Aa

Bất động sản 24h: Đua “đổ“ tiền vào bất động sản ven biển

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 01/10/2021 - 10:30

Đua "đổ" tiền vào bất động sản ven biển; Thị trường bất động sản duy trì triển vọng tích cực... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất trong 24h qua.

Đua "đổ" tiền vào bất động sản ven biển

Vì đang ở giai đoạn đầu nên mức giá của phân khúc bất động sản du lịch còn thấp, đây là dư địa để nhà đầu tư có thể đổ tiền vào thị trường này, về trung và dài hạn sẽ có lợi nhuận.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, người chuyên mua đất xây riêng lẻ rồi bán cho những người có nhu cầu mua để ở tại Hà Nội chia sẻ, anh kinh doanh mô hình này được vài năm nay và hiện có trong tay khoảng gần chục tỷ đồng đang muốn tìm hiểu bất động sản ven biển để đầu tư khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Nhà đầu tư băn khoăn có nên lướt sóng vào bất động sản ven biển thời điểm này hay đổ tiền đầu tư dài hạn
Nhà đầu tư băn khoăn có nên lướt sóng vào bất động sản ven biển thời điểm này hay đổ tiền đầu tư dài hạn?

“Nếu bảo đi chọn mua đất thổ cư ở Hà Nội thì tôi thừa kinh nghiệm, nhưng chuyển sang bất động sản ven biển thì tôi chưa am hiểu lắm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản du lịch hay nghỉ dưỡng là nhu cầu của mọi người nên bất động sản ven biển sẽ vẫn có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề tôi băn khoăn là có nên đầu tư lướt sóng ở thời điểm này hay đổ tiền vào đầu tư dài hạn? Nếu đầu tư bất động sản ven biển thì khu vực nào sẽ có tiềm năng nhất?”, anh Tuấn đặt câu hỏi.

Nói về phân khúc này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE đánh giá, bất động sản ven biển luôn luôn tiềm năng.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, giai đoạn lướt sóng bất động sản ven biển đã đi qua. Nhiều thị trường đã trải qua những cơn biến động giá mạnh mẽ sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

“Theo tôi đầu tư trung và dài hạn sẽ đem đến hiệu quả cao cho nhà đầu tư đối với bất động sản ven biển”, bà Dung nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chủ tịch HoREA: Cần thiết “cứu” phân khúc nhà ở giá rẻ

Nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình quá lớn trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lại bị lãng quên, mắc kẹt suốt nhiều năm nay. Vì vậy, theo Chủ tịch HoREA cần thiết phải có giải pháp tháo gỡ.

Nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân, không ít loại hình nhà ở được ra đời. Tuy nhiên, riêng phân khúc căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu/m2 trên thị trường lại ngày càng ít đi, hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề an cư của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp tại các thành phố lớn.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội chỉ mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020, phải xây dựng được 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội). Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, nhiều dự án lại không được triển khai dẫn đến nguồn cung về phân khúc này trở nên khan hiếm.

Cụ thể, trong năm 2020, tại Hà Nội chỉ có một số ít dự án NOXH có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 được mở bán, như nhà ở xã hội IEC Thanh Trì; CT3-CT4 Kim Chung; Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm; Tòa 19T4 nhà ở xã hội Lucky House phường Kiến Hưng, quận Hà Đông… và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp khác như Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, Tasco Xuân Phương.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp Việt Nam chờ “ông lớn“ đổ bộ

Việt Nam đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu, kho lạnh...

Mặc dù vẫn có những trầm lắng do tác động tiêu cực từ Covid-19 nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản công nghiệp vẫn rất lớn ở thời điểm hiện tại. Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thị trường công nghiệp tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp giá trị thấp, sử dụng lao động kỹ năng thấp và đòi hỏi số lượng nhân công lớn sang các ngành công nghiệp có giá trị cao với lao động có kỹ năng và trình độ cao hơn. Thời gian trước, Việt Nam thường tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giá trị thấp như dệt may hoặc đồ nội thất.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam
Bất động sản công nghiệp Việt Nam chờ "ông lớn" đổ bộ. (Ảnh minh họa)

Song, với các định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc các loại hình bất động sản công nghiệp mới, bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hay kho lạnh công nghiệp.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Việt Nam nhận định: “Việc chuyển đổi sang thu hút các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiêp. Trên thực tế, khi các chi phí thuê bất động sản tăng cao, số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Định giá cổ phiếu bất động sản đang ở vùng hấp dẫn

Kế hoạch phát hành huy động vốn “khủng” có thể sẽ là yếu tố nâng đỡ về giá và mang tới sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngành bất động sản giai đoạn nửa cuối năm.

Báo cáo thị trường chứng khoán mới công bố bởi Fiin Pro cho hay, từ đầu tháng 7 tới nay, đối với 4 nhóm cổ phiếu đã từng "khuynh đảo" thị trường bao gồm: Ngân hàng, chứng khoán, thép và bất động sản thì dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng "rót" vào bất động sản, duy trì ở mức ổn định với ngân hàng, trong khi đó, vốn vào cổ phiếu thép và chứng khoán đều giảm nhẹ.

Thống kê ghi nhận, nhóm bất động sản nhà ở thu hút được dòng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân với giá trị mua ròng lũy kế từ 1/7 - 10/9/2021 đạt 14,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, 90% giá trị mua ròng này thuộc về cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC), CTCP Vinhomes (VHM) và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (NVL) và theo đánh giá của Fiin Group, dòng tiền này mang tính chất hỗ trợ giá hơn là cầu thực sự. Các cổ phiếu bất động sản khác được cá nhân mua ròng với quy mô nhỏ hơn bao gồm Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), CTCP  Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) và CTCP Đầu tư Nam Long (NLG). 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản duy trì triển vọng tích cực

Trong loạt báo cáo phân tích triển vọng các doanh nghiệp bất động sản công bố gần đây, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm thị trường bất động sản vẫn duy trì triển vọng tích cực.

Cụ thể, tại Báo cáo phân tích, đánh giá Công ty Cổ phần Vinhomes, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với mức độ nghiêm trọng cao và hoạt động giãn cách tại các đô thị lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ triển khai và bán hàng các dự án bất động sản.

Tuy vậy, tỷ lệ hấp thụ tại các dự án duy trì ở mức cao và mặt bằng giá một số sản phẩm vẫn ghi nhận mức tăng 5 – 10% ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này đến từ các yếu tố gồm thực trạng thiếu nguồn cung dự án mới, đặc biệt tại các đô thị lớn và mặt bằng lãi suất thấp thúc đấy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư tài sản hấp dẫn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top