Aa

Bất động sản 24h: Đồn đoán siêu dự án, đất nền Tây Hà Nội lại chực tăng giá

Thứ Năm, 16/01/2020 - 10:30

Đồn đoán siêu dự án, đất nền Tây Hà Nội lại chực tăng giá; Bất động sản công nghiệp 2020 - 2025: Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư; TP.HCM thông qua bảng giá đất 2020 - 2024... là những tin tức được quan tâm 24h qua.

Đồn đoán siêu dự án, đất nền Tây Hà Nội lại chực tăng giá

Sau Hoài Đức, Đông Anh thì Đan Phượng đang là cái tên hot trong giới đầu tư bất động sản. Khảo sát của một số sàn giao dịch bất động sản cho thấy, giới đầu tư đang để mắt tới phân khúc đất nền có vị trí đẹp với kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Trong đó, những vị trí dễ dàng kết nối với trung tâm Hà Nội nhờ giao thông phát triển thuận lợi đang là tâm điểm của thị trường.

Giới đầu tư cho hay, nguyên nhân dẫn đến sức hấp dẫn đất Đan Phượng đến từ hai thông tin là siêu dự án quy mô lên đến 50ha và huyện Đan Phượng được chuyển thành quận.

Trong đó, siêu dự án nằm trên địa giới hành chính của 4 xã là Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập. Do đó, đất tại những khu vực này là điểm nhắm đến của những nhà đầu tư. Cách đó không xa, một dự án lớn cũng có quy mô lên đến 200ha cũng đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt.

Còn Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, ăn theo siêu dự án, giá đất đã tăng mạnh. Đơn cử, đất dịch vụ ở Tân Hội đang được chào giá 55 - 57 triệu đồng/m2, trong khi trước đó khoảng 2 tháng, giá bán chỉ dao động từ 40 - 44 triệu đồng/m2. Như vậy, mức tăng giá đã đạt 30 - 40% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Đất thổ cư sát ngay siêu dự án thuộc Tân Hội giá tăng từ 40 - 42 triệu đồng/m2 lên mức 47 - 48 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ to, ô tô tránh nhau, giá cũng tăng từ 18 - 22 triệu đồng/m2 lên mức 20 - 25 triệu đồng/m2. Đất tại Liên Hà, Liên Trung trong ngõ 2 ô tô tránh nhau tăng từ 16 - 19 triệu đồng/m2 lên mức 18 - 22 triệu đồng/m2...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp 2020 - 2025: Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư

Năm 2019 là một năm tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics Việt Nam khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực.

Nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao thời gian gần đây đã góp phần giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi động hơn. Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết: “Chúng tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp cần thuê kho xưởng hay thuê đất để xây nhà máy. Nhu cầu tìm kiếm vị trí và đầu tư đang tăng rất nhanh trong vòng 2 năm qua. Vì sao, có nhiều lý do. Kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn. Thị trường tiêu dùng của Việt Nam đang được đánh giá rất hấp dẫn. Hạ tầng kết nối cũng là yếu tố cốt lõi để phát triển bất động sản công nghiệp”.

Khi diện tích đất công nghiệp dần bị thu hẹp, chủ đầu tư của các khu công nghiệp có xu hướng chuyển sang xây dựng nhà xưởng xây sẵn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách thuê.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, có nhiều yếu tố chính khiến bất động sản công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 là “cơ hội vàng” cho nhà đầu tư. Thứ nhất, trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam được ghi nhận là trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong 5 năm tới.

Thứ hai, thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh, theo đó logistics (kho vận) cũng phải đồng bộ. Vì thế, các doanh nghiệp logistics cũng đang nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm giữ miếng bánh lớn trong tương lai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Thứ 3, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn chưa có kết cục rõ ràng và thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ít nhiều hưởng lợi từ điều này và đạt đà tăng trưởng cao...

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM thông qua bảng giá đất 2020 - 2024

Sáng 15/1, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua bảng giá các loại đất trên địa bàn TP năm 2020. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua bảng giá đất năm 2020 với tinh thần giữ nguyên bảng giá đất cũ ban hành năm 2014.

Theo đó, mức giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn TP.HCM cơ bản vẫn giữ nguyên mức giá đất giai đoạn 2016 - 2019 trước đó.

Bảng giá đất mới bổ sung gần 400 tuyến đường đoạn đường mới tại các quận, huyện và cũng loại bỏ hơn 260 tuyến đường cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo bảng giá đề xuất, khu vực có giá đất cao nhất TP.HCM thuộc tuyến đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi với 162 triệu đồng/m2.

Giá đất ở đô thị thấp nhất trên địa bàn thành phố là 1,5 triệu đồng/m2. bảng giá đất kỳ này bổ sung giá các loại đất khu chế xuất, khu công nghiệp, đất y tế, đất giáo dục, đất tôn giáo theo quy định mới.

Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề; Giá đất kinh doanh, sản xuất phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ, đất y tế, đất giáo dục đất nghĩa trang, nghĩa địa bằng 60% giá đất ở liền kề…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đâu là phân khúc bất động sản đảm bảo thắng lớn trong 5 năm tới?

Hiện tượng đô thị hóa là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi. Dân số Việt Nam đã tăng từ 66 triệu người vào năm 1990 lên đến 96 triệu người năm 2019, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực chỉ sau Indonesia và Philippines.

Tuy tỷ lệ sinh chỉ ở mức thấp là 2,09, nhưng chính sự dịch chuyển lao động từ nông thôn lên thành thị mới là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng dân số thành thị. Người dân tại các tỉnh bị thu hút vào đô thị với mong muốn có nhiều cơ hội việc làm; mức sống tốt hơn, cơ sở giáo dục, cơ sở hạ tầng, nhu cầu cơ bản được cải thiện... Ngân hàng thế giới dự kiến mỗi năm dân số thành thị tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,4% cho đến năm 2025, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Giống như các quốc gia đang phát triển khác, đô thị tại Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giữa nguồn cung nhà ở sẵn có với việc đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là điểm thay đổi rõ rệt so với mười năm trước, khi quy mô trung bình của một hộ gia đình tại đô thị Việt Nam từ hai đến ba thế hệ ngày càng chia nhỏ hơn. Để phục vụ nhu cầu của người dân, một thành phố đang phát triển được kỳ vọng sẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản, bắt đầu từ nhà ở giá rẻ.

Theo báo cáo JLL, tổng nguồn cung căn hộ đã hoàn thành tại TP.HCM và Hà Nội tính đến quý IV/2019 đạt lần lượt 201.707 căn và 224.179 căn ở tất cả các phân khúc, tương đương với tỷ lệ 17 căn hộ /1.000 người. Tỷ lệ này tương đối thấp và chúng ta nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng, vì đây là phân khúc có nhu cầu nhà ở thực sự. Tuy nhiên, nguồn cung tại phân khúc căn hộ cao cấp và sang trọng hiện đang khá cao, đặc biệt là sau khi các dự án đang xây dựng được hoàn thành.

Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam: “Chúng tôi ước tính mật độ căn hộ cao cấp trên đầu người tại TP.HCM sẽ đạt mức 3 căn trên mỗi 1000 dân, gần tương đương mức ở BangKok, Kuala Lumpur và Manila, nhưng vẫn cao hơn Jakarta”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mỏi mắt tìm căn hộ 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM

Theo các chuyên gia, hiện nay trong bán kính 20 - 25km (khoảng cách so với trung tâm TP.HCM) rất khó để có quỹ đất làm dự án có giá dưới 2 tỷ đồng/căn. Nếu đi xa hơn nữa thì hạ tầng lại không giải quyết được.

Có lẽ đây là giai đoạn mà thị trường bất động sản chứng kiến nhiều khó khăn cùng một lúc. Bên cạnh câu chuyện khan hiếm nguồn cung ở hầu hết các phân khúc dự án thì câu chuyện người lao động khó khăn trong việc tìm chốn an cư với giá cả hợp lý cũng trở thành chủ đề được nhắc nhiều ở thời điểm này.

Tại sự kiện mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh, hiện tại nguồn cung nhà ở hạng C, có giá khoảng 25 triệu đồng/m2 ở khu vực lân cận TP.HCM gần như "tuyệt chủng". Lý do là giá đất các khu vực này hiện đã lên quá cao, chủ đầu tư khó có thể làm các dự án bán ra ở ngưỡng giá này. Vì thế, việc giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động là rất khó khăn ở thời điểm này.

“Thực tế, nếu những sản phẩm căn hộ có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2, có pháp lý đầy đủ thì khả năng tiêu thụ phải đạt 100%, nhưng loại hình gần như đang biến mất khỏi TP.HCM”, ông Lâm nhấn mạnh.

Hiện tại trong vòng bán kính (khoảng cách so với trung tâm TP.HCM), theo ông Lâm rất khó để có quỹ đất làm dự án có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, trong khi nhu cầu của thị trường ở phân khúc này còn rất lớn. Nếu đi xa hơn nữa thì hạ tầng lại không giải quyết được. Tuy nhiên, nhìn dài hạn thì các khu vực xa xôi của TP.HCM trong nhiều năm nữa sẽ có cơ hội phát triển, hạ tầng cải thiện sẽ giảm tình trạng kẹt xe, thị trường bất động sản vì thế cũng phát triển theo.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top