Nhà siêu sang phủ sóng thị trường
Không có một căn hộ giá bình dân nào được cung ứng ra thị trường TP.HCM trong năm qua, trong khi có đến 73% lượng căn hộ chào bán thuộc phân khúc từ cao cấp đến siêu sang.
Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM (bao gồm thị trường quyền sử dụng đất) biểu hiện ngày một rõ nét sự lệch pha cung - cầu, lệch pha sản phẩm, đó là dư thừa căn hộ cao cấp và rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong tổng số nhà ở dự án trong giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 58.241 căn (chiếm tỷ lệ 37,2% trong tổng số nhà ở dự án), căn hộ trung cấp (giá từ 25 - 40 triệu đồng/m2) có 69.899 căn (tỷ lệ 44,6%), căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ có 28.295 căn (tỷ lệ 18%).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần chính sách để tạo cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở thực
Có thể thấy nguồn cầu bất động sản của người Việt luôn ở mức cao và không ngừng gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá, nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua sẽ chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, chỉ tương đương giai đoạn cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2021, tổng nguồn cung mở bán ra thị trường khoảng 166.000 sản phẩm, nhưng có tới trên 118.000 sản phẩm cũ. Như vậy, nguồn cung ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây chứng tỏ nguồn cung bất động sản mới trong tương lai không còn nhiều.
Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung “nhỏ giọt” khiến giá bất động sản vượt xa thu nhập của người dân, người thực sự có nhu cầu mua để ở thật khó tìm được cơ hội. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Việc này sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở. Mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản năm 2022 hừng hực khí thế
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, lĩnh vực bất động sản và xây dựng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức song hành.
Theo chuyên gia, nền kinh tế sẽ phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, cũng như chú trọng đến quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công và Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023.
Hiện nay, các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng hỗ trợ cho thị trường.
Ngoài ra, các vấn đề về pháp lý như Nghị định 148 về đất đai, Nghị định 69 về cải tạo chung cư cũ, Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, 1 luật sửa 9 luật vừa được thông qua, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sửa đổi năm 2022 - 2023, ban hành sửa đổi Nghị định về khu công nghiệp… đã và đang được tháo gỡ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bắt tay thương hiệu quốc tế để thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng
Với mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã đồng ý mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch từ ngày 15/3, đồng thời, khôi phục lại các chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế.
Theo đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế thì có thể du lịch tự túc mà không phải đăng ký theo tour trọn gói như giai đoạn thí điểm.
Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như: Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá bất động sản 2022 phụ thuộc vào mức độ gỡ vướng thủ tục pháp lý
Khi được hỏi đến triển vọng thị trường bất động sản 2022, trong đó có vấn đề giá bất động sản, ông Lê Hoàng Châu nhận định, năm 2022 thị trường này sẽ có nhiều khởi sắc, giá bán bất động sản sẽ khó giảm nhưng với nguồn cung dần được cải thiện hơn so với năm 2021, giá bất động sản sẽ không tăng quá mạnh và có thể chững lại.
Bởi theo vị Chủ tịch HoREA, Quốc hội đã và đang nhận thấy được những bất cập của pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. Trong năm 2022, nhiều “nút thắt” có cơ hội được tháo gỡ, nguồn cung thị trường bất động sản có thể chưa thể giải quyết ngay ngày một ngày hai vì vẫn cần phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, nhìn chung những khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như bài toán nhà ở cho người dân dần có cơ hội giải quyết.