Kiên Giang tính bỏ "lệnh" cấm phân lô bán nền ở Phú Quốc
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa giao các sở ngành chức năng tỉnh nghiên cứu, tham mưu để trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận cho chấm dứt hiệu lực công văn số 651 do UBND tỉnh ban hành vào ngày 15/5/2018 đối với việc tạm dừng phân lô, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.
Theo đó, sau khi nghe đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đề xuất và trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc cùng các ngành chức năng có liên quan, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Nội dung của quyết định này đã quy định rõ ràng, cụ thể về diện tích, điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất… để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép, nhất là trên đất nông nghiệp.
Do đó, UBND tỉnh thống nhất chấm dứt hiệu lực công văn 651 đã ban hành trước đó sau khi có ý kiến chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy.
"Không nên đại trà hoá các điểm đến mà cần lựa chọn phân khúc thị trường"
Trước thực trạng tài nguyên du lịch bị bỏ phí, các dự án du lịch triển khai không theo quy hoạch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch TAB đã chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Chính, cần phải nhìn nhận rõ ràng là việc phát triển du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, cộng đồng và dân cư. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế, việc phát triển du lịch còn làm cho cộng đồng có ý thức tốt hơn về bảo tồn, nhìn thấy lợi ích từ bảo tồn và có nguồn thu để tái đầu tư cho bảo tồn. Việc phát triển du lịch cũng thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản và cảnh quan thiên nhiên.
Tuy nhiên, nếu phát triển quá tải hoặc phát triển không đúng mà đi theo hướng thương mại hoá cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tôi cho rằng, cần phải hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn nhưng không nên đại trà hoá các điểm đến mà cần lựa chọn đối tượng khách và phân khúc thị trường.
Sơn Đoòng là một ví dụ cho việc vẫn bảo tồn được điểm đến một cách khá nguyên vẹn, vẫn thu được rất nhiều tiền từ những tour du lịch mạo hiểm cao cấp, đặc sắc và vẫn xây dựng được thương hiệu là một điểm đến đẳng cấp thế giới.
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản TP.HCM 2020?
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2020 nhà đầu tư sẽ mua bán nhộn nhịp trên thị trường thứ cấp do họ bắt đầu thấy lời trước bối cảnh nguồn cung có thể tiếp tục khan hiếm.
Kịch bản 1: Nếu xóa bỏ mọi rào cản để nguồn cung thoải mái phát triển thì điều gì sẽ xảy ra với thị trường?
Theo ông Kiệt, nếu trong vòng 1 tuần nhà nước thông báo tất cả các dự án BĐS được ra hàng thì chắc chắn, sau một thời gian chờ đợi quá lâu, CĐT sẽ ồ ạt bung dự án ra thị trường. Trường hợp nguồn cung đưa ra quá nhiều thì rủi ro về việc thiếu kiểm soát chắc chắn sẽ xảy ra.
Kịch bản 2: Nguồn cung tiếp tục sụt giảm?
Cái được lớn nhất của việc nguồn cung khan hiếm là thị trường thứ cấp sẽ sôi động, có lợi cho NĐT. Nguyên tắc thị trường sơ cấp khan cung thì thị trường thứ cấp sẽ nhộn nhịp, giá bán tăng.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bàn giao nhà tình nghĩa tại Yên Bái
Ngày 9/1, Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa và trao quà (10 chiếc TV) cho 10 gia đình huyện Văn Chấn.
Trước đó, sáng ngày 16/10, đoàn Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có mặt tại UBND tỉnh Yên Bái để trao trao tiền hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết trị giá 500 triệu đồng, cho 10 hộ nghèo tại huyện Văn Chấn, Yên Bái.
Sau gần 3 tháng triển khai xây dựng, đến nay, 10 căn nhà tình nghĩa đã cơ bản hoàn thành. Như lời hứa với các hộ dân, các căn nhà được hoàn thiện trước dịp Tết Nguyên đán.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, VNREA đã và đang trở thành đầu mối nhận đóng góp từ các hội viên cho hoạt động vì người nghèo.
"Chúng tôi rất vui mừng khi được quay trở lại tỉnh Yên Bái, thăm ngôi nhà mà VNREA đã góp công sức xây dựng cho các gia đình có chỗ ở, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Văn Chấn..."
Khó khăn vẫn "bủa vây" doanh nghiệp địa ốc
Nhận định thị trường địa ốc năm qua, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của DKRA Việt Nam chia sẻ, thị trường đã có sự sụt giảm về nguồn cung và sức cầu ở hầu hết mọi phân khúc. Trong đó, phân khúc đất nền có nguồn cung giảm mạnh với 14 dự án mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 1.704 nền, bằng 46% so với nguồn cung mới của năm 2018 (khoảng 3.736 nền).
Nhìn chung trên toàn thị trường, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV dẫn nguồn số liệu Citibank Reseach, xét về nhóm ngành, bất động sản Việt Nam 2019 vẫn có mức tăng nhưng không cao, chỉ 4,5% - dưới mức bình quân chung của toàn thị trường. Những khó khăn đã xảy đến với thị trường bất động sản 2019, có thể còn tiếp tục ở 2020, trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu càng ngày càng khó lường hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, điều chỉnh chiến lược.
Đây cũng là quan điểm của ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DKRA Vietnam. Ông Lâm cho rằng để vượt qua các thách thức trong năm 2020, tất cả chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, đơn vị môi giới, khách hàng, nhà đầu tư đều phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược thích hợp. Đồng thời cần không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường minh bạch hóa thông tin dưới dự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước.