Nhà đất đang bị bán tháo trong mùa dịch?
Thị trường trầm lắng, lại chịu thêm tác động từ dịch Covid-19 khiến một số người phải bán lại bất động sản để giảm áp lực tài chính. Động thái này khiến một số người khái quát thị trường, cho rằng đang có không ít nhà đất bị bán tháo. Nhưng các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, không diễn ra một cách ồ ạt.
Theo Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 1/2020 của hãng tư vấn Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, dù giá bán căn hộ trung bình đạt 2.452 USD/m2 (khoảng 58 triệu đồng) giảm 15% theo quý, nhưng giá bán nhà liền thổ sơ cấp tăng lên 5.017 USD/m2 đất (khoảng 118,5 triệu đồng), tăng 37,7% so với năm 2029 và tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Trong khi đó, theo CBRE Việt Nam, sự bùng phát của covid-19 đã tạo ra nhiều gián đoạn trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên giá bán trung bình ở phân khúc căn hộ trên thị trường sơ cấp vẫn tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng giá này đến từ các dự án mới mở bán tại phân khúc trung cấp có mức giá cao hơn mặt bằng khu vực từ 15-30%. Với việc khan hiếm nguồn cung và lượng đặt chỗ vẫn tốt, các chủ đầu tư phân khúc trung cấp có dự án mở bán trong quý đã quyết định tăng giá. Các dự án cao cấp và hạng sang có mức giá ổn định không thay đổi so với quý trước, cao hơn thời điểm cùng kỳ năm trước lần lượt là 6% và 8%.
Thêm nhiều giải pháp cấp bách "cứu nguy" cho doanh nghiệp
“Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn…” Đó là lời phát biểu được Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
"Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị "4 trong 1" nhằm phát huy tổng lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của Nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19, đồng thời nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống" - Thủ tướng khẳng định và cho rằng Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống với Covid-19 và ngay trong thời gian tới, không để nền kinh tế đổ gãy.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu rõ, tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ ngay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay hiện có và vay mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phân tích đánh giá khó khăn trong tình hình hiện tại, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Trên cơ sở thực hiện chính sách quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận thấy các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản được phân thành 02 nhóm chính gồm: Vướng mắc về thể chế, chính sách và vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến lĩnh vực nhà ở như Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật này.
Chính sách giãn thuế và tiền thuê đất tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp BĐS
Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, có 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng. 60% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh khiến thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn và cạn kiệt dòng tiền kinh doanh, 82% cho rằng doanh thu đã bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Việc không có doanh thu, không thể quay vòng vốn, dẫn đến mất thanh khoản kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp đi vào bờ vực phá sản.
Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn, có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là bất động sản với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 1.000 sàn giao dịch bất động sản thì có tới 500 sàn đóng cửa, các sàn còn lại cũng chỉ giao dịch cầm chừng.
Trong bối cảnh này, các chính sách tài khóa trong đó có Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được ban hành nhanh chóng, kịp thời là một tin mừng cho các doanh nghiệp nói chung, được ví như “ánh sáng cuối đường hầm” giúp các doanh nghiệp vượt qua những tác động bất lợi của dịch bệnh, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, chính sách giãn thuế chỉ là một phần, theo các doanh nghiệp, về lâu dài cần có giải pháp tăng sức cầu của thị trường trở lại, đồng thời trong giai đoạn này, nên khơi thông các dự án đang bị tắc nghẽn do quá trình thanh tra, kiểm tra trong năm qua.
Thị trường bất động sản Hà Nội sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19
Trong Tiêu điểm thị trường bất động sản tại Hà Nội vừa công bố, CBRE cho biết, trong quý I/2020, thị trường chứng kiến hoạt động mở bán thận trọng của các chủ đầu tư do sự gián đoạn từ dịch Covid-19. Nguồn cung mới mở bán trong quý chỉ giới hạn ở mức 1.600 căn, thấp hơn nhiều so với mức mở bán trung bình theo quý là 6.500 căn từ năm 2012 - quý I/2020. Số căn mở bán mới chủ yếu đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã chào bán trước đó.
Về nhu cầu, có khoảng 2.100 căn hộ được ghi nhận bán trong quý I/2020. Các hoạt động bán hàng đã bị chậm lại ở tất cả các phân khúc phân khúc do người mua trong nước tránh đến các sự kiện đông đúc trong khi lệnh cấm du lịch giữa các nước hạn chế sức mua của người mua nước ngoài.
Thị trường khác ít bị ảnh hưởng hơn là thị trường căn hộ để bán, số lượng chào bán sụt giảm do các chủ đầu tư không thể tổ chức được buổi chào bán để người mua đặt cọc, chọn sản phẩm chứ không phải do nguồn cung không có. Chúng tôi tin rằng khi dịch kết thúc, lệnh hạn chế tụ tập được gỡ bỏ thì ngay lập tức thị trường có khả năng phục hồi 70 - 80%”.
Xem chi tiết tại đây
Hết thời đầu cơ lướt sóng chung cư
Việc đầu cơ vào các dự án nhà ở hình thành trong tương lai không mang đến nhiều kỳ vọng về tỉ suất sinh lời do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khoảng vài năm trước, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai luôn thu hút một lượng lớn các NĐT ngay từ thời điểm dự án rục rịch khởi công. Nguyên nhân là các dự án này luôn có sự linh động trong cơ chế đóng tiền, sự hỗ trợ từ ngân hàng, việc mua bán chỉ thông qua các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, vốn đầu tư không quá lớn.
Khi đến thời hạn ký hợp đồng mua bán, các NĐT thường chỉ phải đóng khoảng 20% - 30% trên tổng giá trị hợp đồng, sau đó cứ theo tiến độ dự án tiếp tục đóng khoảng 5-10%. Việc vào tiền theo tiến độ giúp cho nhiều NĐT tuy có lượng vốn hạn hẹp (khoảng 300-500 triệu đồng) vẫn có thể đầu cơ ở nhiều dự án và thu tiền chênh lệch khá tốt.
Nếu dự án thuận lợi về tiến độ xây dựng và mọi vấn đề pháp lý đều ổn thỏa, một NĐT có thể thu về khoản tiền chênh lệch từ 50 triệu đến 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2019, việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ trên địa bàn Tp.HCM đã không còn mang lại mức lợi nhuận như mong muốn. Hàng trăm dự án bị đứng bánh do nhiều nguyên nhân như vướng đất công, lùm xùm pháp lý, chủ đầu tư thiếu tiềm lực về tài chính. Hàng nghìn NĐT bị chôn vốn nhiều năm liền do trót ký hợp đồng giữ chỗ với giá trị cao nhưng dự án cứ mãi “giậm chân tại chỗ”.
Theo khảo sát, khoảng 1/3 số lượng NĐT cá nhân không còn mặn mà với việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận, chỉ khoảng vài chục triệu đồng chỉ để đẩy hàng đi nhanh hơn.