Đề xuất người vay mua nhà được giảm 30-50% lãi vay
Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 và các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ, nên các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.
Do đó, HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Về phía người mua nhà, HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn tín dụng.
Biệt thự, nhà phố liền kề đón xu hướng đầu tư mới sau Covid-19
Báo cáo nghiên cứu thị trường quý I/2020 của Savills nhận định rằng thị trường nhà phố, biệt thự liền kề là một trong những phân khúc ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi thị trường căn hộ chịu tác động mạnh với lượng giao dịch giảm sâu, thị trường đất nền cũng có dấu hiệu chững lại rõ nét nhất sau 5 năm thì thị trường nhà phố, biệt thự liền kề vẫn có nguồn cung và nguồn cầu.
Tuy nhiên, ít nhiều phân khúc này cũng đã có sự giảm nhẹ về nguồn cung sơ cấp so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng bởi dịch và tình trạng lấn cấn pháp lý, nguồn cung sơ cấp quý I/2020 đạt hơn 1.200 căn, tăng 46% theo quý nhưng giảm -6% theo năm. Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ đóng góp của hai dự án lớn mở bán tháng 1 và đầu tháng 2. Bốn trên năm dự án gia nhập thị trường trước thời điểm cách ly xã hội. Do Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã buộc phải dừng thi công, và có thể trì hoãn việc mở bán vào 6 tháng cuối năm 2020. Ba quận dẫn đầu là quận 2, 9 và Nhà Bè với 72% nguồn cung sơ cấp, tập trung ở các dự án phức hợp của các chủ đầu tư lớn và uy tín.
Thay vì đầu tư ồ ạt như trước thì giờ đây dòng tiền của nhà đầu tư sẽ được phân bổ ổn định, chắc chắn hơn. Các sản phẩm nhà phố, biệt thự liền kề được đầu tư bài bản, có đầy đủ tiện ích và đáp ứng nhu cầu bền vững sẽ được ưu tiên vì phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn.
Thông thường, trong khó khăn thì những nhà đầu tư ngắn hạn hoặc người mua ở thực sẽ có xu hướng tích trữ tạm thời để phòng bất trắc và ít quan tâm đến bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu nhà ở vẫn luôn có nên những sản phẩm thích hợp để làm “của để dành” vẫn được ưu ái. Đặc biệt là đối với những nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi và chịu khó chờ thời. Giao dịch có thể ít đi nhưng không làm mất đi giá trị của sản phẩm và tính thanh khoản.
Lỗ hổng của Luật Đất đai 2013: Nhìn từ các vụ án sai phạm động trời
Thời gian qua, hàng loạt các vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất - một trong những lĩnh vực xảy ra tiêu cực và tham nhũng nặng nề nhất.
Điển hình tại TP.HCM, tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco). Theo đó, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và các cán bộ liên quan bị khởi tố và bắt tạm giam vì có những sai phạm liên quan về quản lý đất đai. Theo thông tin mới nhất, vụ án này mới khởi tố thêm 3 bị can.
Tại Đà Nẵng, trong vụ việc để Vũ Nhôm thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật, các cựu lãnh đạo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng bị đưa ra xét xử với mức án đề nghị thấp nhất là 3 năm tù, nhiều nhất là 11 năm tù.
Liên quan đến sai phạm đất đai tại Khánh Hoà, cuối năm 2019 Ban Bí thư cũng đã công bố kết luận kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những sai phạm trong cấp đất và phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước...
Nhà phố ‘đất vàng’ Hà Nội đau đầu tìm khách thuê mới
Những tuyến phố được săn đón nhất tại khu vực quận Hoàn Kiếm nay đang phải treo biển cho thuê hàng loạt.
Những ngày gần đây, tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất với mặt bằng vốn luôn được các tiểu thương săn lùng như Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Tiền, Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)... đang đồng loạt gắn biển cho thuê nhà do khách cũ chấm dứt hợp đồng vì kinh doanh khó khăn trong dịch Covid-19.
Đây vốn là khu vực được mệnh danh là "đất vàng" tại trung tâm Hà Nội với mức giá rao bán lên đến cả tỷ đồng/m2, ngang ngửa với các thành phố nổi tiếng trên thế giới như New York, Paris, Tokyo...
Với vị trí đặc địa, thuận lợi cho việc buôn bán trong khu vực, đây là những tuyến đường luôn được lấp kín bởi các cửa hàng quần áo, đồng hồ, ăn uống, dịch vụ. Các căn mặt tiền vì lẽ đó cũng luôn có giá cho thuê từ khoảng 180-220 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, nhiều khách thuê không có doanh thu trong khi gánh nặng tiền thuê mặt bằng khá lớn, buộc các tiểu thương phải thanh toán hợp đồng trước thời hạn hoặc ngừng gia hạn hợp đồng.
'Siết' bất động sản sẽ đẩy giá lên cao
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 xuất hiện tình trạng thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc trung, cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho BĐS khoảng 104.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel (căn hộ du lịch)...
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai những dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giao dịch “đóng băng”, thủ tục hành chính kéo dài, đa số các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu Bộ Xây dựng dùng một mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường như nói trên là điều bất hợp lý.