Giao dịch trầm lắng, giá nhà đất vùng ven trung tâm TP.HCM hiện giờ ra sao?
Bên cạnh các nền đất, nhà phố có hiện tượng giảm giá so với mức chào bán thời điểm trước đó thì hầu hết giá nhà đất tại TP.HCM vẫn cách xa so với nhu cầu ở thực của số đông khách mua.
Chị Hạnh, ngụ Q.7, Tp.HCM cho biết, thấy thị trường có hiện tượng chững lại nên vợ chồng đi tìm mua nhà đất tại Q.9 nhưng thực tế tìm suốt tháng qua, chị vẫn chưa chốt được vì giá cao. Những lô đất môi giới nói giảm giá thực chất là trong hẻm cụt hoặc vướng cột điện/cống nước.
Nên vợ chồng chị ưng ý thì giá vẫn rất cao, có những nền giá vẫn chênh so với thời điểm Tết khoảng 80-100 triệu đồng, không có hiện tượng giảm giá. Chị Hạnh cho biết, nền đất diện tích 52m2, NĐT đưa ra giá 2,3 - 2,4 tỷ đồng/nền, tính ra 45 triệu đồng/m2, trong khi cùng kì năm ngoái giá chỉ khoảng 35 - 36 triệu đồng/m2.
Tìm hiểu được biết, một số NĐT xây nhà sẵn trên đất rồi rao bán với giá khá cao. Một căn nhà một trệt 2 lầu tại khu vực P.Long Trường, Long Phước (Q.9) hiện nhiều NĐT “hét giá” từ 3,5 - 4 tỷ đồng/căn. Trước đó, khoảng tháng 6/2019, giá các căn nhà xây sẵn này rơi vào khoảng 2,6 - 3 tỷ đồng/căn cho các căn cùng diện tích.
Bất động sản Khánh Hoà vào giai đoạn “chững lại”
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Khánh Hoà cho biết, vào thời điểm đầu năm 2018, mỗi tháng, các sàn giao dịch chốt thành công trên dưới 10 hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó, mỗi tháng chỉ chốt được 1 - 2 hợp đồng. Đến quý III/2019, tất cả phân khúc bất động sản tại thị trường Khánh Hòa đều chững lại.
Nguyên nhân là bởi các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai ở Khánh Hòa bị thanh, kiểm tra gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, khiến chủ đầu tư của nhiều dự án phải kêu cứu.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2019, Khánh Hòa gần như không có dự án mới. Một số dự án có thể mở bán nhưng lại vướng thủ tục pháp lý nên làm thị trường chững lại. Từ đầu năm 2019, giá bất động sản thuộc các dự án đã giảm 10%, đến nửa cuối năm 2019 giảm tiếp từ 20% đến 30%. Riêng thị trường đất nền, nhà phố… do có pháp lý ổn định nên giá giảm không đáng kể. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, tuy thị trường đang có dấu hiệu im lặng, nhưng đó là động thái cần thiết để các chủ đầu tư điều chỉnh lại kế hoạch và phương án kinh doanh của mình cho phù hợp với tình hình.
“Đòn bẩy” nào để tăng nguồn cung bất động sản?
Công văn báo cáo Bộ Xây dựng mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, trong năm 2019, thị trường nhà ở cả nước có sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Cụ thể, nguồn cung năm 2019 chỉ đạt 107.284 sản phẩm, bằng 61,5% năm 2018; giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, bằng 64,7% năm 2018.
Sự suy giảm của nguồn cung đã làm biến động giá cả. Tại Hà Nội, giá nhà tại mọi phân khúc bắt đầu tăng trong quý IV/2019, trong đó phân khúc trung cấp và cao cấp tăng khoảng 5% so với quý IV/2018. Còn tại TP.HCM, giá bán căn hộ trung cấp đã tăng liên tục trong cả năm 2019: quý I tăng 3%, quý II tăng 4,9%, quý III tăng 4%, quý IV tăng 5%.
VNREA nhận định việc sụt giảm nguồn cung nhà ở trên cả nước do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do việc rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các dự án.
Lượng giao dịch năm 2019 suy giảm cũng bắt nguồn từ việc người tiêu dùng lo sợ khi thị trường xuất hiện nhiều dự án không phù hợp pháp luật, trong khi lại thiếu thông tin từ cơ quan nhà nước để kiểm tra.
Sáng tác condotel "đất ở không hình thành đơn vị ở" vượt khuôn khổ pháp luật
Theo lãnh đạo Cục Đăng ký Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc một số địa phương sáng tác dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” cho loại hình condotel vượt quá khuôn khổ pháp luật không có quy định.
Giữa tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (căn hộ khách sạn - condotel, biệt thự du lịch - resort villa, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel...). Ngay sau khi ban hành, đã có nhiều tranh cãi xung quanh nội dung văn bản này.
Liên quan đến nội dung văn bản số 703, chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường Condotel” vừa diễn ra, bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, văn bản hướng dẫn của Bộ trên cơ sở tổ hợp lại hệ thống các quy định của pháp luật đưa tới chỉ dẫn thống nhất cách thức giải quyết để xác định cấp giấy chứng nhận cho loại hình này. Văn bản áp dụng tại 63 Sở TNMT trên cả nước lấy đó làm căn cứ cho các loại hình trên địa bàn mình quản lý.
Ngân hàng báo lỗ vì trích lập dự phòng
Trong khi các ngân hàng ồ ạt báo lãi vượt kế hoạch thì Kienlongbank, Eximbank và Saigonbank lại báo lỗ.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB) báo lỗ 120 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến KLB lỗ do thu nhập lãi thuần giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2018, còn gần 116 tỷ đồng. Trong khi, chi phí hoạt động cao hơn tổng thu nhập, hơn 292 tỷ đồng.
Tính chung năm 2019, KLB ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.008 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng mạnh so với năm 2018, đạt hơn 75 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác của KLB có lãi giảm từ một nửa đến 3/4 so với năm 2018.
Không lỗ nhiều như Kienlongbank, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Eximbank cũng ghi nhận khoản lỗ gần 8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến ngân hàng này lỗ do tăng chi phí dự phòng lên 591 tỷ đồng, tương đương tăng gần một nửa so với cùng kỳ.
Dù vậy, tính chung cả năm 2019, chi phí dự phòng là 690 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với năm trước. Lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.