“Trong phúc có họa, trong họa có phúc”, các cụ xưa đã nói như vậy. Liệu trong thời Covid-19 này, cái họa thì đã rõ, còn cái phúc nằm ở đâu?
Trong cuộc sống thường ngày, cái phúc chưa chắc đã là điều gì đó to lớn, cao sang; cũng không phải cứ là cái gì đó nhìn thấy được, sờ thấy được. Cái phúc đôi khi chỉ là sự mở mang hiểu biết, một cái nhìn xuyên thấu, một sự ngộ ra sâu thẳm, bất ngờ…
Một trong những cái họa lớn nhất do nạn đại dịch đem lại lần này là đội ngũ những người mất việc làm trong thời gian vừa qua, và đội ngũ này có nguy cơ sẽ lớn lên từng ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, theo ước tính, khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên.
Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động mất việc làm.
Cái họa này không hề nhỏ vì bên cạnh mỗi việc làm là kèm theo biết bao số phận…
Không có việc làm là không có thu nhập. Không có thu nhập thì phải sống bằng nguồn tiền tích cóp. Không có tiền tích cóp thì đành phải trông chờ vào sự cứu trợ từ Chính phủ hoặc lòng hảo tâm và sự chia sẻ của cộng đồng. Rồi hẳn một lúc nào đó trong cơn hoạn nạn này, nằm vắt tay lên trán và suy ngẫm về triết lý của cuộc sống...
Có một câu chuyện khá sâu sắc được lan truyền trên mạng xã hội về sự ngộ ra của con người gặp họa thời Covid-19.
Chuyện rằng, sau khi một bệnh nhân 93 tuổi ở Ý trở nên tốt hơn trong bệnh viện, ông được bảo phải trả tiền cho máy thở trong một ngày và ông già đã khóc...
Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn. Những gì ông lão nói khiến tất cả các bác sĩ đều khóc...
Ông nói: "Tôi không khóc, tôi không bao giờ trả tiền cho nó. Phải mất 5.000 euro để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không? Tôi đã không khóc vì tiền tôi phải trả. Tôi có thể trả tất cả tiền. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm, nhưng cảm ơn Chúa vì điều đó trước đây".
Câu chuyện trên có thể là sản phẩm dành cho một mục tiêu PR nào đó, nhưng ai cũng đều nhận ra rằng đó là sự thật cho một cái nhìn xuyên thấu về sự biết ơn. “Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không?”, điều mà một con chiên ngoan đạo khi kề cận cái chết đã ngộ ra rằng, con người cần phải biết ơn những điều bình thường nhất, nhỏ nhặt nhất mà cả cuộc đời mình tưởng như đương nhiên được hưởng.
Trở lại câu chuyện của chúng ta đối với những người thất nghiệp kia. Việc làm! Việc làm! Việc làm! Có lẽ đó là điều thôi thúc nhất trong tâm cảm những người như họ đang khao khát, tựa như ông già 93 tuổi người Ý cần không khí khi nguy kịch vậy!
Nhưng tiếc thay, việc làm không từ trên trời rơi xuống, từ mặt đất chui lên, mà đó là sản phẩm của một cuộc cộng sinh giữa những nhà đầu tư và người lao động, tựa như nó là đứa con tất yếu của một cuộc hôn nhân tự nguyện vậy.
Tuy nhiên, đã cả một thời gian dài, không ít người vẫn có những quan niệm nặng nề về mối quan hệ này đã khiến điều tất yếu và thiêng liêng ấy bị chìm trong những cụm từ “chủ và thợ”, “tư bản và tư nhân”, “người bóc lột và người bị bóc lột”…
Là một người có dịp may tiếp xúc với hàng ngàn nhà doanh nghiệp, chứng kiến nhiều người thành đạt, có nhiều người đã bị phá sản, cũng có người lâm vào chốn lao tù, thậm chí bị lãnh án tử hình, tôi nhận ra rằng khi văn minh loài người đã tiến một bước dài thì khái niệm bóc lột trong tôi cũng đã thay đổi.
Những kẻ tước đoạt lao động thặng dư của người công nhân bằng những sức mạnh phi đạo lý và phi pháp theo kiểu thô thiển xưa kia ngày càng ít đi, tính hợp tác và tự nguyện ngày càng phổ biến. Và theo tôi, khi tính tự nguyện càng cao thì tính tước đoạt sẽ càng giảm.
Chẳng hạn ví như những cuộc hôn nhân của con người. Trong đạo lý cũng như trong pháp lý, nếu xuất phát từ nhu cầu bản thân, từ sự tự nguyện thì đó sẽ là sự hiến dâng, là hạnh phúc, là cao cả; còn nếu bị ép buộc, cưỡng bức thì lại là bị tước đoạt, là bất hạnh, pháp luật phải can thiệp, loài người phải lên án.
Trong kinh tế thị trường, hàng hóa sức lao động cũng nên cho là vậy. Nếu thuận mua vừa bán thì chẳng nên cố chấp, vội quy tội là bóc lột làm gì. Trong hoàn cảnh nhận thức ấy và trong mối quan hệ ấy, làm sao có thể nảy sinh lòng biết ơn giữa con người với con người!
Cho mãi đến tháng 4/2006, việc gần 88% đại biểu trong Đại hội Đảng đã thông qua nghị quyết cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đã chứng minh một trong những thành công vĩ đại nhất trong 20 năm đổi mới: đổi mới tư duy. Cụm từ “bóc lột” đã ám ảnh không biết bao thế hệ Đảng viên, như một bóng ma không rõ hình dạng, không tường hệ quả, không hiểu nguyên do... nay đã được ngộ ra rằng, đó là một nhận thức không trọn vẹn, cần phải thay đổi.
Từ ngày ấy đến nay đã 15 năm, kinh tế tư nhân Nước nhà đã trỗi dậy mạnh mẽ và khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp kiến quốc và tạo ra hàng chục triệu việc làm, khiến bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước bắt đầu có thể ngẩng mặt với bạn bè quốc tế.
Chắc hẳn trong nạn đại dịch Covid-19 này, trong nhiều người thất nghiệp kia sẽ ngộ ra rằng, việc làm không tự sinh ra và họ cần phải biết ơn những ai đã đem lại việc làm cho họ suốt thời gian qua và sắp tới.
Tôi tin rằng trong cuộc sống hiện nay, nhất là sau cơn đại nạn Covid-19 này, càng ngày sẽ càng có nhiều chủ doanh nghiệp thực lòng biết ơn các cộng sự của mình, và cùng với đó, nhiều người lao động cũng sẽ biết ơn những người đã tạo công ăn việc làm cho mình.
Đó cũng là cái phúc của mỗi dân tộc vậy!