Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 06/10/2023 - 06:15

 Đối thoại Reatimes:

Suy giảm diện tích và suy thoái rừng tự nhiên đang là vấn đề rất nan giải tại Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha, tăng 527ha. Hiện nay, diện tích rừng bị thiệt hại đã có giảm so với những năm trước đây nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn hecta biến mất.

Những mối đe dọa với rừng đang tồn tại ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Trong đó, khu vực Tây Nguyên nhiều năm qua vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Như tại Lâm Đồng, lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số vụ vi phạm về lâm nghiệp lên tới 174 vụ, gây thiệt hại trên 13ha rừng, thiệt hại 1.255m3 gỗ tròn các loại. Hầu hết các vụ phá rừng chủ yếu để chiếm đất rừng làm đất ở, đất sản xuất.

Bức tranh báo động về tình trạng mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên đang đặt ra bài toán khó trong vấn đề bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai, nhất là khi những hệ lụy về kinh tế, môi trường và xã hội từ việc mất rừng đang ngày càng hiện hữu. Và câu chuyện bảo vệ “lá phổi xanh” đã trở thành chuyện không của riêng ai.

Nhận thức điều này để thấy rằng, nguồn lực giữ rừng cũng không thể mãi phụ thuộc vào sự hữu hạn của ngân sách. Thay vào đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo nguồn lực để bảo vệ giá trị của rừng là giải pháp cần chú trọng, trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp tư nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tài nguyên rừng và đóng góp mạnh mẽ hơn vào công cuộc giữ rừng - thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học… cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Bàn luận sâu hơn, Đối thoại Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ninh thuận chuyển đổi đất rừng

 

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 3.

-  Thưa TS. Trần Lâm Đồng, chúng ta nên nhìn nhận như thế nào về vai trò, giá trị của rừng tự nhiên để có sự quan tâm đúng mức trong việc phát triển và bảo vệ tài nguyên này?

TS. Trần Lâm Đồng: Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2022, cả nước có hơn 10 triệu héc-ta rừng tự nhiên, chiếm gần một phần ba tổng diện tích, bao gồm khoảng 2,1 triệu ha rừng đặc dụng, 4,1 triệu ha rừng phòng hộ và 4 triệu ha rừng sản xuất. Có thể nói rừng tự nhiên là vô giá, có vai trò rất lớn, được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh: Môi trường, xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng.

Về môi trường, rừng tự nhiên chủ yếu nằm ở vùng đầu nguồn nên giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, phòng chống lũ và ngăn xói mòn đất. Rừng tự nhiên còn có vai trò rất lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì nguồn gen các loài động thực vật quý giá cho thế hệ sau… Ngoài ra, rừng giúp thanh lọc, điều hòa không khí, hấp thụ khí nhà kính… như người ta vẫn ví von rừng là “lá phổi xanh” của cuộc sống.  

Về xã hội, rừng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng. Đây là một tiềm năng to lớn để phát triển tính đa dụng của hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, rừng còn tạo ra cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và tuyệt đẹp, gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh nên có tiềm năng lớn cho tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng…

Ngoài ra, vành đai đường biên giới từ Bắc Và Nam chủ yếu là rừng tự nhiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Về giá trị kinh tế và đời sống, các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đã và đang cung cấp rất nhiều sản phẩm như: Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng giá trị cho con người…

Lâm nghiệp là một trong những ngành có giá trị xuất siêu lớn nhất. Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 17 tỷ USD, giá trị nhập khẩu chỉ chiếm 2,8 tỷ USD, như vậy giá trị xuất siêu đạt hơn 14 tỷ USD. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ. Đây là đóng góp rất đáng kể.

Với các vai trò to lớn như vậy có thể thấy, tầm ảnh hưởng của rừng rất lớn. Nếu không quản lý tốt, để rừng bị mất đi hoặc suy thoái thì thế hệ sau không được thừa hưởng những giá trị của thiên nhiên, cảnh quan, môi trường… mà các giá trị nhân tạo không thể thay thế được.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 4.

Ông đánh giá như thế nào về những mối đe dọa và mức độ xâm phạm tới tài nguyên rừng trong thời gian qua?

TS. Trần Lâm Đồng: Để phát triển kinh tế, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia đã phải dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có, trong đó có rừng. Do đó, trong thời gian phục hồi sau chiến tranh cũng như phát triển kinh tế nhanh chóng trong thời gian qua Việt Nam đã không thể tránh khỏi việc khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên lấy đất làm nền tảng để phát triển kinh tế, phục vụ con người.

Ở giai đoạn đầu, do còn thiếu kiến thức về quản lý rừng bền vững và chưa vận dụng các bài học kinh nghiệm trong khai thác, quản lý tài nguyên rừng, dẫn đến trong quá khứ, diện tích rừng tự nhiên của nước ta đã bị mất đi rất nhiều.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 5.

Hiện nay, sức ép mất rừng, suy thoái rừng vẫn còn tiếp diễn. Nhất là khi vấn đề sinh kế của người dân địa phương tại khu vực có rừng chưa được giải quyết.

Từ bao đời nay, hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đã gắn bó với núi rừng, sống dựa vào rừng. Dân số ngày một tăng, xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao. Người dân không chỉ khai thác tài nguyên rừng để sử dụng, tạo sinh kế phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày nữa mà còn khai thác tài nguyên rừng để đáp ứng những nhu cầu cao hơn của đời sống thông qua thương mại. Mặt khác, do áp lực thiếu đất trồng rừng sản xuất, nên hiện tượng người dân phá rừng trái phép lấy đất sản xuất vẫn còn. Sức ép mất rừng, suy thoái rừng theo đó cũng ngày càng lớn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi rừng để lấy đất cho các mục đích khác như xây dựng công trình thủy điện, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch… trong thời gian qua, cũng khiến diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm. Việc chuyển đổi rừng ở một mức độ phù hợp để phục vụ cho yêu cầu phát triển là điều không thể tránh khỏi. Còn việc người dân vì sinh kế mà khai thác bất hợp pháp không chỉ làm giảm diện tích rừng mà còn dẫn đến suy thoái rừng.

Có một thực tế là, những thứ quý thì chưa chắc đã hiếm, nhưng những gì hiếm thì lại thành quý. Tài nguyên rừng, giá trị của rừng tự nhiên là hữu hạn, đặc biệt, rừng Việt Nam có nhiều lâm sản rất hiếm. Đó là lý do mà càng là gỗ hiếm, càng bị săn lùng để bán. Trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên "siêu lợi nhuận". Tình trạng lâm tặc phá rừng, lấn chiếm diện tích rừng, khai thác gỗ rừng trái phép… vẫn đang là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương có rừng, khiến không ít khu rừng bị suy giảm diện tích, chất lượng và có nguy cơ suy thoái.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 6.
Hiện trường một vụ phá rừng tại Gia Lai. (Ảnh: Báo Giao thông)

-  Thực trạng trên bộc lộ bất cập gì trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, thưa TS?

TS. Trần Lâm Đồng: Công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Trong khi đó nguồn lực và nhân lực cho bảo vệ rừng rất hạn chế, do đó không thể gánh vác hết trọng trách bảo vệ “lá phổi xanh”. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề thì việc ngăn chặn triệt để nạn chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép là điều rất khó. Hầu hết các vụ lấn, chiếm, phá rừng khó phát hiện do địa bàn rộng, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, đối tượng vi phạm có những thủ đoạn phá rừng tinh vi. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tại những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, các cơ quan chức năng và chủ rừng cũng chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

Như vậy, có nghĩa là lực lượng kiểm lâm đang đối mặt với áp lực rất lớn?

TS. Trần Lâm Đồng: Sau mỗi lần phát hiện ra những vụ phá rừng với hình ảnh các cây cổ thụ bị đốn hạ ngổn ngang - nhìn vào hình ảnh xót xa đó, dư luận đều đặt nghi vấn liên quan trách nhiệm, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Dư luận có lý khi đặt câu hỏi rằng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng đang ở đâu, làm gì mà không hay biết trong suốt thời gian dài lâm tặc hoạt động, thậm chí có nơi cây bị đốn hạ và cưa xẻ thành những tấm gỗ lớn đưa ra khỏi rừng… Khi sơ suất, để xảy ra các vụ chặt phá rừng trái phép thì cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng, chủ rừng là lực lượng đầu tiên chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Có thể thấy, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải gánh chịu áp lực rất nặng nề. Hầu hết kiểm lâm khi đã dấn thân vào nghề họ đều tâm huyết, cống hiến hết sức mình, chấp nhận sự gian nan, vất vả, thậm chí cả hy sinh tính mạng. Song mức thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, khiến nhiều kiểm lâm đã không làm tròn được trách nhiệm bảo vệ rừng. Làm việc quanh năm xa nhà, điều kiện ăn ở thiếu thốn, công việc nặng nhọc nhưng mức lương không tương xứng, không đủ trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình là những gì mà lực lượng kiểm lâm viên nhiều nơi phải đối diện. Đây là điều hết sức trăn trở, nan giải đối với những người làm nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh”.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 7.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận  phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Trong thời gian qua, rất nhiều kiểm lâm đã phải bỏ nghề, khiến lực lượng đã mỏng lại càng mong manh hơn, trong khi yêu cầu, trách nhiệm bảo vệ rừng ngày càng khắt khe và đòi hỏi nhiều hơn về hiệu quả. Như tại Nghệ An, mới đây, đã có hơn 130 kiểm lâm đã xin nghỉ việc. Chia sẻ trên báo chí, một trưởng trạm có 15 năm tuổi nghề cho biết, mức lương của anh hiện chỉ 5,5 triệu đồng/tháng. Không những thế, kinh phí chi trả cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phụ phụ thuộc vào nhiều nguồn và không ổn định. Có đơn vị 6 tháng qua vẫn chưa nhận được đồng lương nào. Đưa ra thực tế đó để thấy, những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên được nhìn nhận thấu đáo từ gốc rễ.

Từ trước đến nay, cứ mất rừng là đổ lỗi cho ngành lâm nghiệp nhưng chưa suy xét đến mức đầu tư cho công tác bảo vệ rừng đã phù hợp chưa. Đó phải là một nguồn đầu tư hợp lý để kiểm lâm - những người chấp nhận sống trong rừng, làm nhiệm vụ bảo vệ rừng yên tâm công tác.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 8.

Nguồn lực cho công tác quản lý rừng hiện nay đang đến từ đâu, thưa ông?

TS. Trần Lâm Đồng: Nguồn lực cho vấn đề quản lý và bảo vệ rừng vẫn phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Nhà nước nhưng cũng rất hạn chế, dù đã có rất nhiều chính sách cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện nay, mức hỗ trợ chi phí bảo vệ rừng cho các chủ rừng trung bình là 300 nghìn đồng/ha/năm.

Ngoài ra, đầu tư giữ rừng đang có thêm nguồn từ thu dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa thực sự đáng kể vì không phải chủ rừng nào cũng có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hay nguồn thu khác để tái đầu tư bảo vệ rừng.

Đầu tư cho phát triển rừng, tác động vào rừng để nâng cao chất lượng môi trường rừng (xúc tiến tái sinh, trồng bổ sung, làm giàu rừng…) cũng không nhiều. Chủ yếu là nguồn tài chính từ quy định trồng rừng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Một số địa phương đang hướng tới bán tín chỉ carbon.

Các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện đang rất khó khăn trong thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa, các dự án đầu tư. Trong khi, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. Và cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ rừng của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả cộng đồng.

-  Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng… Như vậy, việc thúc đẩy cho thuê môi trường rừng sẽ là một giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng?

TS. Trần Lâm Đồng: Hiện nay nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh cho thuê môi trường rừng, tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ.

Theo quy định pháp luật, hiện nay có 6  đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng chủ yếu mới thu được từ thủy điện, sản xuất nước sạch và cho thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái.

du lịch sinh thái rừng

Cho thuê môi trường rừng là giải pháp cần khuyến khích để tạo ra nguồn thu tốt từ giá trị tài nguyên môi trường rừng, từ đó tái đầu tư và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, nếu không kiểm soát được thì rất dễ bị lạm dụng và gây mất rừng hoặc suy thoái rừng. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp muốn thuê môi trường rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng, chủ yếu là canh tác dưới tán rừng như trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi… Việc canh tác dưới tán nếu không được nghiên cứu đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ có thể ảnh hưởng lớn đến rừng, ví dụ như hủy hoại thảm thực vật và các loại cây tái sinh kế cận dưới tán rừng. Ngoài ra, về mặt sinh học, ánh sáng là yếu tố quan trọng tạo ra năng suất cho cây trồng, kể cả các loại cây trồng dưới tán rừng thì cũng có nhu cầu ánh sáng nhất định. Khi cây rừng kín, người trồng cây dưới tán rừng phải ken bớt những cây to, để tạo ánh sáng cho cây trồng sinh trưởng, có năng suất cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến rừng. Bà con thường canh tác ở trên những vùng rộng lớn, rất khó để kiểm soát điều này.

Việc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên thì sao, thưa ông?

TS. Trần Lâm Đồng: Các khu rừng đặc dụng, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan của nước ta đều có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục, có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên và có giá trị vô cùng lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Tôi cho rằng, các quy định liên quan đến việc cho thuê rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hiện nay đã tương đối đầy đủ, rõ ràng, tạo cơ chế để kiểm soát và lường trước được những tác động của hoạt động này đối với môi trường rừng. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ loại hình cho thuê môi trường rừng này, phát huy tính đa dụng của rừng, lấy phát triển kinh tế bền vững để tạo nền tảng cho việc bảo tồn, gìn giữ và tái tạo các giá trị đặc biệt của rừng.

Cụ thể, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm Nghiệp đã quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được duyệt.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 10.

Như chia sẻ của ông, rõ ràng đã có hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch sinh thái rừng và trên thực tế cũng đã có nhiều mô hình triển khai hiệu quả, vừa phát huy được giá trị của rừng, vừa tạo được nguồn lực để bảo vệ, giữ rừng tốt hơn. Nhưng tại sao việc cho thuê môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh? Theo ông, đâu là thách thức?

TS. Trần Lâm Đồng: Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế từ khi triển khai chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng đến nay cả nước ký được 1.401 hợp đồng, trong đó có 586 hợp đồng với nhà máy thủy điện, 312 hợp đồng với nhà máy sản xuất nước sạch, 23 hợp đồng với đơn vị kinh doanh du lịch, 3 hợp đồng với đơn vị nuôi trồng thuỷ sản và 477 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, việc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch vẫn đang rất hạn chế, dù tiềm năng rất lớn, du lịch rừng cũng là một loại hình rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, khả năng khai thác kinh tế cao.

Hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn và kêu gọi nhà đầu tư - doanh nghiệp phát triển du lịch tham gia. Tuy nhiên, lĩnh vực này tại Việt Nam mới manh nha, các quy định pháp luật chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ để điều chỉnh hết tất cả những phát sinh trong thực tiễn. Do đó, vẫn cần thêm sự thúc đẩy từ chính sách, sự đồng bộ, đầy đủ của các quy định pháp luật đặc biệt là cải cách thủ tục đầu tư và những mô hình hiệu quả để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ trong cộng đồng.

du lịch rừng
Du lịch rừng cũng là một loại hình rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, khả năng khai thác kinh tế cao.

Trong thời gian vừa qua, dường như bất kể một đề án nào liên quan đến có doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch sinh thái rừng hay địa phương làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cho thuê rừng tự nhiên để phát triển kinh tế đều phải đối mặt với phản ứng không mấy tích cực từ dư luận. Đây có phải là một rào cản khiến chúng ta chưa tận dụng được tiềm năng của rừng để phát triển du lịch, đồng thời tạo ra nguồn lực để bảo vệ rừng?

TS. Trần Lâm Đồng: Tôi cho rằng, đây không hẳn là rào cản nhưng cũng là một thực tế cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Trước hết, phải nói rằng, sự phản ứng của dư luận trước những nguy cơ, mối đe dọa đối với rừng là tín hiệu mừng khi cộng đồng đã và đang quan tâm, có ý thức, trách nhiệm hơn trong vấn đề bảo vệ rừng, môi trường, nhất là trong bối cảnh thách thức đặt ra từ biến đổi khí hậu ngày càng lớn, trong khi, con số về nạn phá rừng, làm suy giảm diện tích rừng vẫn đáng báo động và để lại những hệ lụy đau xót.

Bên cạnh đó, cũng có những dự án nhân danh phát triển sinh thái nhưng thực tế lại tận thu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng. Do đó, việc dư luận thiếu niềm tin, luôn cảnh giác và đặt câu hỏi trước các dự án và quyết định liên quan đến rừng là điều dễ hiểu và rừng cũng đã trở thành một từ khóa nhạy cảm.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Phần lớn các đề án, dự án liên quan đến rừng khi xây dựng đều đặt ra tiêu chí là phát triển bền vững, gắn với bảo tồn thiên nhiên, đem lại lợi ích chung và dựa trên nguyên tắc không làm tổn hại đến môi trường rừng. Tuy nhiên, thông tin các đề án chưa được minh bạch và khách quan, chưa tham vấn cũng như cung cấp một cách đầy đủ, rộng rãi đến cộng đồng và các bên liên quan. Dư luận chưa được nhìn thấy, chưa hình dung và hiểu rõ những tác động và lợi ích đem lại của các dự án đó cho các bên liên quan như thế nào. Như vậy, sự đồng thuận của dư luận cũng rất quan trọng. Nếu không được thông tin đầy đủ sẽ mang tâm lý phản đối. Theo quy định, bất cứ đề án phát triển du lịch sinh thái rừng hay phương án quản lý rừng bền vững đều cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng và các bên liên quan, nhất là các tác động và lợi ích đem lại.

Địa phương, doanh nghiệp muốn phát triển thì các đề án phải thuyết phục được cộng đồng, thực hiện đúng quy định của pháp luật và chứng minh được dự án không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng, sinh kế của người dân mà ngược lại còn đem lại lợi ích cho các bên liên quan, đồng thời đóng góp và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Rõ ràng, bài học đặt ra là, việc tham vấn các bên liên quan, công khai và minh bạch các thông tin của đề án, dự án rất quan trọng trong tạo được niềm tin đối với dư luận. Có nhiều trường hợp người dân phản đối là do chưa hiểu rõ, thậm chí còn hiểu nhầm. Khi các bên ngồi lại với nhau thì mọi khúc mắc được hóa giải, doanh nghiệp cam kết với người dân, với chính quyền địa phương và làm đúng thì hiệu quả sẽ rất tốt. Thay vì vừa làm vừa lo.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 12.

Việc phát huy giá trị rừng, tạo nguồn lực để quay trở lại bảo vệ, tái sinh rừng suy cho cùng phải bắt nguồn từ sự phát triển bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia cũng phải hướng đến mục tiêu này, dựa trên đề án phát triển bền vững. Theo ông, trong câu chuyện cho thuê môi trường rừng để làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vấn đề phát triển bền vững nên hình dung như thế nào?

TS. Trần Lâm Đồng: Doanh nghiệp tham gia khai thác giá trị môi trường rừng để phát triển du lịch là rất tốt, nhưng cần có quy định để doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt là việc chia sẻ lợi ích, hài hòa với lợi ích của chủ rừng và người dân đang sống dựa vào rừng, tạo dựng cho họ nguồn sinh kế để không gây mất rừng.

du lịch sinh thái rừng

Mức chi trả tiền thuê môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp 2017 tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu. Phần kinh phí này cần phải được sử dụng tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, ít nhất là trên phạm vi diện tích rừng đang khai thác dịch vụ. Một số dự án, mặc dù chỉ xây dựng, sử dụng một phần không gian nhỏ để làm cơ sở hạ tầng, nhưng phạm vi khai thác của các dự án có thể là cả tổng thể một không gian rừng rộng lớn. Bao nhiêu phần trăm doanh thu của doanh nghiệp tham gia đầu tư là đủ để đóng góp, đảm bảo cho việc giữ gìn cảnh quan, sinh thái rừng, tạo sinh kế mới bền vững hơn cho người dân, giảm sức ép mất rừng? Đây là vấn đề cần tính toán. Nguyên tắc là lấy phát triển bền vững để bảo tồn. Việc đóng góp trở lại ít nhất phải bảo vệ được diện tích rừng, không gian, phạm vi rừng mà mình đang khai thác du lịch.

Hiện nay, đời sống của dân tộc miền núi vẫn rất khó khăn. Canh tác nông nghiệp chỉ đủ ăn, nhiều nơi thậm chí còn không đủ. Nếu chỉ làm nông nghiệp thì không thể đủ sống, nhất là khi xã hội đang ngày càng phát triển, người dân cũng có nhu cầu mua điện thoại, xe máy, ti vi hay xây nhà… Do đó, việc vào rừng khai hoang, trồng cây, chuyển đổi trái phép… là điều khó tránh khỏi. Cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo thêm việc làm, sinh kế cho người dân ở vùng đệm là một giải pháp quan trọng.

Việc đang có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái rừng là điều đáng hoan nghênh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tạo thành trào lưu cho sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát. Suy cho cùng, hiệu quả của các đề án mới được phê duyệt còn nằm ở thì tương lai, phụ thuộc lớn vào sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và năng lực quản lý, thực thi chính sách của chính quyền địa phương.

Doanh nghiệp tham gia cũng phải bỏ nguồn lực đầu tư rất lớn, nhưng nếu vừa không đảm bảo được có lãi để tạo ra kinh tế, vừa làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, trong khi đó, không giữ được môi trường rừng thì phải tính toán lại. Năng lực của doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững cũng rất quan trọng.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 14.

-  Thực tế, việc phát triển du lịch sinh thái rừng tại nhiều địa phương, trước khi có quy hoạch và những đề án bài bản đã xuất hiện rất nhiều mô hình manh mún nhỏ lẻ, dù đem lại hiệu quả kinh tế cho các chủ rừng nhưng mối đe dọa đến môi trường lại rất khó kiểm soát. Việc cho thuê môi trường rừng tự nhiên quy mô lớn, vì thế có lẽ nên hướng tới những mô hình cao cấp hơn để chú trọng vào chất lượng và sự bền vững thay vì phát triển ồ ạt, tràn lan?

TS. Trần Lâm Đồng: Điều đó là tất yếu. Mọi sự phát triển tràn lan, không hướng đến sự bền vững đều phải trả giá đắt. Du lịch sinh thái rừng rất tiềm năng. Nhưng thị trường này vẫn chưa được đẩy mạnh, nếu không muốn nói là chưa có thị trường. Lượng du khách đi khám phá, trải nghiệm, ăn ngủ trong rừng, không nhiều.

Một số khu vực đang khai thác tốt và du lịch rừng trở thành trải nghiệm hấp dẫn là nhờ vào lợi thế riêng về vị trí, hạ tầng kết nối và lượng khách du lịch biết đến rất đông như Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Phú Quốc… Tuy nhiên, có những vùng lại chưa được thuận lợi như vậy.

Nếu hơn 160 Vườn quốc gia, khu bảo tồn, chỗ nào cũng làm du lịch thì cung có thể nhiều hơn cầu. Do đó, việc xây dựng các đề án cũng cần xuất phát từ thị trường. Không thể ào ào thúc đẩy, cấp phép đầu tư hàng loạt, đặc biệt là trong các khu rừng đặc dụng. Tất nhiên, các doanh nghiệp tham gia sẽ phải tính toán rất kỹ vấn đề thị trường thì mới bỏ nguồn lực để đầu tư. Song cũng không tránh khỏi trường hợp có những doanh nghiệp thiếu năng lực, lấy danh nghĩa làm du lịch để xây dựng biệt thự, phân lô, bán nền trái phép.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 15.

Mặt khác, một khi đã mở cửa phát triển du lịch thì rất khó kiểm soát được mối nguy hại đến môi trường nếu tập trung thu hút lượng khách lớn. Nếu thúc đẩy cho thuê môi trường rừng làm du lịch, không có cơ chế để kiểm soát được lòng tham của người thuê thì họ vẫn sẽ tìm mọi cách làm sao để thu hút được nhiều lượt khách nhất thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh thái rừng, đặc biệt là ở những khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Thu hút khách quốc tế và khách chi trả cao là nguồn không hạn chế. Nên tiếp cận theo hướng như vậy. Và do đó, việc phát triển du lịch trong rừng đặc dụng nên hướng đến đầu tư các sản phẩm cao cấp, tạo ra thương hiệu cho du lịch rừng của Việt Nam. Những sản phẩm du lịch đẳng cấp sẽ góp phần đưa hình ảnh du lịch của Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời hạn chế được sự phát triển ồ ạt, đại trà trong rừng đặc dụng.

Cần có quy định về giá hoặc đấu giá thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với giá trị từng loại rừng khác nhau, làm cơ sở phát huy hết giá trị của môi trường rừng và có được nguồn thu tối đa cho phát triển rừng. Ví dụ, tiền thuê môi trường rừng đặc dụng có thể phải cao hơn rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối được để có mô hình phát triển du lịch sinh thái phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu.

Tất nhiên, việc phát triển như vậy không có nghĩa là cấm người dân vào, chỉ dành cho khách du lịch cao cấp, biến khu rừng đó thành “của riêng ai”. Người dân bình thường có nhu cầu vẫn có thể vào trải nghiệm, tham quan… Nhưng nếu sử dụng những sản phẩm du lịch cao cấp thì phải trả mức phí tương ứng.

Hiện nay, một số khu nghỉ dưỡng sinh thái theo mô hình “ẩn mình trong rừng” đã có thương hiệu ở Ba Vì (Hà Nội), Sơn Trà (Đà Nẵng), Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Ninh Vân (Khánh Hòa)... đều đang trở thành những điểm nghỉ dưỡng thu hút khách quốc tế bậc nhất và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tính thân thiện môi trường và các chỉ số bền vững. Giá thuê phòng một đêm ở các khu nghỉ dưỡng này có giá lên tới hàng chục triệu đồng nhưng vẫn rất hút khách.

Bảo vệ tài nguyên rừng không thể chỉ phụ thuộc vào ngân sách- Ảnh 16.
Những sản phẩm du lịch đẳng cấp sẽ góp phần đưa hình ảnh du lịch của Việt Nam vươn ra thế giới.

Như vậy, trong rừng đặc dụng nên chú trọng làm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tour, tuyến trải nghiệm… hướng tới dòng khách cao cấp với một mật độ phù hợp và dựa trên các tiêu chí bắt buộc. Thu hút lượng khách ít hơn nhưng vẫn thu về giá trị cao.

Những sản phẩm thuộc phân khúc bình dân hơn có thể phát triển ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ… để phát huy giá trị của thiên nhiên, khai thác kinh tế và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của người dân.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của việc phát triển du lịch sinh thái rừng trong thời gian tới?

TS. Trần Lâm Đồng: Nhu cầu, xu hướng du lịch rừng hiện nay đang cho thấy sự gia tăng đáng kể. Có thể phân loại ra như: Du lịch phượt ngẫu hứng của các bạn trẻ nhằm khám phá, trải nghiệm không gian rừng, núi; nghỉ dưỡng trong rừng đối với những du khách có điều kiện kinh tế và muốn có không gian sinh thái nghỉ dưỡng thật sự ở trong rừng, kết hợp với thiền, yoga…; và nghỉ dưỡng cuối tuần của các gia đình kết hợp gia tăng sự trải nghiệm, khám phá cho con trẻ…

Tuy nhiên, thu từ thuê môi trường rừng làm du lịch đang không nhiều. Nên có định hướng để phát triển các loại hình sản phẩm phù hợp cho từng nhóm khách, và dùng giá tiền, thiết kế tour, tuyến… để kiểm soát là tốt nhất. Có hình thức đầu tư thỏa đáng sẽ tạo được nguồn thu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý rừng tự nhiên đang rất khó khăn, không có nguồn thu để duy trì hoạt động, nhiều đơn vị rất muốn trả lại rừng tự nhiên. Nhà nước đã tạo lập được khung thể chế pháp lý mới về thu hút nguồn lực xã hội nhằm giảm tải được việc phụ thuộc ngân sách Nhà nước nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp. Để khai thác được tiềm năng của du lịch sinh thái rừng, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân với những mô hình hiệu quả là cần thiết.

Doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững, dựa trên những tiêu chí bền vững, ắt phải tôn trọng tài nguyên thiên nhiên, coi tài nguyên là tài sản đáng giá nhất, tạo ra giá trị nhất, nên không ai dại gì mà đi phá rừng. Hạn chế chặt cây, hạn chế tác động đến rừng là một chuyện, thậm chí họ phải trồng thêm cây, mở ra đường mòn, lối nhỏ, tôn tạo lại những khu vực bị suy thoái…, đồng thời tạo ra sinh kế mới cho người dân địa phương.

Hiện nay, mức giá trị dịch vụ môi trường rừng còn thấp so với giá trị thực mà rừng cung cấp nên cũng cần tính toán lại để điều chỉnh cho phù hợp, tạo ra một cơ chế thị trường nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia một cách lành mạnh, hiệu quả, đúng năng lực./.

- Trân trọng cảm ơn TS vì những chia sẻ hữu ích với Đối thoại Reatimes!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
  • Đặt thẻ tàu JR East trên Traveloka
Lên đầu trang
Top