Aa

Bất động sản 24h: Những điểm nóng BĐS công nghiệp mới sau dịch Covid-19

Thứ Hai, 27/04/2020 - 10:30

Những điểm nóng công nghiệp mới sau dịch Covid-19; Hết Covid-19, nhà đầu tư nên rót vốn vào phân khúc bất động sản nào?; Đất nông nghiệp không phải hũ vàng... là tin tức đáng quan tâm 24h qua.

Những điểm nóng công nghiệp mới sau dịch Covid-19

VNDirect cho rằng, bất động sản khu công nghiệp (KCN) sẽ hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương sẽ là những điểm nóng công nghiệp mới.

Theo VNDirect, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Nửa cuối năm 2019, chiến tranh Mỹ - Trung có nhiều biến chuyển khả quan khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc. Nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động.

Danh sách các công ty đã chuyển dịch/lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 7/2019 trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

VNDirect cho rằng Việt Nam sẽ là vị trí thu hút chuyển dịch công nghiệp từ Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế. So với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp.

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính rằng EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030. Tổng giá trị xuất khẩu tới liên minh châu Âu sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030. Các chuyên gia VNDirect cho rằng hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư sản xuất tới Việt Nam.

Theo JLL, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các KCN dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn quý II và quý III với khoảng 1.890ha, tương đương 4% so với tổng diện tích đất KCN năm 2019. Quỹ đất mới/mở rộng này chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, hầu hết ở Bình Dương, vốn sắp hết nguồn cung. Nguồn cung đất KCN vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020 - 2021, do đó các công ty có quỹ đất sẵn, lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.

Xem chi tiết tại đây

Biệt thự, nhà phố Hà Nội chưa có triển vọng rõ ràng trong quý mới

Báo cáo của Savills mới đây cho hay, sau sự phục hồi ngắn hạn của nguồn cung trong quý IV/2019, thị trường bất động sản Hà Nội bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết và dịch Covid-19 khiến nguồn cung dự án mới sụt giảm 76% theo năm. Chỉ hai dự án tại quận Tây Hồ và quận Long Biên được mở bán, cung cấp cho thị trường 130 căn.

Dữ liệu thống kê trong ba năm qua cho thấy, phía Đông Hà Nội, bao gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm luôn dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với nhiều dự án được mở bán cùng sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong hai quý trở lại đây, quận Hà Đông đã trở lại dẫn đầu nguồn cung sơ cấp và quý I/2020 tiếp tục dẫn đầu với hơn 50% thị phần.

Savills cũng dự báo nguồn cung mới trong năm 2020 tiếp tục giảm. Trong 9 tháng cuối năm, khoảng 13 dự án biệt thự/liền kề, cung ứng khoảng 2.000 căn, được triển khai chủ yếu ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông, và Từ Liêm. Dịch bệnh đã khiến việc triển khai thi công dự án bị đình trệ, nhiều chủ đầu tư đã buộc phải lùi thời gian mở bán dự án sang năm sau. Tuy nhiên, các gói kích thích của Chính phủ kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng đầu tư và hỗ trợ việc phục hồi kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Xem chi tiết tại đây 

Hết Covid-19, nhà đầu tư nên rót vốn vào phân khúc bất động sản nào?

Dù còn quá sớm để nhận diện sự phục hồi rõ ràng của thị trường bất động sản sau những tác động mạnh của dịch bệnh, bởi hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, nhất là trên thế giới nhưng thị trường bất động sản gần đây đã có những tín hiệu khả quan hơn.

Giới phân tích nhận định, sắp tới sẽ là thời kỳ hậu Covid-19 với những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, một điểm tích cực của bất động sản Việt Nam hiện nay là người dân và các nhà đầu tư vẫn đang có lượng tiền dự trữ. Điều quan trọng là các chủ đầu tư dự án có đưa ra được dòng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng hay không. Đó sẽ là yếu tố quyết định đến thanh khoản và thành công của dự án bất động sản trong thời gian tới. Đặc biệt, nhà đầu tư thông minh sẽ chọn những phân khúc có khả năng tăng lợi nhuận tốt nhất.

Lý giải hiện tượng cắt lỗ của nhà đầu tư thời gian qua, ông Đính cho rằng hiện tượng này không phổ biến. Những người đầu tư phân khúc cao cấp đang tìm cách bán sản phẩm, có nhà đầu tư hy vọng chờ giá lên nhưng đó hoàn toàn tính toán sai, vì hiện tại phân khúc cao cấp đang ở giá đỉnh điểm. Nếu đầu tư chung cư cao cấp để cho người nước ngoài thuê thì đó là bài toán hợp lý, còn đầu tư chờ tăng giá thì đó là đầu tư sai lầm.

Với phân khúc chung cư cao cấp, chỉ nên mua từ lúc nhà nền móng thì mức giá thấp hơn và có khả năng tăng giá sau khi bán sản phẩm đã hình thành hoặc cho thuê dài kỳ. Nhà đầu tư hết sức cân nhắc vào dòng sản phẩm này vì thực tế đây không phải là sản phẩm có khả năng sinh lời tốt.

Xem chi tiết tại đây

Bộ Xây dựng bàn cách 'cứu' thị trường bất động sản lao đao bởi dịch

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại dịch Covid – 19 đối với các hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch thị trường bất động sản (BĐS) đã gây ra những thiệt hại đối với lĩnh vực này khi số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng.

Bộ Xây dựng cần phối hợp đánh giá kỹ lưỡng tình hình ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM, rà soát việc triển khai các dự án nhà ở, BĐS lớn ở hai địa phương này bởi đây là thị trường lớn nhất…

Theo đánh giá, với những biến động nhất định cho thấy thị trường BĐS chưa thật sự phát triển bền vững, đặc biệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid – 19 đối với các hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch thị trường BĐS đã gây ra những thiệt hại, những thách thức mới đối với lĩnh vực này.

Cụ thể, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực BĐS tương đối lớn; số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2015-2019.

Trong đó số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngưng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019- tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong các ngành nghề; số lượng, giá trị sản phẩm BĐS tồn kho tăng…

Ngoài các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng, các chuyên gia đồng ý với Bộ Xây dựng về việc tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - coi đây là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.

Các chuyên gia đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng khi đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường BĐS, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - coi đây là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.

Xem chi tiết tại đây

Đất nông nghiệp không phải hũ vàng

Khó chấp nhận mức tăng nhỏ giọt của căn hộ, không ít nhà đầu tư đổ tiền vào đất nông nghiệp với hy vọng một vốn… nhiều lời.

Có trong tay khoảng 1 tỉ đồng, số tiền này không đủ để đầu tư căn hộ; hoặc nếu dùng thêm vốn vay thì biên độ tăng của loại hình này cũng quá thấp, chỉ khoảng 10%/năm; hay đầu tư vào chứng khoán ở thời điểm này không phải ai thích “ghé thăm” cũng được. Do vậy, đã có không ít người chọn đổ tiền vào đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với kỳ vọng sau 3-5 năm số tiền sẽ “sinh sôi nảy nở” gấp nhiều lần.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, những miếng đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm dễ sang nhượng thì chắc chắn có vị trí rất đẹp, tiềm năng. Còn thực tế không ít nhà đầu tư mua đất vườn nhưng chỉ vài năm sau thì chật vật tìm cách thoát hàng mà không dễ.

Đơn cử như năm 2017, các nhà đầu tư kéo nhau về xã Cù Bị, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) để gom đất nông nghiệp khiến giá ở đó tăng vù vù từ vài trăm ngàn lên vài triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hai năm sau đã có nhà đầu tư muốn “đẩy” một khu đất rộng với giá trị lên đến 23 tỉ đồng, lúc đầu tìm được người nhận chuyển nhượng nhưng chỉ vài ngày sau thì họ đã chấp nhận bỏ cọc và hủy bỏ giao dịch. Tương tự, ở nhiều nơi như Bình Phước, Đắk Nông có những người ôm 3-4 năm không lời chút nào và giờ đang tìm cách bán tháo.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top