Bất động sản 2021 và Sự trỗi dậy của những thị trường mới

Bất động sản 2021 và Sự trỗi dậy của những thị trường mới

Thứ Ba, 22/09/2020 - 17:00

Trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, thì ngay tại Việt Nam, một làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng đang xuôi chiều, lan tỏa dần ra các khu vực tỉnh thành ven trung tâm, khi mà quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày một khan hiếm.

***

Có lẽ, đại dịch Covid-19 chỉ là một phần nguyên nhân “bẻ lái” của nhà đầu tư, bởi, ngay từ giai đoạn 2017 - 2018, nhiều chuyên gia đã dự báo về xu hướng đầu tư ly tâm trong bối cảnh thị trường truyền thống ngày càng trở nên chật hẹp.

Thời kỳ đầu, nhen nhóm một vài nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm về các tỉnh vùng ven để gom đất bởi giá rẻ, quỹ đất dồi dào. Sau đó, sức nóng đã nhanh chóng lan tỏa, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác nhập cuộc, ồ ạt săn đất dự án tại các địa phương ven đô Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, xa hơn là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định…

Và đến nay, những tên tuổi tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã phủ khắp tỉnh thành vùng ven - nơi có tiềm năng sinh lời và họ đã đến khi thị trường bất động sản còn nguyên sơ, đó là loạt dự án của Vingroup tại Quảng Ninh, Nam Định, Cần Thơ; là loạt dự án của Sun Group tại Hạ Long, Thanh Hóa, Phú Quốc; dự án của Tập đoàn FLC tại Hạ Long, Thanh Hóa, Quy Nhơn… Những dự án ấy không chỉ thổi luồng sinh khí mới cho bất động sản khu vực tỉnh mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của mỗi địa phương từng ngày từng giờ.

Liệu chăng, với sự trỗi dậy của những vùng đất mới, 2021 sẽ là một năm đột phá của nhà đầu tư và một thị trường bất động sản với đầy kinh nghiệm, vững vàng hơn sau giai đoạn “thử lửa” của dịch bệnh, của áp lực chủ quan cũng như khách quan?

KHI NHU CẦU DỊCH CHUYỂN...

Có một thực tế đã và đang xảy ra với doanh nghiệp bất động sản tại khu vực trung tâm là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất từ 3 - 5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý và sẵn sàng đưa ra thị trường. Trong khi đó, dự án ở khu vực tỉnh lân cận dù quãng đường di chuyển xa nhưng với điều kiện kết nối giao thông ngày một thuận tiện, tốc độ để ra mắt sản phẩm nhanh hơn, nguồn cầu mới đến từ khu vực vùng ven trung tâm… đã trở thành những lực hút ly tâm, đẩy dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Yếu tố tích cực được chỉ ra là thị trường các tỉnh vùng ven giúp doanh nghiệp đa dạng được rổ hàng, có thêm sản phẩm mới, tiếp cận được nhóm khách hàng mới và đặc biệt là đứng trước cơ hội mở rộng thị phần, tăng nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, giá các sản phẩm ở tỉnh thường ‘mềm’ hơn khu vực trung tâm, là lợi thế để chủ đầu tư cấu trúc từ sản phẩm đắt đỏ sang vừa túi tiền, và cũng là phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung hiện tại.

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường của batdongsan.com.vn cho biết, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản tại các tỉnh phía Bắc. Theo đó, 6 tỉnh miền Bắc đứng đầu về lượng tìm kiếm trên batdongsan.com.vn gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Còn tại khu vực phía Nam, 7 tỉnh miền Nam đang ghi nhận sự quan tâm nhiều nhất của người mua bất động sản lần lượt là: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Cần Thơ và Kiên Giang. Trong đó, bất động sản Bình Dương đang được quan tâm nhất khi lượng tìm kiếm tăng 21% quý liền trước.

Sự phát triển các khu đô thị đồng bộ tại khu vực vùng ven, các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh có lợi thế đường bờ biển dài đang có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư 

Theo ông Hiếu, Bình Dương được quan tâm vì sở hữu tỷ suất di cư thuần giai đoạn 2009 - 2019 lên đến 200%, cao nhất Việt Nam. Tỷ lệ nhập cư lớn dẫn đến mức độ quan tâm trong quý II cũng tăng 21% so với quý liền trước. Giá đất nền trung bình đạt 13,8 triệu đồng/m2.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người di cư không có nhà riêng lên tới 44%, chứng tỏ nhu cầu nhà ở tại đây còn khá lớn. Qua thời gian, thị trường giá nhà tại đây cũng tăng trưởng nhanh hơn và đẩy sự phát triển thị trường lên mức cao hơn.

Cũng theo ông Hiếu, mức độ quan tâm tới bất động sản công nghiệp tại một số khu vực đang kéo theo mức độ quan tâm tới bất động sản nhà ở. Hay nói cách khách, bất động sản nhà ở sẽ phát triển theo bất động sản công nghiệp. Thêm vào đó, sự phát triển các khu đô thị đồng bộ tại khu vực vùng ven, hay các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh có lợi thế đường bờ biển dài cũng đang có sức hấp dẫn lớn với chủ đầu tư và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong trung và dài hạn, bất động sản vẫn là kênh sinh lời tốt bởi 3 năm qua do những yếu tố khách quan cũng như chủ quan, số lượng dự án được phê duyệt khá ít, nhưng nhu cầu về bất động sản lại ngày một tăng lên. Chính vì thế, theo vị chuyên gia này, thị trường bất động sản và đặc biệt là khu vực tỉnh còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội, quan trọng là các nhà đầu tư cần đi đúng hướng.

“Điều quan trọng của đầu tư là phải nhìn vào tiềm năng lâu dài của bất động sản. Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ có những dự án được đầu tư có quy mô, hạ tầng tốt, khai thác một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh. Đó là những dự án sẽ tạo ra sức nóng trên thị trường”, ông Thanh khẳng định.

Có thể thấy, với chi phí đầu tư còn tương đối rẻ, việc nhắm tới các địa phương này không ngoài mục đích đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng và quy hoạch trong tương lai, bởi đây đều là những địa phương hoặc có thế mạnh về du lịch, hoặc đang có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh. Cùng với đó, trong vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông kết nối giữa địa phương với các khu vực trung tâm ngày một phát triển giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện hơn, càng tạo lực đẩy cho nhà đầu tư mạnh dạn đón sóng ở các thị trường mới nổi.

3 NỀN TẢNG VỮNG VÀNG KHIẾN BẤT ĐỘNG SẢN VÙNG VEN "NỔI SÓNG" 

Ngay khi bắt được “sóng” đầu tư, nhiều tỉnh thành đã nhanh chóng dọn đất sạch, tạo quỹ đất dồi dào cũng như tìm giải pháp thuận lợi nhất để đón đầu cơ hội trỗi dậy cho chính mình. Tuy nhiên, điều thấy rõ nhất chính là tiềm năng và sức hấp dẫn đến từ nội tại mỗi địa phương.

Ở khía cạnh doanh nghiệp với những kinh nghiệm đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho hay: "Tại các tỉnh, thủ tục đầu tư dễ dàng hơn, địa phương cởi mở hơn trong việc kêu gọi đầu tư, hạ tầng giao thông và tiện ích cũng ngày một cải thiện", đó là những nguyên nhân thúc đẩy bước chân ngày một mạnh mẽ của các nhà đầu tư ra xa trung tâm.

Với 3 nền tảng chính gồm: Quy hoạch đồng bộ; Thủ tục pháp lý nhanh chóng; Chi phí đầu tư thấp, chu kỳ hồi vốn ngắn, bất động sản tỉnh và vùng ven tự tin trở thành điểm đến hấp dẫn ở chu kỳ mới của thị trường.

1/ Quy hoạch đồng bộ

Yếu tố cốt lõi đầu tiên để nhà đầu tư lựa chọn điểm đến chính là quy hoạch hạ tầng. Có thể thấy, những tên tuổi mới nổi trên bản đồ bất động sản như Quy Nhơn, Thanh Hóa hay Hạ Long đều là những khu vực có sự đầu tư đồng bộ nhất.

Đối với Quy Nhơn, TP này được đánh giá là một trong số ít địa điểm được đầu tư đồng bộ với 4 loại hình giao thông trọng điểm là: đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy. Có thể kể đến: Hệ thống đường bộ huyết mạch QL1A, QL 1D, QL19, mạng lưới đường đô thị địa phương hay hàng loạt tuyến đường mới nối sân bay Phù Cát với các khu kinh tế, tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái lớn của Quy Nhơn đã hoàn thiện, là yếu tố thu hút du khách và nhà đầu tư đến với Bình Định.

Sở hữu 72km bờ biển, Quy Nhơn còn được tạp chí Rough Guides (Anh) bình chọn là một trong ba điểm du lịch hàng đầu Đông Nam Á.

Trong khi đó, Thanh Hóa lại là cửa ngõ quan trọng nhất của khu vực Bắc Trung Bộ, được thiên nhiên ưu đãi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nơi đây đang trỗi dậy thành một vùng đất hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản.

Thanh Hóa cũng là một trong số ít tỉnh có đầy đủ hệ thống giao thông cơ bản, từ đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có hệ thống đường thủy nội địa dài 697,5km; Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng đón tàu hàng hải quốc tế có tải trọng tới 50.000 DWT hay sân bay Thọ Xuân với lượng hành khách liên tục tăng cao, có năm tăng gần 300%... Đó là những tiền đề quan trọng để kinh tế Thanh Hóa phát triển và hấp dẫn nhà đầu tư.

Đối với Hạ Long, hàng loạt những đòn bẩy lớn đã được thành hình trong thời gian qua khiến nơi đây trở thành điểm sáng đầu tư. Điển hình như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái đi vào hoạt động; Cầu Bạch Đằng nối hai thành phố lớn Hạ Long và Hải Phòng hoàn thành; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào vận hành khai thác…. Đi đôi với những điều kiện nêu trên, là hệ thống tiện ích, cở sở vật chất liên tục được nâng tầm với sự xuất hiện của các ông lớn như Vingroup, FLC Group, Sun Group… Điều này khiến du khách đến Hạ Long dài ngày hơn, nhà đầu tư đặt niềm tin tốt hơn vào thị trường.

2/ Thủ tục pháp lý nhanh chóng

Thủ tục phê duyệt, cấp phép đầu tư ở các thị trường tỉnh, vùng ven được đánh giá là khá nhanh chóng, linh động cho các nhà đầu tư

Nằm trong “gói ưu đãi” dành cho nhà đầu tư, các thủ tục về pháp lý cũng được chính quyền địa phương linh động, xử lý nhanh chóng. Cốt lõi là do quỹ đất sạch, dẫn tới các hoạt động phê duyệt quy hoạch, cấp phép đầu tư dự án trở nên nhanh gọn hơn.

Riêng với Hạ Long, Quảng Ninh, địa phương này không chỉ có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư về vị trí địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng mà còn có hệ thống các cấp chính quyền nhanh nhạy, có động thái điều hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa chính sách mở cửa kêu gọi nhà đầu tư. Điển hình là việc đi vào vận hành, hoạt động của Trung tâm Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh giúp doanh nghiệp giảm việc tiêu tốn thời gian, tài chính và thể hiện tính minh bạch khi tiếp cận với các sở, ban, ngành.

3/ Chi phí đầu tư thấp, khả năng sinh lời cao

Như nhiều chuyên gia nhận định, thị trường tỉnh luôn có nhiều cơ hội với giá đất rẻ, quỹ đất dồi dào. Bên cạnh đó, việc phát triển dự án nhận được nhiều hậu thuẫn từ chính quyền địa phương với hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lâu năm.

Trong nguy có cơ, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao, Chính phủ nhanh chóng có động thái hỗ trợ với hàng loạt chính sách gia hạn thuế, giảm tiền thuế đất… đây cũng là một phần yếu tố giúp doanh nghiệp yên tâm rót vốn, nhà đầu tư, người mua yên tâm xuống tiền với dự án.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự đầu tư mạnh mẽ của các tỉnh vào phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp... đã tất yếu tạo nên sự phát triển của thị trường bất động sản địa phương, gây sức hút cho nhà đầu tư.

Thêm vào đó, do nhu cầu về nhà ở và hệ thống hạ tầng dịch vụ xã hội các tỉnh mới bắt đầu hình thành, thị trường bất động sản cũng có mức chi phí và giá thành thấp so với các thành phố lớn, giúp cho thời gian quay vòng vốn nhanh hơn, chu kỳ đầu tư ngắn nên cơ hội để sinh lời cao. Đây là một trong những lý do chính khiến thị trường tỉnh lẻ có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

SẴN SÀNG CHO LÀN SÓNG MỚI

Trải qua cú sốc Covid-19 lần 2, sự phục hồi của thị trường bất động sản buộc phải nhanh và gấp rút hơn bao giờ hết để có thể trở về trạng thái bình thường. Bằng những số liệu ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu thị trường có thể thấy, các vùng đất mới nổi đang trở thành cứu cánh của thị trường bất động sản.

Trong khi những thị trường truyền thống giảm tốc cả về nguồn cung và giao dịch, khiến giới đầu tư e dè thì những thị trường nghỉ dưỡng mới lại đang lọt vào tầm ngắm của giới này. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Quảng Bình, Phan Thiết (Bình Thuận), Tuy Hòa (Phú Yên), Đà Lạt, Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa, Hải Phòng…

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thị trường mới là điều tất yếu. Trong tương lai gần, những thị trường này sẽ hút mạnh nguồn vốn của các nhà phát triển dự án và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cơ sở cho nhận định trên là do các tỉnh trên đều sở hữu đường bờ biển dài và cảnh quan thiên nhiên đẹp trong khi số lượng phòng lưu trú lại rất ít ỏi.

Quy Nhơn (Bình Định) là một trường hợp điển hình và theo nhận định của các chuyên gia thì đây là đô thị biển tiếp theo tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản

Đơn cử, Quy Nhơn sở hữu 134km bờ biển nhưng mới chỉ có hơn 1.000 phòng. Với 102km bờ biển, Thanh Hóa hiện có khoảng 1.700 phòng. Quảng Bình là 116km bờ biển nhưng cũng chỉ có khoảng 1.000 phòng. Đường bờ biển khá dài (125km) nhưng Hải Phòng chỉ có khoảng 700 phòng phục vụ du khách. Những con số này đều quá “khiếm tốn” so với nguồn cung lưu trú của các thị trường truyền thống…

Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho rằng quy luật thông thường là khi các thị trường lớn, trọng điểm đã bão hòa thì dòng tiền đầu tư sẽ chảy sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng và có dư địa phát triển. Trong trường hợp này, các thành phố biển mới nổi trên bản đồ du lịch Việt Nam như Bình Định, Ninh Thuận,… đang được giới đầu tư dành sự quan tâm lớn.

Đặc biệt, Quy Nhơn (Bình Định) là một trường hợp điển hình và theo nhận định của các chuyên gia thì đây là đô thị biển tiếp theo tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản. Giữa Quy Nhơn và Nha Trang có khá nhiều điểm tương đồng như sở hữu bờ biển dài, khả năng kết nối giao thông đường bộ thuận tiện. Nhưng trong mắt của giới đầu tư thì vùng đất ven biển của tỉnh Bình Định có thể còn là một thị trường màu mỡ hơn nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với lợi thế thu hút khách du lịch nước ngoài thông qua cảng hàng không Phù Cát đang được hoàn thiện cơ sở hạ tầng để khai thác các chuyến bay quốc tế.

Cũng theo giới phân tích, bên cạnh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp, nhà ở, các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt chú trọng rót vốn qua kênh đầu tư nghỉ dưỡng biển bởi hai yếu tố: Thứ nhất, bất động sản nghỉ dưỡng tại vùng biển vẫn được dự báo còn nhiều tiềm năng về nguồn cung, đặc biệt quỹ đất ven biển tại các vùng biển mới vẫn còn dư địa lớn. Thứ hai, đầu tư sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng biển có mức sinh lời từ 8 - 10% cao hơn so với mức 4 - 5%/năm từ đầu tư căn hộ nhà ở.

Thực tế cho thấy, khoảng 10 năm trước đây, tại những cung đường ven biển mà cụ thể là các cung đường tại các thành phố du lịch của miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn…, giá đất còn khá thấp, như đường Võ Nguyên Giáp của Đà Nẵng, hay đường Xuân Diệu của Quy Nhơn giá đất chỉ nằm quanh mức vài chục triệu đồng/m2, thậm chí thấp hơn. Nhưng những cung đường này ngày càng khan hiếm và trở thành tài sản trị giá triệu đô, thậm chí tỷ đô khi được phát hiện, tôn tạo và khai thác đúng cách... 

Theo thống kê, có những khu ven biển nằm trong các vịnh biển, giá đắt lên đến gấp hàng chục lần so với trong đất liền. Vì vậy, việc nhìn nhận và nắm bắt cơ hội để phát huy hiệu quả dòng vốn đầu tư của khách hàng là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi trên cả nước, nơi có giá bất động sản đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời. Ở các tỉnh miền Trung, các nhà đầu tư đã chuyển dòng vốn của mình sang các tỉnh khác như Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định… là những địa phương có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, là các thị trường mới nổi để phát triển bất động sản.

Riêng thị trường bất động sản Quy Nhơn (Bình Định), ông Đính cho rằng, chính chủ trương tạo điều kiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, chính sách cởi mở giúp các đại gia địa ốc “đổ bộ” vào thị trường này như FLC, Sun Group, TMS Group với các dự án nổi bật như TMS Luxury Hotel & Residences của TMS Group, dự án Khu phức hợp Sun Group Quy Nhơn, dự án FLC Lux City Quy Nhơn…

Về dư địa tăng giá, theo ông Đính các tuyến đường ven biển Quy Nhơn và các khu vực đô thị An Nhơn, Hoài Nhơn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Những khu vực này với lợi thế ven biển, thuận lợi cho việc kinh doanh du lịch nên các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn sẽ mua để đầu tư, các dự án nhà ở, khu đô thị hoàn chỉnh cũng vì thế được hưởng lợi.

Xét về dài hạn, với lực đẩy mạnh mẽ về du lịch mà Quy Nhơn đang sở hữu, kết hợp với hàng loạt dự án đô thị, khách sạn cao cấp đang được triển khai, khoảng 5 năm nữa, một số khu vực tiềm năng tại Quy Nhơn có thể sẽ phát triển tương đương Đà Nẵng - Nha Trang, và sẽ sớm trở thành “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư.

Để kích hoạt các vùng đất mới này, giới phân tích cho rằng, cần phải hoá giải các thách thức đang tồn tại. Đó chính là việc một số chính sách hiện nay chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Chính phủ cần phải sớm có phương án, có lời giải thỏa đáng để xử lý dứt điểm các mâu thuẫn, vướng mắc trong phát triển. 

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp rõ ràng hơn với từng dự án. Từ thách thức trên, các nhà phát triển bất động sản khi triển khai dự án cần cân nhắc kỹ phương án. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ bất động sản phải xem xét kỹ các dự án, tính khả thi, năng lực của chủ đầu tư, sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Việc có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 cũng là một lực đẩy quan trọng giúp thị trường bất động sản bước sang năm 2021 có thể phát triển lành mạnh, bền vững và chất lượng hơn.

Đặc biệt, khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm, một vài phân khúc trên thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Từ đó giúp khơi thông dòng chảy thị trường, các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án cũng vì thế mà khởi sắc hơn”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi thị trường đã trải qua giai đoạn trầm lắng do những tác động chính sách trước đó và thêm cú bồi dịch bệnh, sự sàng lọc sẽ mạnh mẽ hơn. Tồn tại và vượt qua được giai đoạn khó khăn là những chủ đầu tư thực sự có năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Cùng với việc pháp lý được khơi thông, thị trường phát triển minh bạch hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đối với bất động sản càng được củng cố. Họ sẽ không lăn tăn nhiều khi bỏ vốn vào bất động sản vì được an tâm về mặt pháp lý, lợi ích giữa người mua và người bán được thể hiện rõ ràng.

“Đó là những cơ hội có thể nhìn thấy rõ, vì thế chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng rằng bức tranh thị trường bất động sản năm 2021 sẽ có nhiều điểm sáng. Với tình hình chung như vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt, nhà đầu tư có thể mua bất động sản để ở hoặc đầu tư dài hạn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Thị trường bất động sản đang chứng kiến những làn sóng phát triển mới của bất động sản ven đô. Xuôi theo xu hướng ly tâm, bất động sản tại các tỉnh thành nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn quỹ đất sạch dồi dào trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Tuy vậy, không phải thị trường nào cũng là điểm đến an toàn khi trăm hoa cùng đua nở, nhà đầu tư khó lòng tìm cho ra bông hoa nào mang lại mật ngọt. Như một chuyên gia đã nhận định: Đầu tiên phải hiểu rằng, không phải thị trường bất động sản tỉnh lẻ nào cũng có sức hút mà phải tuỳ thuộc vào đặc thù từng địa phương. Những tỉnh ven biển luôn có lợi thế hơn nhờ có ưu đãi về mặt thiên nhiên để phát triển du lịch, những tỉnh có cơ chế chính sách thu hút đầu tư như Bắc Ninh, Thái Nguyên... sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, nhờ đó, mặt bằng lớn về xã hội, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật cũng được đi lên.

Điển hình là Hạ Long, Quảng Ninh, Thanh Hóa hay Quy Nhơn khi có đầy đủ các điều kiện cần và đủ nêu trên.

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 26/9/2020, tại Quy Nhơn, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo: Bất động sản 2021 & Sự trỗi dậy của những thị trường mới, FLC Group là nhà tài trợ đồng hành của Hội thảo.

Hội thảo sẽ đi sâu vào phân tích nhu cầu dịch chuyển của nhà đầu tư và thị trường khi quỹ đất sạch nội đô dần khan hiếm trong bối cảnh nhiều tỉnh thành khác có lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch ven biển đang tích cực "trải thảm" đón "phượng hoàng" trong nước, và sự sẵn sàng của thị trường cũng như nhà đầu tư cho làn sóng mới, trong giai đoạn bình thường mới với đầy đặn sức lực, ý chí đầu tư cho phát triển.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top