Định hình không gian phát triển quốc gia
Những phác thảo đầu tiên của không gian phát triển quốc gia đã được vạch ra, khi bản dự thảo đầu tiên của Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến công luận.
“Quy hoạch Tổng thể quốc gia là quy hoạch có tính chiến lược, nhằm bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và nhấn mạnh, Quy hoạch Tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030; nhằm đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đó là đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.
Dựa trên tầm nhìn đó, không gian phát triển quốc gia đã bắt đầu được định hình. Các vùng kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới hạ tầng kết nối, bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia… đã bắt đầu được hoạch định trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia.
Về các hành lang kinh tế, theo ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ bao gồm các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, như hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu, hay Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội…
“Về các vùng động lực, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, sẽ lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia”, ông Trần Hồng Quang cho biết.
Theo đó, Tam giác động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), hay Tứ giác động lực phía Nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu) được ưu tiên lựa chọn phát triển. Bên cạnh đó, còn có vùng động lực miền Trung (ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi), hay Tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang…
Không chỉ vậy, Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng sẽ định hướng tổ chức không gian biển, định hướng khai thác và sử dụng vùng trời, cũng như định hướng phân vùng và liên kết vùng một cách rõ ràng.
“Trước đây, chúng ta đã phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội, nhưng trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần này, chúng tôi đề xuất cả phương án phân vùng lại, thành 7 vùng kinh tế - xã hội, mỗi vùng có lợi thế so sánh riêng, gắn với vị trí, vai trò, chức năng của vùng với cả nước, gắn với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, định hướng phát triển theo các tiểu vùng, các vùng động lực, hệ thống đô thị, các khu kinh tế, hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng…”, ông Quang nói.
Tìm phương án tối ưu
Dù đánh giá cao bản dự thảo đầu tiên của Quy hoạch Tổng thể quốc gia, song không ít ý kiến cho rằng, dự thảo này cần được điều chỉnh, bổ sung… Điều này là dễ hiểu, bởi ngay từ đầu, khi Luật Quy hoạch được thông qua, với tham vọng làm được một cuộc cách mạng trong công tác quy hoạch, trong đó có việc lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn.
Ở góc độ cơ quan soạn thảo, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho biết, xây dựng quy hoạch chính là để giải quyết các “điểm nghẽn” của nền kinh tế, của quốc gia. Khi các điểm nghẽn được khơi thông, sẽ là cơ hội để Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu 2045.
“Quy hoạch Tổng thể quốc gia là quy hoạch có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch, vì vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ của các ngành, lĩnh vực trong suốt quá trình lập quy hoạch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và rất cầu thị khi nhấn mạnh rằng, mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị, cá nhân...
“Đây là một bản quy hoạch khó, lần đầu tiên được xây dựng theo phương pháp tích hợp, nên cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện”, ông Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học đất Việt Nam đã nói như vậy.
Vì thế, dù đánh giá cao bản dự thảo đầu tiên của Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Vũ Năng Dũng cho rằng, khi phân vùng kinh tế, khi hoạch định không gian phát triển quốc gia, cần quan tâm cả đến định hướng phát triển không gian phát triển theo chiều dọc đất nước.
Theo ông Dũng, chúng ta có 3 vùng lãnh thổ: Vùng các tỉnh có biển, có thể phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển; vùng đồng bằng và núi thấp, nơi có thể phát triển sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp hàng hóa, phát triển các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; vùng núi và núi cao, thích hợp phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước…
“Trong định hướng tổ chức không gian theo lãnh thổ, cần làm rõ định hướng phát triển vùng với chiến lược phát triển theo chiều dọc của 3 vùng lãnh thổ trên, chứ không chỉ là 6 vùng kinh tế như hiện tại”, ông Dũng đề xuất.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hành lang kinh tế là khái niệm mới, nhưng quan trọng là tiêu chí để xác định các hành lang kinh tế là gì. “Không thể chỉ xác định dựa trên trục giao thông, mà cần quan tâm đến nguồn nhân lực, tài nguyên, tiềm năng phát triển nữa…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam, trong xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia, cần quan tâm đến phương pháp tiếp cận xuyên suốt, đa ngành. Khi xây dựng quy hoạch phát triển quốc gia, các nước khác cũng làm như vậy. “Điều này tạo điều kiện làm rõ các vấn đề ưu tiên và xác định chiến lược giải quyết các vấn đề xuyên suốt ưu tiên đó. Đấy cũng là cách tiếp cận tích hợp đòi hỏi sự hợp tác đa ngành của nhiều bên liên quan trong xác định vấn đề, lập và thực hiện các giải pháp quy hoạch”, ông Nguyễn Quang nói.
Lấy ví dụ Nam Phi trong Quy hoạch Phát triển Quốc gia 2030 đưa ra 9 vấn đề thách thức và các chiến lược cụ thể để giải quyết các vấn đề, ông Quang cho rằng, Quy hoạch Tổng thể quốc gia Việt Nam nên được xây dựng trên cách tiếp cận đó.
Mới là những phác thảo ban đầu, do vậy, chắc chắn sẽ còn cần nhiều ý kiến đóng góp để Quy hoạch Tổng thể quốc gia hoàn thiện, kịp trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới./.