giao cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận/huyện rất nặng nề và khó khăn. Quy trình thiết lập phương án bồi thường, xây dựng, phê duyệt giá đền bù còn rườm rà, nhiều khâu rất mất thời gian, trong khi giá đất trên thị trường biến động nhanh, khi chốt được giá đền bù thì giá thị trường tăng cao, nên người dân không đồng thuận. Vì vậy, cần có sự thay đổi căn bản trong khâu thủ tục đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thì mới hy vọng có chuyển biến lớn.

Được biết, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sẽ ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan để đảm bảo công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hy vọng, với những nỗ lực của địa phương, các dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ gỡ được nút thắt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top