Cố định chắc chắn mọi đồ nội thất có trọng lượng lớn với tường
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ, có gần 475 trẻ em đã qua đời vì bị đồ đạc trong nhà đổ sập lên người từ năm 2000 đến năm 2019. Trong đó phần lớn là các bé dưới 6 tuổi.
Cũng chính vì thế mà Tiến sĩ Meghan Martin, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện nhi Johns Hopkins All cho biết: “Các ông bố bà mẹ phải tìm cách để có thể gia cố các đồ nội thất với tường một cách chắc chắn như sử dụng giá đỡ, móc gài,… Chúng sẽ ngăn không cho những chiếc tủ, bàn, ti vi… đè lên con bạn khi các bé vô tình vấp phải hoặc đang tìm cách để trèo lên trên”.
Bên cạnh đó, đã có không ít trường hợp một số món đồ trang trí treo trên tường rơi trúng các bé khi đang chơi như gương, tranh vẽ nghệ thuật, khung ảnh… Vì thế, nếu trong nhà có trẻ con, tốt nhất là bạn chỉ nên lựa chọn những thứ có trọng lượng nhẹ, được làm từ vật liệu an toàn, ít gây tổn thương và tốt nhất là đặt chúng ở nơi mà các bé không thể va vào hoặc với tới.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý với những món đồ mà khách đưa đến. “Chúng ta không thể nào biết được trong túi của bạn bè, người thân… đựng những gì khi họ đến nhà. Đó có thể là thuốc hay thậm chí là dao, kéo. Vì thế để đảm bảo an toàn cho con mình, bạn nên tinh tế nhờ mọi người treo, đặt mọi thứ trên giá hoặc một vị trí cao”.
Tuyệt đối không để trẻ đến gần thiết bị điện và nguồn điện
Các thiết bị điện, nhất là những món đồ có dây dài như bàn ủi, đèn, ti vi đều tiềm ẩn nguy cơ cao. Thực tế một đứa trẻ có thể vì tò mò mà kéo các sợi dây để rồi tự làm mình bị thương.
Do đó, các gia đình nên đảm bảo cất giữ những món đồ này ở một vị trí mà các bé không thể tiếp xúc. Đối với những món đồ phải sử dụng thường xuyên như ti vi chẳng hạn thì bạn nên cố định gọn gằng dây cắm và giấu nó trong một góc khuất.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên lắp đặt nắp che cho tất cả ổ cắm trong ngôi nhà của mình. Hoặc đơn giản hơn, bạn cũng có thể đặt một món đồ đủ nặng ngay trước ổ cắm điện để các bé không thể nào đến gần và đưa tay vào chúng.
Ngoài ổ cắm, một số thiết bị nhiệt như bếp sưởi, máy sưởi; các đồ nội thất có góc nhọn tiêu biểu là bàn, ghế hay đơn giản chỉ là ly café, tách trà nóng cũng cần được bọc cẩn thận và để xa phạm vi vui chơi của các bé.
Loại bỏ những món đồ chơi nhỏ hoặc có chứa các chi tiết nhỏ
Theo nghiên cứu, trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng - 3 tuổi có nguy cơ bị sặc cao nhất. Trong đó, những món đồ chơi nhỏ hoặc có chứa các chi tiết nhỏ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nghẹt thở với các bé.
Để quyết định xem một món đồ chơi có thể trở thành mối nguy hiểm hay không, Tiến sĩ Nkeiruka Orajiaka, bác sĩ nhi khoa và là mẹ của ba đứa trẻ đề xuất các bậc phụ huynh thử nghiệm với lõi giấy vệ sinh. Theo đó, nếu một món đồ chơi có thể lọt qua lõi giấy vệ sinh, có đường kính khoảng 1,25inch (tương đương 3cm), thì nó chính là một mối nguy hiểm cần được loại bỏ.
Cùng với đồ chơi, pin, cúc áo cũng là món đồ mà bác sĩ nhi khoa khuyến cáo nên để xe tầm với của trẻ nhỏ.
“Chúng nhỏ nhưng nguy hiểm. Đã có rất nhiều trẻ em phải vào viện cấp cứu vì nuốt phải pin cúc áo. Bạn nên tìm những món đồ trong nhà có sử dụng loại pin này như máy trợ thính, bàn phím, đồng hồ, máy tính…và đặt chúng ở một nơi cao hoặc cất trong tủ được khóa”, Tiến sĩ Nkeiruka Orajiaka nói.
Nghiên cứu kỹ từng loại cây trước khi mang nó vào nhà
Cây xanh có thể giúp ngôi nhà trở nên trong lành, thân thiện hơn nhưng có một số loại lại có thể gây hại với trẻ em và cả vật nuôi.
“Rất ít người bận tâm đến chuyện cây trồng trong nhà có hại hay không. Tốt nhất là các ông bố bà mẹ nên nghiên cứu thật kỹ cũng như lưu trữ sẵn cách liên hệ với các cơ quan kiểm soát chất độc. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu hoặc nếu có thể thì nên tham gia một lớp sơ cứu cơ bản để bảo vệ các bé được hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Krupa Playforth, một bác sĩ nhi khoa ở Virginia chia sẻ.
Không cho bé sử dụng xe tập đi trong nhà
Có một sự thật không phải ai cũng biết đó là việc cho con trẻ sử dụng xe tập đi trong nhà tồn tại rất nhiều nguy cơ. Nguyên nhân là vì nó sẽ để bé dễ dàng tiếp xúc với một số khu vực nguy hiểm như cầu thang, hồ bơi, bếp nóng, ổ điện hay thậm chí là bị đâm vào tường hoặc một số món đồ nội thất.
Tiến sĩ Amna Husain, bác sĩ nhi khoa và đồng thời là một chuyên gia tư vấn chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ cho con mình sử dụng xe tập đi vì đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng việc sử dụng nó không hề an toàn. Tôi và nhiều đồng nghiệp đã cố gắng cảnh báo điều này với khách hàng trong nhiều năm nhưng hầu hết mọi người vẫn chưa thực sự hiểu được vấn đề”.
Không sử dụng rèm cửa sổ có dây kéo
Có thể bạn chưa biết, từ năm 1990 - 2015, có khoảng 17.000 trẻ em được đưa vào bệnh viện vì gặp phải tai nạn liên quan đến dây kéo rèm cửa sổ (kết quả được công bố trên tạp chí Pediatrics).
Do đó, các ông bố bà mẹ đừng quên cất thật gọn dây kéo hoặc thay thế chúng bằng một số dụng cụ cuốn rèm cửa khác để bảo vệ các bé được tốt nhất.
Một vấn đề liên quan đến cửa sổ nữa đó là việc lắp đặt chốt và các thiết bị bảo vệ kèm theo, nhất là với những gia đình ở các khu chung cư cao tầng. “Và tốt nhất là đừng bao giờ để một đứa trẻ tự chơi trong phòng có cửa sổ đang mở”, Tiến sĩ Meghan Martin nói./.