Aa

Bất động sản 24h: Một năm "bội thu" của môi giới bất động sản vùng ven TP.HCM

Thứ Ba, 24/12/2019 - 10:30

Một năm "bội thu" của môi giới bất động sản vùng ven TP.HCM; Không có chiến lược mới xứng tầm, du lịch Việt Nam không thể vào nhóm dẫn đầu... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Một năm "bội thu" của môi giới bất động sản vùng ven TP.HCM

Trái dấu với thị trường bất động sản TP.HCM, một năm qua được xem là năm khá thành công của các môi giới biết nắm bắt cơ hội tại thị trường tỉnh lận cận.

Tổng kết cả năm, nếu các môi giới bán sản phẩm tại TP.HCM khá “bấp bênh” do không có hàng để bán hoặc sức mua giảm thì môi giới tại Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) lại có thu nhập khá tốt (hoa hồng), thậm chí có một số môi giới làm một năm đã mua được nhà và xe hơi. Mặc dù không phải môi giới nào cũng thành công tại thị trường này nhưng nhìn mặt bằng chung, năm 2019 là năm khá thành công với nhiều môi giới bất động sản ven Sài Gòn, khác hẳn các môi giới ở thị trường khác.

Theo ghi nhận, mức thu nhập của đa số môi giới khu vực này khoảng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, cũng có một số người dư chút ít khi tổng kết cả năm làm việc.

Anh Nguyễn Văn T., một môi giới kì cựu, gia nhập thị trường nhà đất Nhơn Trạch từ đầu năm 2017. Sau 3 năm, anh T tiết lộ đang sở hữu hàng chục mảnh đất và rất nhiều căn nhà ở cả Sài Gòn và Nhơn Trạch. Mới đây, anh T mới đổi chiếc xe từ Honda City sang Mercedes để chạy cho công việc.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Không có chiến lược mới xứng tầm, du lịch Việt Nam không thể vào nhóm dẫn đầu

Du lịch Việt Nam đang có bước tiến thần kỳ và có khả năng đạt kỷ lục 18 triệu lượt khách quốc tế thu hút được trong năm nay, vượt xa con số 10 triệu lượt cho năm 2020 như được dự báo trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia theo Quyết định 2473/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011.

Cùng với lượng du khách nội địa cũng có khả năng đạt 85 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch có thể lên tới 30,5 tỷ USD. Với tỷ lệ tương đương khoảng 10% GDP, du lịch thực sự là cỗ máy kiếm tiền và là một trong những động lực quan trọng góp phần đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao.

Nếu được dẫn dắt bằng chính sách và tư duy đột phá thì du lịch có thể bứt tốc mạnh mẽ. Mũi đột phá khẩu đầu tiên trong tư duy làm du lịch là cần phải mở toang cánh cửa để chào đón khách du lịch quốc tế bằng cách mở rộng diện miễn thị thực đơn phương. Đã có nhiều phân tích về lợi ích về kinh tế của việc miễn thị thực so với phí thị thực thu được nhưng cho đến nay, Việt Nam mới miễn thị thực cho 26 quốc gia, một con số khiêm tốn so với miễn thị thực cho 57 quốc tịch vào Thái Lan, 168 quốc tịch vào Indonesia, 162 quốc tịch vào Malaysia và 132 vào Philippines.

Khi có cơ chế thị thực thông thoáng có thể phối hợp nội khối trong khuôn khổ trụ cột kinh tế ASEAN tạo ra một tour nhiều điểm đến trong nội khối, theo đó, khách quốc tế có thể tham gia tour 1 - 4 tuần đến tất cả các nước ASEAN mà không cần thị thực.

Xem chi tiết tại đây

“Khung giá đất đang là ‘kẻ tội đồ’ gây thất thu ngân sách"

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều tuần này của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, khung giá đất được đặt ra nhằm mục đích quản lý giá đất trên toàn bộ thị trường, làm căn cứ để đưa ra bảng giá đất của các địa phương, xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.

“Trong khung đó thì có giá tối thiểu và giá tối đa, tức giá sàn và giá trần. Điều đó buộc các địa phương không được quy định giá đất ngoài khung. Nhưng sự thực thì kể từ khi có khung giá đất đến nay vẫn chưa làm trọn vẹn mục đích này. Hay nói cách khác, các tỉnh nhiều khi kêu khung giá đất thấp quá nên họ muốn tăng lên cũng không tăng nổi”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

GS. Đặng Hùng Võ đánh giá, mức chênh lệch quá xa so với giá thị trường khiến khung giá đất, bảng giá đất đang trở thành “kẻ tội đồ” gây thất thu ngân sách. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện đất đai gia tăng trong thời gian qua, liên quan đến vấn đề đến bù giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến chu kỳ điều chỉnh khung giá đất, ông Võ cũng nhìn nhận, Luật Đất đai 2013 xây dựng khung giá đất áp dụng trong thời gian 5 năm, giá đất biến động quá 20%. Tức khi nào có biến động thì điều chỉnh, không có biến động thì thôi thay vì thay đổi hằng năm như trước gây mất thời gian. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế từ khi ban hành luật đến nay, khung giá đất của Chính phủ chưa hề thay đổi lần nào dù giá nhà đất liên tục biến động. “Bởi không có giá thị trường trên hợp đồng thì chúng ta cũng không biết giá thị trường có biến động như thế nào. Mọi chỉ số hiện nay chúng ta không có, ngay cả việc xác định như thế nào là giá thị trường”.

Xem chi tiết tại đây

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA

Môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản vẫn còn những điểm “tù mù”

Đặt câu hỏi về việc cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng địa phương khác lại không, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân nằm ở môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong bài tham luận được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

“Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng tại sao lại có một số dự án, thậm chí là đại dự án, được phê duyệt đầu tư xây dựng rất nhanh, trong khi nhiều dự án khác lại bị ‘đứng hình’?!”, ông Lê Hoàng Châu tiếp tục đặt câu hỏi.

Ông Châu cũng chỉ ra rằng, các nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu “luật khung”, “luật ống”, dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật…

Xem chi tiết tại đây

Cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ đã mất giá như FTM

Tính đến ngày 23/12, giá cổ phiếu của Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB) trượt về còn chưa đầy 5.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này chỉ bằng 1/5 mức giá của một tháng trước đó. Công ty cũng có phương án mua cổ phiếu quỹ khi giá TTB về sát mệnh giá. Nhưng lượng cổ phiếu quỹ mua vào không nhiều nên không có tác dụng chặn đà giảm của TTB.

Diễn biến cổ phiếu TTB khiến nhà đầu tư nhớ đến "cú sốc" mới đây nhất xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam là CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM). FTM có thời gian giảm sàn 30 phiên liên tiếp, mất 88% giá trị với thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị dù trước đó khối lượng khớp lệnh trung bình từ 800.000 đến hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên. FTM và câu chuyện thao túng giá cổ phiếu đã từng làm rúng động thị trường chứng khoán năm 2019.

Nhưng TTB còn lạ lẫm hơn diễn biến bất ngờ khi công ty vừa tổ chức lễ ra quân khá rầm rộ cho dự án Green City Bắc Giang – dự án chủ lực của doanh nghiệp này vào ngày 11/11.

Cùng với đó, kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng tốt. Doanh thu thuần quý III của TTB đạt 121,9 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 8,9 tỷ đồng, gấp 10 lần so với quý III năm ngoái.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top