Aa

Báo động ô nhiễm làng quê, ngộp thở vì mùi phân, thuốc BVTV

Thứ Hai, 20/08/2018 - 13:11

Do tập quán trồng trọt cùng với tình trạng sâu bệnh phát triển không ngừng, khiến nhiều nhà vườn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, hóa chất dẫn đến môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm…

Ngộp thở

Với cả trăm ngàn ha cây trồng, mỗi năm ước tính nông dân tỉnh Đồng Nai phải dùng một lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu rất lớn. Nhất là vào thời điểm cây ra hoa kết trái, ở những vùng trồng cam, quýt, bưởi, sầu riêng, xoài, ổi… không khí ngộp thở bởi mùi các loại phân, thuốc BVTV bốc lên.

Vườn cây trái sử dụng phân, thuốc quanh năm

Vườn cây trái sử dụng phân, thuốc quanh năm

Gặp chúng tôi, những người dân có nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, vườn cây ở huyện Thống Nhất cho hay, trước các dòng kênh mương hoặc vùng trồng lúa có rất nhiều cá, tôm, cua, ốc… chỉ cần ra đồng lội bắt một lúc đã đầy giỏ.

Ấy thế mà, bây giờ mò cả buổi chỉ về tay không. Lý do đồng ruộng, kênh mương bị nhiễm độc, dư lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu quá nặng thì con gì có thể sống nổi.

Anh Nguyễn Thanh Phước, một nông dân SX giỏi cấp quốc gia, ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tỏ ra lo lắng: “Khảo sát thực tế, những thửa ruộng, mảnh vườn thuộc loại ít phun xịt nhất thì tần suất phun thuốc BVTV cũng cả chục lần/năm, có những vườn chuyên canh phun xịt tới 20 lần/năm. Do vậy, sau nhiều năm “tắm” thuốc và phân hóa học, chất độc càng ngấm sâu vào đất, hủy diệt nhiều loài sinh vật”. 

Theo anh Phước, những năm trước vào đầu mùa mưa vùng này nấm mối rất nhiều, có khi tìm được cả ổ nấm trong vườn, nhưng gần đây ngày càng hiếm.

Có những người đi săn nấm mối từ đầu vụ đến nay chưa tìm được ổ nào. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu làm dịch bệnh phát triển ngày càng phức tạp. Để phòng trừ, nhà vườn càng phải phun xịt thuốc trừ sâu nhiều hơn mới hy vọng được thu hoạch.

Thực tế chỉ cần vào bất cứ vườn sầu riêng nào cũng có thể thấy những vỏ bao bì, chai thuốc còn chất thành ở góc vườn.

Ông Nguyễn Đức Trí, xã Xuân Tân, TX Long Khánh nói: “Mấy năm nay, sầu riêng rất dễ bị sâu bệnh, tôi phải phun thuốc trừ sâu, dưỡng trái hơn 10 lần/năm để phòng trị bệnh và giúp cây ra hoa kết trái tốt. Nếu không dùng thuốc sâu, thuốc ra hoa đậu trái thì năng suất rất thấp”.

Ghé thăm vườn bưởi da xanh nhà anh Đặng Tuấn Thành ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đúng lúc anh đang kéo dây phun thuốc phòng trị ruồi vàng, sâu vẽ bùa ăn hại lá non và sâu hồng hại trái…

Anh Thành bộc bạch: “Muốn bảo vệ vườn bưởi đỡ sâu bệnh hại thì không còn cách nào khác mình phải dùng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh hợp lý thì dư lượng thuốc tồn đọng ngày càng nhiều, dần dà gây nhiễm độc nặng cho cả cho người trồng và người tiêu dùng”.

Theo chân anh Thành ra vườn bưởi, chúng tôi có cảm giác ngạt mũi, khó thở vì mùi phân, mùi thuốc anh vừa bón, vừa phun.

Dù đây là vườn bưởi VietGAP kiểu mẫu có tiếng nhất nhì trong xã, nhưng cũng không thể tránh khỏi việc hàng tuần, hàng tháng anh dùng phân, thuốc hóa học phun xịt cho vườn cây.

"Bôi thực phân, thuốc" 

Đi thực tế các vùng trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi… tại các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) mới thấy lượng phân hóa học “đổ” xuống vườn cây rất lớn. Thậm chí, với những hộ đi thuê đất để trồng cây ăn trái thì họ càng tăng lượng phân hóa học để “đốt cháy giai đoạn” cho cây nhanh ra trái, đạt năng suất cao.

Nhà vườn phun xịt thuốc BVTV cho vườn cây

Nhà vườn phun xịt thuốc BVTV cho vườn cây

Dĩ nhiên ai cũng biết kiểu bón thúc, phun xịt thuốc vô tội vạ khiến vườn cây rất nhanh tàn lụi. Đất đai bị bạc màu và chai cằn, môi trường nông thôn bị ô nhiễm nặng nề.

Ông Nguyễn Thanh Liễu ở ấp 4, xã Hiếu Liêm nhớ lại: “Ngày xưa vùng đất này màu mỡ, giờ dân từ miền Tây lên thuê đất trồng cam, quýt họ bón các loại phân hóa học như đổ ra vườn. Do vậy, vòng đời của cây chỉ dăm bảy năm là tàn lụi rồi. Đã vậy, khi cây tàn, đất vườn bạc màu rất khó phục hồi”.

Theo ông Liễu, không chỉ là chuyện bón phân hóa học, vào mùa mưa vừa phun thuốc trừ sâu xong, nếu gặp mưa lớn thì thuốc có thể sẽ bị trôi hết, vì vậy, họ phải xịt lại là chuyện bình thường. Lượng thuốc đó ngoài phát tán mùi ra không khí thì khi gặp mưa còn bị rửa trôi ngấm vào đất hoặc tràn ra sông, suối.

Ông Đỗ Minh Phụng ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Muốn cây thanh long ruột đỏ cho 22 - 25 tấn trái/ha/năm thì sau mỗi lứa thu hoạch phải bổ sung phân bón 1 lần. Lượng phân hóa học dùng cho cây thanh long khoảng 3 - 4 tấn/ha/năm. Nếu chỉ bón phân hữu cơ, thanh long sẽ không cho trái như mong muốn. Vì vậy, việc dùng phân hóa học vẫn rất phổ biến".

Ghi nhận của chúng tôi, lượng phân, thuốc sử dụng trên một đơn vị diện tích (1ha) của một nhà vườn trồng bưởi ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, trong 1 năm gồm 96 lít Permecide (12 thùng phuy thuốc diệt côn trùng, phun 1 lần/tuần); 100 lít phân bón lá (gồm bo, dưỡng, vi lượng); 100 lít thuốc nấm (gồm ghẻ lá, thối trái, nấm hồng)… Với vườn thanh long hay sầu riêng thì nhà vườn sử dụng lượng phân, thuốc BVTV cũng khá nặng…

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Đồng Nai, hàng năm chi cục đều phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn khuyến cáo nông dân bón phân hóa học cân đối để hạn chế đất chai cằn, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lạm dụng phân hóa học.

Ông Huỳnh Thành Vinh, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra một số giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân áp dụng các biện pháp SX an toàn góp phần nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm và bảo vệ môi trường nông thôn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top