Aa

Bất động sản 24h: Bộ Xây dựng lo hiện tượng “sốt giá“ bất động sản năm 2022

Thứ Bảy, 29/01/2022 - 11:30

Bộ Xây dựng lo hiện tượng "sốt giá" bất động sản năm 2022; Thị trường bất động sản 2022: Dấu ấn hạ tầng… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Bộ Xây dựng lo hiện tượng "sốt giá" bất động sản năm 2022

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021, trong đó đề cập tới giá nhà ở và một số loại bất động sản khác.

Theo báo cáo, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Hà Nội.

Chẳng hạn như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì 45%, một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%. Ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản 2022: Dấu ấn hạ tầng

Xuất hiện trong quảng cáo của chủ đầu tư nhiều năm qua, nhưng 2021 là năm đầu tiên lợi thế giao thông của các dự án dọc theo tuyến đường sắt đô thị (metro) được hiện thực hóa. Đầu tháng 11/2021, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội chính thức đi vào vận hành sau 10 năm thi công.

Dù chỉ dài hơn 13km, nhưng đã có hơn 100 dự án bất động sản đã và đang được phát triển dọc tuyến metro này. Khảo sát của Colliers Việt Nam cho thấy, nhiều dự án quanh tuyến đường từng bị “lãng quên” cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm trở lại.

bất động sản 2022

Trong khi đó, tại TP.HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên lỡ hẹn. Dù vậy, nó cũng đã tạo ra một làn sóng đầu tư bất động sản bao quanh, từ nhà ở đến các trung tâm thương mại, với hơn 30 dự án “ăn theo”. Giá mở bán các dự án tại những quận có tuyến metro này đi qua trong giai đoạn 2012 - 2016 tăng khoảng 150 - 200% so với các khu vực khác, đến nay tiếp tục tăng thêm 15 - 50%.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 5 năm tới, sẽ khởi công xây mới 67 dự án giao thông quan trọng, trong đó ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhiều tuyến đường bộ cao tốc. Trong số này, có 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Phục hồi mạnh mẽ giữa tâm dịch, bất động sản Bắc Giang lạc quan bước vào năm 2022

Nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm quý I/2021 Bắc Giang là tâm điểm của thị trường bất động sản phía Bắc, là vùng trũng của dòng tiền đầu tư. Trong bối cảnh giãn cách do dịch bệnh, thị trường giao dịch bị đứt gãy thì sự sôi động vẫn xuất hiện đâu đó ngay trong tâm dịch. Bằng chứng là trong những tháng cuối năm 2021, các chương trình mở bán online vẫn thu hút hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư tham gia. Các phiên đấu giá đất được khởi động lại với số lượng khách tham gia đông đảo, nhiều lô đất được trả giá cao gấp đôi giá khởi điểm. Thị trường bất động sản tỉnh Bắc Giang được dự báo có nhiều dấu hiệu tích cực, để bước tiếp sang năm 2022 nhiều cơ hội.

Trước thềm năm mới Nhâm Dần, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh thị trường bất động sản Bắc Giang trong năm 2021 vừa qua và kỳ vọng cho năm 2022.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Căn hộ mới giá bán 20 triệu đồng/m2 biến mất, Hà Nội cần điều tiết nguồn cung

áo cáo cuối năm 2021 của Savills cho thấy, sự tăng trưởng về số lượng nhà ở mới tính theo quý giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung căn hộ được tung ra trong quý IV/2021 đạt khoảng 4.500 căn.

Loại hình nhà ở đang ghi nhận mức tăng 42% theo quý nhưng giảm 19% theo năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm qua khi nguồn cung sơ cấp giảm 21% với hơn 33.600 căn. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới khi nguồn cung tương lai của năm 2022 - 2023 ở dưới mức 25.000 căn và giảm xuống dưới 20.000 căn trong những năm tiếp theo.

Căn hộ Hà Nội

Bối cảnh nguồn cung hạn hẹp cũng đang được chứng kiến ở loại hình biệt thự và nhà liền kề. Thị trường không ghi nhận dự án nào mới trong quý IV/2021. Nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán, cung cấp ra thị trường 245 căn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đất vườn, đất nông nghiệp liên tục sốt nóng: Vì đâu?

Thực tế, có không ít nhà đầu tư thắng đậm khi đầu tư đất nông nghiệp, đất vườn nhưng cũng nhiều nhà đầu tư mắc cạn khi tham gia vào loại hình này. Rủi ro có thể đến từ việc đón đầu dự án, đón đầu quy hoạch nhưng trong nhiều trường hợp, quy hoạch không diễn ra hoặc chậm diễn ra khiến nhà đầu tư mắc kẹt, ở không được, bán cũng chẳng xong.

Một rủi ro khác có thể kể đến khi mua đất vườn là việc chuyển lên đất thổ cư thường mất nhiều thời gian, đòi hỏi chủ đất phải có nguồn vốn mạnh để tránh tình trạng cạn vốn trong lúc thủ tục chưa hoàn thành. Rủi ro lớn nhất là nếu mảnh đất nông nghiệp nằm trong diện giải tỏa thì chủ đất chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tối đa những rủi ro khi đổ tiền vào đất nông nghiệp, nhà đầu tư cần tra cứu các thông tin quy hoạch phát triển chung của khu vực xem thửa đất có cơ sở được phép chuyển đổi mục đích sử dụng hay không, nếu có thì chi phí chuyển đổi ra sao, quy trình và thủ tục lên thổ cư như thế nào…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top