Aa

Bảo trì đường bộ: Tăng vốn có tăng chất lượng bảo trì?

Thứ Sáu, 27/11/2020 - 11:33

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ, giai đoạn 2021 - 2025, tăng thêm 10%/năm so với năm 2020 cho công tác bảo trì đường bộ.

Thoạt nghe, có vẻ như đề xuất của Bộ GTVT khá hợp lý. Bởi công tác bảo trì đường bộ hàng năm có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng hạ tầng, hạn chế tai nạn giao thông. Thực tế cho thấy, không ít tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp không được bảo trì, sửa chữa kịp thời đã trở thành những “điểm đen” về tai nạn giao thông. 

Với việc vốn được cấp chỉ đáp ứng 40% nhu cầu thực tế, đương nhiên công tác bảo trì đường sẽ khó có thể đạt yêu cầu. Phải chăng đây chính là lý do nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông trong thời gian qua vẫn liên tục xuất hiện?

Thế nhưng có một thực tế mà chúng ta cần nhận diện và chia sẻ, đó là ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn. Đây là câu chuyện tồn tại trong rất nhiều năm qua chứ không phải đến tận bây giờ mới có. Trong hoàn cảnh đó, khi bố trí nguồn vốn sự nghiệp về các cơ quan, đơn vị, Chính phủ đã phải tính toán, phải “lựa cơm gắp mắm” rất kỹ lưỡng để có sự phân bổ hợp lý. 

Bởi thế, 8.000 tỷ đồng cho 40% nhu cầu cho công tác bảo trì quốc lộ hàng năm là phù hợp. Từ trước đến nay, giao thông luôn là một trong lĩnh vực nhận được sự ưu tiên hàng đầu từ ngân sách. Đây cũng là lĩnh vực đang sở hữu nhiều “siêu dự án” đã, đang và sắp triển khai. 

Sự thất bại của mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã khiến nhiều dự án giao thông phải chuyển sang đầu tư công, điển hình nhất là “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam. Điều này càng khiến ngành giao thông trở thành nơi “hút” vốn ngân sách lớn. Trong khi đó, việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ hiện nay cũng còn bất cập. 

Ảnh minh họa

Kết luận mới nhất của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017 - 2018 đã chỉ ra hàng loạt vấn đề. Một trong những vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra gây bất ngờ nhất chính là việc, dù nguồn vốn cho quỹ bảo trì thiếu nhưng lại dư chi nhiều. 

Lỗi này xuất hiện ở chính các đơn vị có số chi bảo trì lớn, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc giao dự toán chậm hoặc không sát thực tế, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, cuối năm kinh phí dư tương đối lớn, nhưng không thể chuyển sang nhiệm vụ chi năm sau. Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa chuyên nghiệp.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, vấn đề lớn nhất của công tác bảo trì đường chưa hẳn đã nằm ở việc thiếu vốn mà chính là năng lực của đơn vị đang nắm và sử dụng nguồn vốn đó. 

Đề xuất tăng 10% vốn cho công tác bảo trì tương đương với 800 tỷ đồng không phải là số tiền quá lớn nhưng câu chuyện không nằm ở tương quan nhiều - ít, mà chính là vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp. Liệu với 800 tỷ đồng, Bộ GTVT có đảm bảo được công tác bảo trì sẽ tốt hơn so với năm 2020 hay không?


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top