Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam

Thứ Tư, 05/06/2024 - 06:20

Một tác giả nước ngoài có một nhận xét rất chí lý: "Điều đáng ngạc nhiên nhất về con người, là người ta ráng mau thành người lớn, để rồi lại mong được trở lại thời thơ ấu; người ta phí sức khỏe kiếm tiền, để rồi dùng chính số tiền đó phục hồi sức khỏe; và người ta sống như thể họ sẽ không bao giờ chết, để rồi lại chết như thể họ chưa bao giờ sống thực sự có ý nghĩa".

Hình như người ta cũng đang ứng xử với đô thị Việt Nam như thế, bằng cách phá hỏng những gì mình đang có, bao gồm công trình di sản, thiên nhiên trong lành, công viên xanh... để hướng đến lợi nhuận. Nhưng rồi một ngày kia, có lẽ họ sẽ lại phải trả giá đắt gấp nhiều lần cho việc phục hồi chúng.

Do đó, để không rơi vào vòng luẩn quẩn, chúng ta cần xác định những gì quý báu mà tiền nhân đã để lại để cùng nhau gìn giữ và góp phần làm tăng giá trị của chúng. Xin chia sẻ dưới đây một số suy nghĩ về những điều tuy đơn giản nhưng lại rất quan trọng trên con đường phát triển bền vững, như quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, văn hóa, lịch sử, xã hội... của đô thị Việt Nam ngày nay và trong tương lai.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 1.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét các vấn đề này thông qua những yếu tố cấu thành đô thị, đặt trong sự tiếp nối truyền thống và hiện đại, sợi dây gắn kết với môi trường và cư dân.

Trung tâm lịch sử

Trừ ngoại lệ Hội An và Huế, còn lại hầu hết quy hoạch trung tâm các đô thị Việt Nam hiện nay chỉ nêu hai thành phần là trung tâm hiện hữu mở rộng và trung tâm mới. Thành phần thứ ba, trung tâm lịch sử, ít được quan tâm; tuy nhiên, đây lại là thành phần quan trọng cần được chính thức đưa vào công tác quy hoạch và quản lý các đô thị Việt Nam trước khi quá muộn. Trong chu vi trung tâm lịch sử, người dân sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt khi bảo tồn hoặc cải tạo theo hướng dẫn. Người ta thường sai lầm khi cho rằng bảo tồn không đem lại lợi ích kinh tế. Nhưng kinh nghiệm thực tế tại các nước lại cho thấy, ngoài ý nghĩa văn hóa xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch thương mại thường rất cao khi có chiến lược bảo tồn đúng đắn.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 2.

Quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu trung tâm lịch sử Huế: (1) Bảo tồn Kinh thành Huế - khu trung tâm di sản thế kỷ 19; (2) Bảo tồn và chỉnh trang Khu Trung tâm hiện hữu Phố Pháp – khu trung tâm di sản thế kỷ 20; và (3) Phát triển Trung tâm Khu A - ĐTM An Vân Dương thành trung tâm hành chính và kinh tế xã hội mới của TP. Huế trong thế kỷ 21. (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

Khu Bảo tồn thiên nhiên trong trung tâm thành phố

Việc dành một khu bảo tồn thiên nhiên ở khu vực trung tâm đô thị đóng một vai trò rất quan trọng đối với quy hoạch đô thị, nhưng lại thường ít được xem trọng trong các đồ án quy hoạch ở Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên có thể tổ chức như một công viên mở, cung ứng thêm không gian xanh, giúp cân bằng hệ sinh thái đô thị, gia tăng diện tích đất thẩm thấu và kênh rạch, tăng cường khả năng thoát nước. Hầu hết các đô thị lớn và tiên tiến trên thế giới đều có khu bảo tồn như vậy, như khu Central Park ở New York, khu Côtes des Neiges ở Montréal, khu Presidio và Golden Gate Park ở San Francisco, và khu Common tại Boston.

Các Khu giao lưu quốc tế

Các khu vực giao lưu quốc tế mới đang dần hình thành tại các đô thị Việt giúp cho cuộc sống đô thị trở nên phong phú hơn. Tại TP.HCM ngày nay, bên cạnh khu phố Tàu Chợ Lớn, người ta có thể nhận biết sự hình thành các khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung, khu phố Hàn gần sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Mỹ Hưng, khu phố Tây tại đường Phạm Ngũ Lão. Nếu được quan tâm hỗ trợ về mặt kinh tế, xã hội cũng như được hướng dẫn về mặt quy hoạch kiến trúc và quản lý phù hợp, các khu giao lưu quốc tế này có thể trở thành những khu vực năng động, giàu bản sắc, là sân chơi trao đổi kinh nghiệm giao tiếp quốc tế cho giới trẻ, đồng thời là khu giao dịch văn hoá và thương mại của các doanh nghiệp Việt với các nước (có thể hoạt động 24h) trong thời kỳ toàn cầu hoá hiện nay.

Không gian xanh

Không gian xanh của đô thị Việt nên được tổ chức sao cho dù sống ở nơi nào trong thành phố, người dân đều có thể đến một không gian xanh (công viên, vườn hoa, bờ sông, khu bảo tồn thiên nhiên…) trong khoảng cách đi bộ tối đa 15 phút. Các không gian xanh này còn cần được kết nối liên hoàn qua hệ thống sông ngòi, hồ nước, các đại lộ xanh, các tuyến đi bộ và đường xe đạp. Sự kết nối này không những cung ứng thêm một giải pháp giao thông xanh, mà còn tạo ra những kênh dẫn gió giúp giải nhiệt cho thành phố.

Khi Trung tâm lịch sử được hình thành tại các đô thị, giải pháp chuyển tiếp không gian hiệu quả nhất thường là các không gian xanh đệm giữa ranh giới khu vực phố cổ và khu vực xây dựng hiện đại.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 3.

Đề xuất quy hoạch kết nối khu trung tâm hai bờ Đông Tây sông Sài Gòn của TP.HCM, với Khu Trung tâm Lịch sử ưu tiên cho bảo tồn, và Khu Tam Giác Lõi Trung tâm Cao tầng hai bên bờ sông là nơi ưu tiên phát triển cao tầng hiện đại. (Nguồn: NgoViet Architect & Planners).

Sông, hồ, kênh rạch

Đây là những thành phần không thể thiếu trong đô thị Việt Nam. Hình ảnh thân thương gần gũi nhất với người Việt là cây đa, bến nước. Ngày nay, công viên bờ sông là nơi mọi người cùng tập thể dục mỗi sáng, chợ nổi miền Tây là nơi giao thương, hò Huế trên thuyền, pháo bông lễ hội phản chiếu qua mặt nước... đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Sông, hồ, kênh rạch còn mang chức năng giải nhiệt cho thành phố và thoát nước cho đô thị.

Bóng mát đô thị

Khái niệm thiết kế bóng mát đô thị còn rất mới tại Việt Nam, nhưng đây là một nhu cầu có thực và có thể đem lại bản sắc riêng cho đô thị. Mùa hè tại Việt Nam rất nóng, nhưng đứng trong bóng râm thì thấy dễ chịu ngay. Có nhiều cách để tạo bóng mát đô thị như trồng cây rễ sâu tán rộng cho đường đi bộ, thiết kế lề đường có mái che cho khu dịch vụ thương mại, bố trí nhà cao tầng giúp tạo bóng mát đô thị (nhưng vẫn đảm bảo số giờ nắng chiếu tối thiểu vì vệ sinh môi trường), hay tạo các lối đi công cộng có mái xuyên qua ô phố hoặc công trình.

Chợ và siêu thị

Siêu thị bắt đầu được xây dựng hàng loạt tại Việt Nam trong vài thập niên sau đổi mới, làm phong phú thêm cho sinh hoạt buôn bán và ăn uống tại các đô thị Việt Nam. Tuy vậy, chợ vẫn rất quan trọng vì nó không những phục vụ tốt cho đời sống kinh tế và sinh hoạt của người dân theo cách khác với siêu thị, mà còn thường xuyên là điểm đến quan trọng của khách du lịch, cả trong nước và quốc tế. Các ngôi chợ gắn bó với lịch sử phát triển thành phố, điển hình là chợ Bến Thành tại TP.HCM và Chợ Đầm ở Nha Trang, được coi là biểu tượng của thành phố, thì chỉ nên cải tạo và nâng cấp hạ tầng, chứ không bao giờ nên nghĩ đến việc phá bỏ để xây siêu thị, như đã có ý kiến từng đề xuất.

Nhà phố

Hầu hết các đô thị trên thế giới đều có nhà phố, nhưng nhà phố Việt Nam là một trong những yếu tố thu hút du lịch quốc tế, vì nó mang bản sắc riêng và gắn với nếp sống sinh hoạt của người dân hơn các nơi khác. Vì vậy, kể cả khi nước ta giàu có và đông dân hơn, nhà phố vẫn nên được nghiên cứu để tiếp tục xây dựng, nhưng có thể sẽ không theo cách cũ. Thử thách lớn cho các nhà chuyên môn là làm sao xác định được định hướng tốt nhất cho việc bảo tồn và cải tạo lại những khu phố cũ, và làm sao đưa ra các giải pháp cho những khu phố mới, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân và với xu hướng đô thị văn minh hiện đại.

Đường ô tô cao tốc

 Đường ô tô cao tốc không những kết nối các đô thị, mà còn tác động đến bản sắc đô thị vì nhiều lý do: Người dân sẽ sẵn sàng rời trung tâm để đến vùng ngoại ô do kết nối giao thông thuận lợi qua đường cao tốc; nhờ vậy sẽ giảm tải cho nội đô và trung tâm lịch sử được cứu vãn. Xe tải nặng sẽ không còn được phép đi xuyên thành phố mà phải đi vòng qua xa lộ vành đai, do đó sẽ giảm ô nhiễm tiếng ồn và bụi khói. Giao thông đô thị sẽ thông thoáng hơn vì vừa tránh được giao thông chồng chéo qua khu trung tâm, vừa khuyến khích người dân đi vòng, tuy xa hơn nhưng tiết kiệm thời gian vì tránh được kẹt xe.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 4.

Sinh hoạt cộng đồng

Sinh hoạt cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống đô thị Việt. Đó là những cộng đồng trong khu làng nghề 36 phố phường Hà Nội, trong các con ngõ mà mọi người đều biết nhau, trong khu phố mà người dân gặp nhau hằng tuần tại chùa hoặc nhà thờ, hoặc tại các trường học mà con cái của họ cùng học với nhau.

Đa số các khu đô thị mới ngày nay coi nhẹ công trình phục vụ cộng đồng, và chỉ ưu tiên cho diện tích ở để tăng lợi nhuận. Nhưng dần dần, nhà đầu tư sẽ nhận ra lợi ích đầu tư cho cơ sở phục vụ cộng đồng sẽ làm cho dự án địa ốc thu hút hơn, bởi khi mức sống cao hơn, cư dân sẽ đề cao các tiện ích xã hội kèm theo (như gần trường, chợ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, bệnh viện, công viên).

Để có thể quán triệt những nội dung trên trong quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị, rất cần thiết xây dựng một văn hóa bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 5.

Qua kinh nghiệm thực tiễn nhiều thập niên cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các dự án đô thị của các nước trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam, chúng tôi đi đến kết luận rằng, để xây dựng văn hóa bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị bền vững (có thể gọi tắt là Văn hóa đô thị bền vững), chúng ta cần xây dựng đô thị bền vững trên nền tảng 10 yếu tố văn hóa thành phần, đúc kết thành 10 nguyên lý quan trọng, mà các chữ cái đầu tiên tạo thành cụm từ CITY DESIGN (Thiết kế Đô thị).

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 6.

Nguyên lý C – Communication – Văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều

Khi đô thị phát triển, thành phố quy tụ cư dân từ khắp mọi miền đất nước và từ nước ngoài, khác nhau từ phong tục tập quán, cách nghĩ, cho đến cách sống. Do vậy, để kết nối họ lại với nhau, cần hướng đến việc xây dựng văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều.

Hiểu theo nghĩa rộng, đó là việc cung cấp các thông tin cần thiết và đáng tin cậy, là giao tiếp hiệu quả với nhau để làm rõ các nhu cầu và mục tiêu chung của nhau, cũng là giáo dục văn hóa giao tiếp để có thể cởi mở với nhau, hiểu rõ nhau. Trong đó, việc biết thu thập đủ thông tin xác thực trước khi suy xét, và việc biết tôn trọng sự khác biệt của nhau để cùng hợp tác tốt, là hai kỹ năng mềm rất quan trọng.

Câu chuyện về kiến nghị Bảo tồn Dinh Thượng Thơ (TP.HCM) là minh chứng sống động cho việc ứng dụng nguyên lý này. Thông qua các bài báo, các cuộc hội thảo, các cuộc trao đổi... đã giúp cho mọi người đồng thuận với nhau về giá trị của công trình di sản này, dẫn đến sự lắng nghe tiếp thu nghiêm túc của các nhà lãnh đạo thành phố.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 7.

Nguyên lý I - Interdisciplinary - Văn hóa hợp tác đa ngành

Việc xây dựng văn hóa hợp tác đa ngành là một thử thách rất lớn trong quy hoạch và quản lý đô thị. Bởi vì đến nay, cơ cấu quản lý đô thị trên toàn quốc vẫn mang nặng xu hướng đơn ngành, thiếu tư duy liên kết hợp tác. Và chính việc quản lý đô thị theo tư duy đơn ngành đang làm cho địa phương bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn.

Ví dụ, hầu hết các dự án hạ tầng giao thông trong nước hiện nay chủ yếu do Sở Giao thông Vận tải thực hiện, nên chỉ có thể tự giới hạn trong khả năng hạn chế của ngân sách được cấp. Nhưng nếu biết áp dụng văn hóa hợp tác đa ngành trong việc phối hợp nhịp nhàng giữa đề xuất của Sở Giao thông Vận tải với các đề xuất liên quan của các sở ngành khác, thì chúng ta có thể phát triển hạ tầng đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Thông qua các giải pháp đa ngành để quy hoạch một quỹ đất đô thị 2 bên đường, rộng từ 50-200m hoặc hơn, tính từ vị trí mặt đường tuyến giao thông mới để có kế hoạch thu hồi (thông qua đền bù giải tỏa lúc chưa làm hạ tầng) và đấu giá khu đất với giá trị tăng thêm tương ứng khi đã có hạ tầng. Mô hình này vừa tạo nguồn thu ngân sách chi trả hoàn toàn chi phí đầu tư hạ tầng, vừa tạo nên một tuyến đô thị mới khang trang, hiện đại, có thiết kế đô thị phù hợp. Phát triển đô thị theo mô hình TOD chắc chắc sẽ là một chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, giúp giảm mạnh nguy cơ kẹt xe và ngập lụt cho các đô thị Việt Nam trong các thập niên tới.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 8.

Bản đồ Quy hoạch Chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, và các khu đô thị của TP. Đà Nẵng theo mô hình TOD (Nguồn: MooreUrban Design và NgoViet Architects & Planners)

Nguyên lý T - Teamwork - Văn hóa liên kết cộng đồng

Việc xây dựng văn hóa liên kết cộng đồng hướng đến mục tiêu kết nối các thành viên cùng chia sẻ các mối quan tâm, để cùng nhau hợp tác nhóm, nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng. Trong đó cần lưu ý ba trọng điểm: Thứ nhất, quy hoạch không gian cộng đồng cần đáp ứng nhu cầu sống và làm việc phù hợp với phong tục tập quán đặc trưng của người dân trong cộng đồng, từ đó tạo nên bản sắc khác biệt về không gian quy hoạch kiến trúc, so với những cộng đồng khác.

Thứ hai, các quy hoạch cần có tầm nhìn xa và dài hạn, gắn kết với tầm nhìn vượt ra ngoài ranh giới của dự án, để tránh việc vì lợi ích cục bộ của cộng đồng nhỏ địa phương, mà xâm phạm lợi ích chung toàn bộ cộng đồng mở rộng.

Thứ ba, việc quy hoạch trên nền tảng xây dựng văn hóa liên kết cộng đồng có thể mở ra cơ hội tạo lập nhiều khu đô thị mang bản sắc độc đáo của thế kỷ 21, ví dụ như mô hình khu đô thị sức khỏe, là mô hình quy hoạch cộng đồng (Community Planning) giúp hình thành các khu vực dân cư được quản lý tốt về mặt chăm sóc y tế, trở thành các khu vực trọng điểm có thể ứng cứu tiếp nhận trong trường hợp số bệnh nhân tăng nhanh đột biến trên toàn thành phố (như đại dịch Covid vừa qua).

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 9.

Sơ đồ không gian sống đa dạng của các khu đô thị Cũ và Mới của Đà Nẵng, bổ sung cho nhau theo cân bằng Âm Dương (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

Nguyên lý Y - Yin Yang - Văn hóa cân bằng lợi ích hài hòa âm dương

Thời gian qua, đô thị Việt Nam phát triển với tốc độ chưa từng có; nhưng đồng thời, các hệ lụy của phát triển kém bền vững như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường cũng tăng nhanh. Đó là sự trả giá do quá thiên về lợi ích vật chất, mà coi nhẹ lợi ích tinh thần và môi trường sống.

Để chữa lành cho các vấn đề đô thị này, cần phải quy hoạch lại và quản lý đô thị với sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, theo tư duy Văn hóa cân bằng lợi ích theo nguyên tắc hài hòa âm dương. Ví dụ: Bảo tồn di sản đô thị Huế (âm), song song với việc quy hoạch mở rộng thêm những khu đô thị mới (dương) tại An Vân Dương, Phú Bài và Chân Mây – Lăng Cô, để tăng tiềm lực kinh tế...

Nguyên lý D - Direction - Văn hóa quản lý có định hướng chiến lược và kế hoạch khả thi

Để phát triển đô thị theo hướng bền vững, các địa phương cần xác định chiến lược quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên và các đặc trưng kinh tế xã hội, đem lại bản sắc riêng cho mình. Tiếp theo, cần chuẩn bị nền tảng pháp lý, với những điều luật và hướng dẫn cần thiết, để tạo thuận lợi cho việc hiện thực hóa quy hoạch, trên nền tảng nhất quán về tư duy và triết lý phát triển, giúp tăng sự đồng thuận và tính khả thi của việc thực hiện quy hoạch.

Muốn vậy, việc thực hiện các chiến lược phát triển không thể duy ý chí, mà phải dựa trên các kế hoạch thực hiện khả thi, được lập nên từ nhu cầu thực tế của thị trường và của người dân, thì mới đạt được tính khả thi cao. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mọi quyết sách đều phải dựa trên việc cải tổ nền tảng pháp lý sao cho vừa phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, thì mới thu hút được sự đóng góp hữu hiệu về nhân lực, trí lực và tài lực cả trong nước lẫn nước ngoài.

Nguyên lý E – Environment – Văn hóa môi trường gắn với trách nhiệm xã hội

Phát triển đô thị của Việt Nam đang tăng nhanh về "lượng", cụ thể là diện tích sàn xây dựng và dân số; nhưng điều này cũng đi kèm với việc nguy cơ giảm về "chất", cụ thể là chất lượng môi trường. Có thể nói, việc xây dựng văn hóa môi trường cho mọi người dân là rất cấp bách trong bối cảnh những hệ lụy cực đoan về môi trường gia tăng. Cần xây dựng văn hóa môi trường, sao cho mọi người, dù ở cương vị nào, đều có ý thức thể hiện "trách nhiệm xã hội" của bản thân đối với cộng đồng.

Nhà quản lý cần vạch rõ giới hạn của việc ưu tiên cho phát triển, luôn đi kèm với sự đảm bảo tác động môi trường của dự án thấp hơn giới hạn cho phép, và đảm bảo không xâm phạm các khu vực cần được bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần biết kiềm chế lòng tham cá nhân để không làm những dự án xâm hại đến giá trị môi trường và giá trị văn hóa lịch sử của cả khu vực đô thị di sản, như trong câu chuyện bê tông hóa đô thị tại Đà Lạt.

Người dân cần hiểu tầm quan trọng đối với vấn đề chung tay với các nhà lãnh đạo địa phương giữ gìn, hồi phục giá trị môi trường sống trong lành cho bản thân và thế hệ tương lai.

Nguyên lý S – Sense of Place – Văn hóa bảo tồn và phát triển bản sắc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các đô thị ngày càng có xu hướng rập khuôn nhau, mất dần bản sắc, thì 63 tỉnh thành Việt Nam với địa hình phong phú, cùng 850 đô thị lớn nhỏ trên cả nước, đều cần có ý thức xây dựng nền văn hóa bản sắc để phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo riêng của địa phương mình.

Bản sắc đô thị là sự tổng hợp một cách hài hòa các giá trị vật thể và giá trị phi vật thể, thông qua bảy yếu tố thành phần là (1) Không gian; (2) Môi trường; (3) Thời gian; (4) Con người; (5) Hoạt động; (6) Hạ tầng; (7) Quản lý, để đem lại cho đô thị những giá trị đặc sắc, làm cho nó trở nên khác biệt so với những đô thị khác. Trong đó, chính tỷ lệ ưu tiên của yếu tố này so với các yếu tố khác trong đô thị, sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng bản sắc đặc trưng, tạo sự khác biệt với các đô thị khác.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 10.

Sơ đồ các yếu tố tạo lập bản sắc đô thị (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn)

Nguyên lý I - Intelligence & Integration & International - Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh, và hội nhập quốc tế

Trong thời đại của công nghệ thông tin, đô thị cần hòa mình vào mạng thông tin kết nối toàn cầu, trong đó việc quản lý đô thị cần được đổi mới tư duy theo Văn hóa khoa học và công nghệ thông minh (Intelligence), hội nhập (Integration) và tham khảo kinh nghiệm quốc tế (International) của các nước tiên tiến.

Đầu tiên, các vấn đề đô thị cần được nghiên cứu sâu sắc với tư duy khoa học, có phương pháp luận chặt chẽ, trên cơ sở nghiên cứu đa ngành, trước khi chọn ra giải pháp. Thứ hai, trong bối cảnh hầu hết các tỉnh thành đều quan tâm phát triển đô thị thông minh, chúng ta cần sáng suốt cải tổ phương thức quản lý đô thị trước một bước, chuẩn bị hệ sinh thái phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả. Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ trong chuẩn hóa quy hoạch và kiến trúc xanh theo tiêu chí LEED (Mỹ), BREEAM (Anh), hoặc LOTUS (Việt Nam), và việc áp dụng công nghệ tiên tiến (GIS, WaterRide, GeoWeb)... là các công cụ công nghệ hữu hiệu, được cập nhật thường xuyên ở tầm quốc gia và quốc tế, giúp cho các sở và ban ngành có thể hợp tác đa ngành hiệu quả hơn. Từ đó giúp quản lý xây dựng các đô thị bền vững hơn, và chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với ô nhiễm môi trường, các nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 11.

Quy hoạch Tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (Nguồn: NgoViet Architects & Planners và Sụnjin)

Nguyên lý G – Growth – Văn hóa tầm nhìn trăm năm

Hiện nay, quy hoạch các tỉnh thành trên toàn quốc chủ yếu được dựa trên tầm nhìn 5 năm, đến xa nhất là 30 - 50 năm. Nhưng trước tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam nhanh thuộc vào hàng đầu thế giới, nhất là tại các đô thị lớn, chúng ta rất cần đặt ra yêu cầu phải có tầm nhìn quy hoạch chiến lược trăm năm hoặc xa hơn nữa, để có thể tạo ra một hệ khung phát triển tốt hơn cho tương lai. Không phải tự nhiên mà nhiều khu đô thị quan trọng của Việt Nam (tại Hà Nội, Huế, TP.HCM, Đà Lạt...) được người Pháp quy hoạch hơn trăm năm trước, nhưng cho đến nay vẫn có thể nâng cấp để dung chứa thêm việc mở rộng phát triển với quy mô lớn hơn vài chục lần so với kế hoạch ban đầu.

Khi có thể đặt tầm nhìn trăm năm cho định hướng chiến lược dài hạn của các tỉnh thành, chúng ta có thể nâng tầm tương lai đô thị, có thể chuẩn bị tốt hơn cho tiềm năng phát triển bền vững, để cho thế hệ mai sau không phải trả giá cho những sai lầm chiến lược do tầm nhìn hạn hẹp.

Khi có thể đặt tầm nhìn trăm năm cho định hướng chiến lược dài hạn của các tỉnh thành, chúng ta có thể nâng tầm tương lai đô thị, có thể chuẩn bị tốt hơn cho tiềm năng phát triển bền vững, để cho thế hệ mai sau không phải trả giá cho những sai lầm chiến lược do tầm nhìn hạn hẹp.
TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Nguyên lý N – Network – Văn hóa liên kết vùng

Ngày nay, sự cạnh tranh đô thị trên toàn thế giới không còn là giữa những đô thị đơn lẻ, mà là giữa các vùng đô thị, vì có tiềm lực mạnh và tác động lớn lên phát triển quốc gia. Nguyên tắc đoàn kết bó đũa cần được đưa vào; trong đó các nhóm tỉnh thành cùng chia sẻ lợi ích chung, cần có sự đồng thuận trong việc khai triển quy hoạch theo hướng kết nối vùng đô thị, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình hợp tác vùng về mặt kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch và dịch vụ thương mại.

"Mạng lưới" cần được hiểu theo nghĩa thoáng, có thể là mạng lưới các trung tâm di sản miền Trung, mạng lưới Vùng đô thị TP.HCM, mạng lưới Logistics Đông Nam Bộ, mạng lưới đô thị biển quốc gia, hoặc mạng lưới đô thị trên hành lang kinh tế xuyên Á, mạng lưới Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC...

Khi có thể nhìn rộng hơn ranh giới đồ án quy hoạch, để tính đến liên kết hợp tác cùng phát triển với khu vực xung quanh, và xa hơn là liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận, chúng ta có thể thay đổi tương lai, thay đổi những tình huống bế tắc kéo dài nhiều thập niên của cả một khu vực rất rộng lớn, như đề xuất mới cho quy hoạch Vịnh Vân Phong, trong tương quan kết nối hợp tác vùng về phía Nam, và về phía Bắc với tỉnh Phú Yên.

Với tầm nhìn liên kết vùng, khi đặt vấn đề phát triển kinh tế biển cho TP.HCM, các nhà quy hoạch không còn bận tâm tới đề xuất cần phải xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế lớn hơn cho TP.HCM để cạnh tranh với cảng Thị Vải Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), mà quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng giao thông chiến lược (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) để kết nối mạng lưới các hạ tầng trọng điểm quan trọng trong vùng đô thị, bao gồm các cảng sông và cảng biển trên toàn vùng...

Bảo tồn, chỉnh trang, và xây dựng không gian sống bền vững cho đô thị Việt Nam- Ảnh 12.

Định hướng quy hoạch theo hai cánh cung bọc quanh Vùng Vịnh Gành Rái – Cần Giờ. (Ảnh: TLTG).

=========================

Tóm lại, đô thị hóa là xu thế phát triển của thế giới ngày nay. Mức độ đô thị hóa trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 60%, trong đó một số nơi như Singapore và Hong Kong, đã có 100% dân số sống trong đô thị. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện nay đã đạt trên 40% và đang trên đà tăng. Do đó, việc bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển đô thị theo hướng bền vững là tiêu chí quan trọng hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xây dựng được một nền văn hóa đô thị bền vững, sao cho mọi tầng lớp người dân đều hiểu được vai trò đóng góp và trách nhiệm xã hội của mình trong việc giữ gìn và phát triển các giá trị bền vững hướng đến lợi ích chung cho toàn xã hội, để huy động được sự đồng lòng và cùng tham gia hợp tác của tất cả mọi người.

Bên cạnh việc quan tâm phát huy giá trị các yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của đô thị Việt Nam, việc ứng dụng 10 Nguyên lý văn hóa bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị bền vững CITY DESIGN vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị tại Việt Nam có thể giúp nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc cho mọi người dân theo hai hướng thực tiễn:

Đầu tiên, việc cố vấn quy hoạch kiến trúc cho xã hội, bao gồm từ cấp cao nhất là các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương, cho đến "cấp thấp nhất" là những người dân bình thường, cần đặt trên bốn nền tảng: Thứ nhất, phải tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, từ nhiều góc nhìn đa ngành khác nhau, phân tích tổng hợp các vấn đề đô thị, từ hiện trạng cho đến nhu cầu, và các giải pháp khả thi, phù hợp cho nhiều đối tượng có liên quan về lợi ích (stakeholders)... Thứ hai, phải phân tích tổng hợp và đánh giá vấn đề nghiên cứu theo tư duy khoa học. Thứ ba, phải đặt lợi ích chung và bền vững của đại đa số người dân lên hàng đầu. Thứ tư, phải diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, đơn giản sao cho ai cũng có thể hiểu được.

Tiếp theo, việc phổ cập hóa các kiến thức chuyên ngành quan trọng về quy hoạch kiến trúc là một công tác cần thiết, không chỉ giúp cho các nhà quản lý đô thị mà còn giúp cho cộng đồng hiểu rõ vấn đề. Như vậy, cộng đồng mới có thể cùng nhau chung tay thực hiện, thậm chí cùng nhau lên tiếng yêu cầu những điều cần phải làm để gửi đến các nhà quản lý đô thị./.

TSKH.KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, là một kiến trúc sư và nhà quy hoạch có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, và nghiên cứu & giảng dạy tại các nước Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia, …

Ông là thành viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam VAA (Ban Chấp hành), Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam VUPDA, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam VGBC (Ban Cố vấn), Viện Kiến trúc Mỹ AIA, Hội Quy hoạch Mỹ APA, và Hội Văn hóa Kiến trúc Cảnh quan Á Châu ACLA (Ban Chấp hành).

Ông tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Khoa học về tại Đại Học Washington, và văn bằng Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

Ông sống và làm việc tại Việt Nam, Mỹ, và Canada, ông nói và viết thành thạo hai sinh ngữ Pháp và Anh.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top