Theo quy hoạch, Dự án Khu công viên, thể thao cây xanh có quy mô gần 100ha, cuối năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã thực thiện thu hồi đất. Đến năm 2010, có 52,87ha đã thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại 43,83ha chưa bị thu hồi, người dân vẫn đang sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thu hồi xong, do chưa có vốn triển khai, hơn 50ha đất nói trên chưa được đưa vào xây dựng dự án.
Nhận thấy tình trạng bỏ hoang không sử dụng diện tích đất khá lớn như vậy là vô cùng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, không làm tăng thu cho ngân sách Nhà nước, UBND quận Hà Đông đã có các văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét chấp nhận giao cho quận Hà Đông tạm thời đưa vào khai thác sử dụng đất.
Tại Quyết định số 3641/UBND-KH&ĐT ngày 22/5/2015, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý, sử dụng, tạm khai thác đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Khu Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông. Mục tiêu nhằm phục vụ nhu cầu về hoạt đông thể dục thể thao, phù hợp với quy hoạch chung của dự án, khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất, chống lấn chiếm và phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Việc khai thác phải dựa trên nguyên tắc xây dựng các công trình tạm thời, bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…), không xây dựng công trình kiên cố, công trình cấp 4, 1 tầng. Đảm bảo quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Để khi Nhà nước có phương án tiếp tục triển khai dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông, các đơn vị sẽ nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho thành phố một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược lại gần như hoàn toàn. Một loạt kho bãi, ki-ốt, nhà hàng, trung tâm giao thương, nhà xưởng kiên cố đã mọc lên trên đất công viên, bên cạnh đó là sân bóng, bãi đô xe, sân golf hiện đại…, tạo ra khung cảnh nhếch nhác, lộn xộn.
Đáng nói, từ năm 2017, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm, sử dụng sai mục đích tại dự án này và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố. Tuy nhiên không thấy chính quyền xử lý dứt điểm, các công trình sai phạm vẫn thản nhiên tồn tại cho đến bây giờ.
Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông từng công bố, đơn giá cho thuê đất tại khu công viên Hà Đông được tính bằng giá thuê đất nông nghiệp khoảng 5.000 đồng/m2/năm. Mỗi năm, chi nhánh thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 tỷ đồng từ việc cho thuê 30ha đất tại khu công viên Hà Đông trong khi con số thực tế lẽ ra phải lớn hơn hàng chục lần. Theo tìm hiểu của phóng viên, để thuê được một mảnh đất rộng phục vụ cho việc kinh doanh một nhà hàng, doanh nghiệp đã phải bỏ ra nhiều tỷ đồng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp sau khi thuê mặt bằng đã tiếp tục xé lẻ cho nhiều đơn vị kinh doanh khác thuê lại để làm ki-ốt bán hàng, kho chứa hàng, gara sửa xe ô tô,… Và khi chủ những ki-ốt ở đây ngừng kinh doanh, họ tiếp tục cho thuê lại địa điểm với chi phí đã được đẩy lên cao hơn giá cũ.
Như vậy số tiền chênh lệch giữa 5.000 đồng cho thuê và mức giá thật mà các doanh nghiệp phải chi trả sẽ đi đâu? Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông, trung tâm chỉ kiểm soát các doanh nghiệp trực tiếp thuê, còn việc các doanh nghiệp này cho thuê lại giá bao nhiêu thì không thể kiểm soát được.
Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận vào ngày 19/3/2021 tại khu công viên này, thực trạng vẫn không khác gì so với những hình ảnh đã ghi nhận từ năm 2018, ngoài khung cảnh có phần nhếch nhác, lộn xộn hơn.
Loạt ki-ốt được xây dựng kiên cố chưa bị tháo dỡ.
Công trình được xây bằng vật liệu bên tông kiên cố nhưng dùng sơn giả gỗ để "che" sai phạm.
Người dân đang mòn mỏi chờ đợi khu đất “vàng” quy hoạch công viên thể thao cây xanh sớm thành hình để đáp ứng nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí nhưng có lẽ nhìn vào thực tại, những gì đang diễn ra trên khu đất này đang khiến cho việc đưa dự án vào thực tế vốn đã khó lại càng khó hơn! Nhất là khi, bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư xây dựng những nhà hàng, sân golf kiên cố thì rõ ràng người đầu tiên không mong muốn dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đi vào hoạt động chính là các doanh nghiệp. Và với tình trạng trên, bao giờ “bánh vẽ” công viên này được thành hình vẫn còn là câu hỏi bị bỏ ngỏ câu trả lời, cảnh đất công viên bị "xẻ thịt" không biết sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?!