Càng cắm đầu mua đất Đông Anh, càng làm giá cho người bán
10 năm trở lại đây, huyện Đông Anh, Hà Nội chứng kiến nhiều đợt sốt đất nền, đất thổ cư mỗi khi đón nhận tâm lý tích cực từ thị trường như hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Nhật Tân, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, dự án cầu Đông Trù, rồi thông tin huyện sẽ lên quận vào năm 2020.
Nhận định về vấn đề này, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam cho rằng, Đông Anh cách trung tâm 1 cây cầu, đây cũng là khu vực đang có nhiều kế hoạch về xây dựng các cầu đường kế nối khác như cầu Tứ Liên. Khi các cây cầu đi vào hoạt động, khoảng cách đi từ Đông Anh vào Hà Nội sẽ càng gần hơn.
Trước thông tin giá đất thổi tăng thậm chí lên đến 50%, nhiều nhà đầu tư lo ngại tình trạng sốt ảo xảy ra, ông Dương Đức Hiển khẳng định không tránh được tình trạng này. Bởi bên cạnh những khu vực sốt đất thực nhờ thấy được tiềm năng thì cũng có những khu vực sốt do yếu tố thị trường là những nhà đầu cơ, những đối tượng cò đất thổi giá trục lợi.
"Hiểu biết về thị trường của người Việt Nam thực sự có vấn đề, vẫn đầu tư theo tâm lý bầy đàn. Càng cắm đầu vào mua càng làm giá cho người bán", ông Dương Đức Hiển nêu vấn đề và khuyến cáo, trước khi xuống tiền đầu tư đón đầu cơ hội, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy hoạch vùng liên quan, các dự án, khu đô thị có đảm bảo tính pháp lý hay không.
Khổ như dân chung cư… Hà Nội!
Cứ tưởng có một căn nhà ở Hà Nội là sung sướng, hạnh phúc, là được tiệm cận với dịch vụ y tế hàng đầu, với môi trường giáo dục tốt. Nhưng có lẽ chưa kịp được tận hưởng nhiều cái tốt nhất của Thủ đô thì cư dân chung cư đã phải đón nhận trăm cái khổ.
Để mua được căn nhà Hà Nội chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với những người trẻ từ tỉnh lẻ lên Thủ đô lập nghiệp. Vất vả vay mượn người thân, bạn bè, tích cóp bao ngày tháng để tìm kiếm mua một căn chung cư với ước mơ duy nhất “an cư mới lập nghiệp”. Khó khăn và quyết tâm là vậy nhưng những người trẻ tỉnh lẻ vẫn phải nỗ lực để có một căn nhà nhỏ ở, để an tâm cho công việc rồi kiếm tiền trả nợ. Nhưng mua một căn chung cư đâu phải đơn giản chỉ là tài chính mà còn là phải lựa chọn dự án nào, ở đâu.
Ở chung cư đâu phải không lo lắng. Nỗi sợ của hỏa hoạn khiến người ta cảm thấy đôi lúc mạng sống của mình thật mong manh. Lỡ một cư dân thiếu cẩn thận, lỡ một chung cư không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì cảm giác bất an là luôn thường trực trước tiếng chuông reo "báo giả" mỗi ngày.
Thế mà chưa hết, trở thành cư dân chung cư là bị phụ thuộc và thiếu tự chủ đến nỗi... chính họ cũng chẳng rõ nguồn trữ nước của mình như thế nào. Chỉ biết, ở chung cư khác, người ta phát hiện ra nguồn nước bẩn và đen. Và chỉ biết, mỗi ngày, họ phải sử dụng nguồn nước chẳng biết kiểm chứng và xét nghiệm mẫu nước ra sao. Căng nhất và điển hình nhất như vừa qua, không ít cư dân chung cư “nhắm mắt” dùng nước nhiễm dầu. Vì đâu còn lựa chọn nào khác! Đợi mãi, đợi tới 2 ngày rồi 5 ngày, họ mới biết được nước mình dùng nhiễm dầu. Bởi họ phụ thuộc vào thông báo của ban quản lý... rồi đến Công ty trung gian cung cấp nước và Công ty sản xuất nước sạch.
Kêu gọi doanh nghiệp hiến kế phát triển thị trường bất động sản
Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2019 chuẩn bị được tổ chức, kỳ vọng những vấn đề bất cập của thị trường bất động sản được đưa ra bàn thảo sẽ kêu gọi được sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, với Diễn đàn bất động sản Việt Nam lần 1, bước đột phá là đã giảm bớt thời gian đọc tham luận buồn tẻ vì đã in trong tài liệu có sẵn mà là các phiên thảo luận, nơi những ý kiến, những vấn đề tồn tại vướng mắc được đối thoại mổ xẻ, được tham vấn đa chiều tạo sự sinh động và thoả mãn được nhu cầu nói - nghe, tương tác với cơ quan chức năng để có sức nặng trước dư luận truyền thông. Đó là thành công lớn nhất của Diễn đàn và là cơ sở để Ban tổ chức tiếp tục tổ chức hoàn thiện hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên 2019 là sự tiếp nối và kế thừa diễn đàn lần 1 nhưng nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và phát triển của thị trường, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Diễn đàn lần này có sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, khối kinh tế Nhà nước, khu vực tư nhân…
Kỳ vọng trong Diễn đàn 2019, khối chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiến nhiều kế quan trọng cho việc hoàn thiện khung chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
"Gỡ khó" cho dự án vướng đất công: Để địa phương quyết định
Tại hội thảo Bất động sản 2019 với chủ đề “Lấy ý kiến – Tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại địa bàn năng động nhất khu vực phía Nam là TP.HCM, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được đề xuất công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 10 dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, tại TP.HCM có một loại đất rất phổ biến là đất công dạng kênh rạch. Những kênh rạch này nhiều khi không thuộc diện phải giữ lại mà có thể là đưa vào làm dự án nhưng đưa vào đất gì thì không có luật nào quy định.
“Luật Đất đai hiện chưa quy định rõ tình huống đất công xen kẽ, phân tán trong quỹ đất của chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ được giải quyết thế nào. Trong Luật quản lý và sử dụng tài sản công lại quy định, kể cả 1m2 đất công cũng phải đem đấu giá. Vì những bất cập này nên hiện nay đang xảy ra tình trạng dự án cũ vướng đất công thì xếp để đó, dự án mới thì không ai dám đề xuất” – ông Chiến cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Chiến đề xuất UBND TP.HCM đưa ra là xem xét một tỷ lệ quy đổi nào đó, để nhận đất công về và tổ chức đấu giá đất công. “Chúng ta có thể chia ra làm nhiều mức khác nhau, chẳng hạn đất công chiếm không đáng kể so với diện tích dự án thì có thể giao luôn cho nhà đầu tư nhưng chiếm diện tích lớn hơn thì phải có tỷ lệ quy đổi nhận về lớn hơn. Cụ thể tỷ lệ quy đổi bao nhiêu thì các cơ quan của thành phố đề xuất” – ông Chiến cho biết.
"Cần khởi tố và đình chỉ hoạt động kinh doanh của Viwasupco"
Những ngày vừa qua, tâm điểm chú ý của dư luận hướng vào việc nguồn nước sạch sinh hoạt do Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp đến các quận phía Tây Nam TP. Hà Nội (quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Nam Từ Liêm) bị nhiễm dầu thải, trong đó chỉ tiêu Styren cao vượt mức cho phép tới hơn 3 lần.
Chưa hết hoang mang vì phải dùng nước bẩn liên tục trong nhiều ngày, người dân lại tiếp tục phải đối mặt với nỗi khổ bị cắt nước, phải xếp hàng dài chờ cấp nước sinh hoạt từ xe bồn. Vì thiếu nước - nhu cầu thiết yếu nhất nên cuộc sống của người dân bị đảo lộn, khó khăn tưởng chừng đến cùng cực như thời Hà Nội còn bao cấp.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fanci cho rằng, phát hiện lượng dầu thải lớn như vậy đổ ra môi trường không phép là đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Công an huyện Kỳ Sơn đã làm kịp thời và đúng đắn. Phải khởi tố để điều tra làm rõ tội phạm đưa ra truy tố.
Tuy nhiên, việc Styren có trong dầu thải và Styren có trong nước sinh hoạt cần phải được xem xét cẩn thận và đúng đắn. Trách nhiệm của kẻ xả dầu thải với trách nhiệm của Viwasupco cung cấp nước bẩn là hai trách nhiệm độc lập. Hậu quả do cung cấp nước bẩn là cực kỳ nghiêm trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội của hàng vạn con người. Phải khởi tố hình sự thêm đối với hành vi cấp nước bẩn này của Viwasupco và những cá nhân có liên quan.