Aa

Bất động 24h: Đến lượt văn phòng cho thuê giảm giá mùa dịch

Thứ Sáu, 17/04/2020 - 10:11

Đến lượt văn phòng cho thuê giảm giá mùa dịch; Ngân hàng ồ ạt bán nợ xấu bất động sản: Cảnh báo dấu hiệu bất thường; Đất Đồng Trúc (Thạch Thất) “thấm đòn” sốt ảo, nhiều nhà đầu tư “ôm bom”... là tin tức nóng 24h qua.

Đến lượt văn phòng cho thuê giảm giá mùa dịch

Đến cuối quý 1/2020, đại dịch phát triển với tốc độ nhanh chóng đã khiến các hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên khắp cả nước. Thị trường văn phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi các khách thuê xem xét lại nhu cầu thực tế về nhân lực và diện tích thuê.

Trong quý 1/2020, khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh, tăng 26% theo năm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020, Bộ Lao Động đã ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động phải nghỉ việc tạm thời.

Tại TP.HCM, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP (giảm -7 điểm phần trăm theo năm) và dòng vốn FDI cũng giảm 32% theo năm.

Đơn vị này đánh giá, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong ngắn hạn, khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn khi đàm phán hợp đồng, mặc cả các điều kiện. Các khách thuê sớm ra quyết định sẽ đàm phán được các điều khoản có lợi hơn. Covid-19 đã và đang khiến tỷ lệ văn phòng trống có xu hướng gia tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê.

Xem chi tiết tại đây 

"Sức khỏe" của doanh nghiệp giờ chỉ còn đong đếm bằng ngày

“Nhiều doanh nghiệp đã rất yếu thậm chí “ngắc ngoải”. Cứ một ngày chúng ta chậm đưa chính sách đi vào đời sống thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, thêm nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, vỡ nợ."

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ ban hành kịp thời và cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, gần 3 tháng sống chung với dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tiếp cận được những chính sách ưu đãi hay hỗ trợ.

Đánh giá về mức hỗ trợ của ngành thuế khi Nghị định 41 còn là dự thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng Bộ Tài chính cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng đề nghị nếu tăng thêm thời gian giãn thuế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Đối với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng (nay là 300.000 tỷ) dùng để giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cũng rất quan trọng với doanh nghiệp nhưng đây là gói tín dụng của các ngân hàng thương mại, không phải ngân sách nên dù được triển khai từ sớm nhưng thực tế doanh nghiệp không dễ tiếp cận do phải chứng minh được mình thuộc nhóm ảnh hưởng dịch bệnh và khả năng trả nợ, trong khi nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng lại không có tài sản thế chấp. Việc đáp ứng các điều kiện vay đang là thách thức đối với các doanh nghiệp.

Cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới.

"Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp đều lần đầu tiên gặp phải cảnh này và chúng ta không có kinh nghiệm đối phó. Thực sự là dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp đã bắt đầu "thấm" rồi, "sức khỏe" của doanh nghiệp bây giờ chỉ đong đếm bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa, nên biệt pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ, những giải pháp này phải nhanh chóng triển khai để áp dụng ngây vào thực tiễn để cứu doanh nghiệp", ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ.

Xem chi tiết tại đây

Ngân hàng ồ ạt bán nợ xấu bất động sản: Cảnh báo dấu hiệu bất thường

Với việc ở cuối chu kỳ tăng trưởng, từ cuối 2019 đến nay, bất động sản đã tạo ra những áp lực không nhỏ tới các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao trong quá trình phát triển dự án. Cộng hưởng thêm những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế chung, đã đẩy sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng như hàng loạt các ngân hàng tới điểm "chống chịu" cuối cùng, nhiều ngân hàng đã phải đưa các khoản nợ ra đấu giá.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được cho là đơn vị chào bán nhiều nhất các khoản nợ liên quan đến dự án nhà ở và đất nền từ cuối năm ngoái đến nay.

Theo đó, BIDV chi nhánh Gia Định đã tiến hành rao bán 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM với giá bán khởi điểm khoảng 15 triệu đồng/m2.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 4 vừa qua, BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 cũng ra thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node ( huyện Nhà Bè, TP.HCM). Không lâu sau, chi nhánh này tiếp tục đấu giá một khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân tại chi nhánh Sở Giao dịch 2 gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ là 512 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là nhiều bất động sản của doanh nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngoài BIDV, nhiều ngân khác cũng đang đã và đang phát mãi tài sản. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã rao bán dự án Khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng liên tục rao bán các tài sản thế chấp lớn. Ngày 6/4 vừa qua, ngân hàng này rao bán hai bất động sản tại Tây Ninh với tổng giá trị hơn 1.220 tỷ đồng.

Để hiểu rõ hơn về làn sóng rao bán bất động sản và bức tranh thị trường bất động sản trong thời gian tới, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Xem chi tiết tại đây

Đất Đồng Trúc (Thạch Thất) “thấm đòn” sốt ảo, nhiều nhà đầu tư “ôm bom”

Trao đổi với Reatimes, anh N.Đ.C, một môi giới kinh nghiệm tại Thạch Thất cho biết, cơn sốt đất tại xã Đồng Trúc đã “xịt hơi” chỉ sau một tuần. Đến thời điểm hiện tại, giá đất đã trở về giá trị thực với giá dao động từ 3-5 triệu đồng/m2, giảm 4 lần so với thời điểm đỉnh sốt.

“Do được cảnh báo sớm về cơn sốt ảo nên không nhiều nhà đầu tư dính “bẫy”, đa phần là giới cò đất vào đầu cơ, lướt sóng, ít giao dịch thật. Tuy nhiên, cũng có một số nhà đầu tư “non tay” , không kịp bán tháo thời điểm tắt cơn sốt nên vẫn đang bị mắc kẹt, dù buộc phải bán cắt lỗ sâu để thu hồi phần vốn, rút khỏi thị trường nhưng thời điểm này không thể bán ra, trừ khi bán ngang với giá thực hiện tại may ra mới có người mua”, vị này nói.

Trước đó, thời điểm cuối tháng 3, khu đất giãn dân Quan Giai, thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (gần khu công nghệ cao Hòa Lạc) đã trải qua một phiên chợ “đất” kéo dài từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Dòng người nườm nượp kéo về xem đất, đông như trẩy hội, hoạt động chào bán diễn ra rầm rộ. Ô tô xếp thành hàng dài từ phía đầu làng. Nhiều người ăn mặc lịch sự đứng thành từng tốp chỉ trỏ về phía những khu đất. Trên tay cầm sổ đỏ, hoặc bản sao, sơ đồ lô đất.

Ông Đính khuyên các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần cẩn trọng, tỉnh táo và có tầm nhìn dài hạn khi lựa chọn đầu tư đất nền. Theo đó, cần xem xét kỹ vị trí đầu tư, chủ đầu tư và yếu tố pháp lý trước khi đưa ra quyết định đầu tư, không đầu tư theo đám đông:

“Nếu chỉ có thông tin sẽ có sự đầu tư mà không cảm nhận được việc thực sự có các hoạt động đầu tư trong thực tế thì phải khẩn trương rút khỏi thị trường. Nếu có sốt thì chắc chắn là sốt ảo. Ngoài ra, cần đánh giá đúng giá trị đất đai thực tế và tiềm năng của khu vực mà mình định đầu tư để tránh rơi vào bẫy giá ảo".

Xem chi tiết tại đây 

“Các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực”

Sự xuất hiện của đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã khiến chúng ta không thể đong đếm hết những thiệt hại cũng như thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua và đang tiếp tục phải đối mặt. Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ chính là những "chiếc máy thở", là "liều thuốc giảm đau" cho doanh nghiệp.

Chính phủ, Nhà nước đã phát tín hiệu những gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão dịch Covid-19 nhưng việc triển khai có lẽ cần phải gấp gáp hơn bao giờ hết. Giới chuyên gia cho rằng, để thực thi các gói hỗ trợ nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ thì phương thức thực thi sẽ quyết định hiệu quả của chính sách.

Chính phủ cũng đang gặp phải những ràng buộc chính sách về nguồn lực tài khóa hạn hẹp (vốn chưa bao giờ thặng dư ngân sách) hay mục tiêu lạm phát, tỷ giá. Do đó, Chính phủ cần thực hiện các gói hỗ trợ đi vào trọng tâm, đúng đối tượng, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.

Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh, tránh “ngăn sông cấm chợ” cực đoan ở một số địa phương vì sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế cũng phải đặt ngang với phòng chống dịch bệnh. 

Kinh tế cho năm 2020 có thể xảy ra 3 kịch bản và đều phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Kịch bản 1 là bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II/2020.

Kịch bản 2 là bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.

Cuối cùng, ở kịch bản 3, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu từ hai quý cuối năm 2021.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top