Aa

Bão số 10 có khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh hơn?

Thứ Sáu, 15/09/2017 - 12:50

Thông thường, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh hơn trong điều kiện mưa lũ kéo dài, không khí ẩm ướt, sức đề kháng của người dân có phần suy giảm.

Mưa, lũ lụt xảy ra sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và cùng với rác, chất thải, chúng cuốn theo dòng nước, tràn ra khắp nơi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, cảm cúm và nước ăn chân, đau mắt đỏ… dễ xuất hiện và bùng phát vào thời điểm mưa lũ kéo dài.

 

Trong số các bệnh liên quan đến bão lũ, sốt xuất huyết có lẽ là bệnh khiến nhiều người lo nhất. Sau mưa bão, bệnh càng có nguy cơ bùng phát bởi môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện tốt cho muỗi phát sinh phát triển.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng thường xuyên đưa ra khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

Cục cũng khuyến cáo các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Ngoài nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết, sau mưa bão, một số các bệnh hay phát sinh:

Bệnh về da

Bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da.

Bệnh về mắt

Mưa bão kéo dài, bệnh đau mắt cũng có nguy cơ bùng phát do sử dụng nguồn nước bẩn. Vì vậy, người dân cần thường xuyên tắm và rửa mặt bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn để phòng bệnh đau mắt và bệnh ngoài da.

Bệnh đường tiêu hóa

Tiếp theo là các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, Giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top