Aa

Bất động sản 24h: Sau dịch Covid-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm

Thứ Năm, 07/05/2020 - 10:30

Nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm; Đất đai - "Miếng mồi béo bở” cho tham nhũng?; Dự thảo Luật về PPP: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp thiệt thòi; Người mua nhà "gồng mình" trả lãi ngân hàng... là tin tức nóng 24h qua.

Sau dịch Covid-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm

Mặt bằng kinh doanh của các phố lớn ở Hà Nội cũng khó tìm được khách thuê, doanh thu hộ kinh doanh bán lẻ sụt giảm sau dịch Covid-19.

Khu vực phố cũ phố cổ Hà Nội, nơi tập trung đông khách du lịch, nhiều tháng nay các cửa hàng trên một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Ở phố Hàng Đào, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc thông báo cần sang nhượng lại.

Tương tự, trên các tuyến phố lớn khác ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Hoàng Cầu... đã phải đóng cửa hay sang nhượng mặt bằng do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm. Khu vực đầu phố Tăng Bạt Hổ có 3 cơ sở lớn của 1 quán bia có thương hiệu ở Hà Nội thì nay 2 điểm bỏ không, treo biển cho thuê vẫn chưa tìm được khách.

Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay cũng là quá trình cơ cấu lại thị phần của thị trường bán lẻ, chuyển sang kinh doanh online chỉ là một phần. Thị trường cho thuê bán lẻ cũng cần điều chỉnh lại giá cho thuê một cách hợp lý để thích ứng khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.

Khảo sát của CBRE mới đây, kết quả cho thấy 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19./.

Xem chi tiết tại đây

Buông lỏng quán lý đất đai - “miếng mồi béo bở” cho tham nhũng

Hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo của nhiều địa phương đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam liên quan đến quản lý đất đai. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận tỉnh Kiên Giang buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến hàng loạt sai phạm ở Phú Quốc. Theo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017 phải chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót đã nêu tại kết luận thanh tra. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Trước đó, tại TP.HCM, từ 2010 đến 2016 đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Việc này đã khiến nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành của địa phương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố. Đặc biệt, với vụ án “rúng động” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt liên quan đến việc đầu tư các dự án bằng hình thức hợp đồng BT. Nhiều quan chức TP.HCM bị đề nghị xem xét kỷ luật.

Tại Đà Nẵng cũng đã để xảy ra vụ việc Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật. Các cựu lãnh đạo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng bị đưa ra xét xử với mức án đề nghị thấp nhất là 3 năm tù, nhiều nhất là 11 năm tù giam.

Sự buông lỏng trong quản lý đất đai không những gây thất thoát lãng phí nguồn lực to lớn của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, là môi trường tha hoá cán bộ, là nguyên nhân làm hỏng, làm mất cán bộ. Đồng thời là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội ban hành.

Giới phân tích đặt giả thiết, nếu công tác quản lý đất đai không bị buông lỏng, nếu những đơn thư tố cáo, khiều kiện của dân được các cấp xem xét thấu đáo, giải quyết có lý có tình, xử lý triệt để thì những tranh chấp, tham nhũng sẽ khó có thể xảy ra.

Xem chi tiết tại đây

Dự thảo Luật về PPP: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhận phần thiệt thòi

Tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật PPP - “Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp” diễn ra sáng nay (6/5), các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cùng chỉ ra những vướng mắc, tranh chấp, rủi ro trong dự thảo Luật PPP.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư và công trình giao thông đường bộ Việt Nam, bản chất của đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.

Ông Phạm Văn Thưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 - cho hay: Trong hợp tác PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro là một trong những yếu tố cốt lõi để thu hút các nhà đầu tư: “Chia sẻ rủi ro mà các nhà đầu tư mong đợi là Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi có sự thay đổi về chính sách, thay đổi về quy hoạch tác động trực tiếp đến việc giảm doanh thu”.

Theo ông Thưởng, để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia dự án PPP thì Nhà nước phải có những ưu tiên như ưu đãi về lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Bởi, ngân hàng là một trong những đối tác hưởng lợi thông qua việc cho vay, nhưng khi dự án gặp rủi ro thì ngân hàng không chia sẻ với các nhà đầu tư.

Theo dự kiến, Luật PPP sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, dự luật này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo luật hiện có 11 chương với 109 điều, tăng 7 điều so với dự thảo trước.\

Xem chi tiết tại đây

Khó chứng minh “bất khả kháng”, người mua nhà "gồng mình" trả lãi ngân hàng

Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu nói chung, nền kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng và trong đó là những thay đổi mạnh mẽ tới kinh tế của từng hộ gia đình. Không ít trường hợp phải thanh lý hợp đồng mua nhà do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

rất nhiều khách hàng mua nhà trả góp, vay vốn đầu tư kinh doanh... thời gian qua đã không ít lần liên hệ với các ngân hàng để hỏi về thủ tục miễn giảm lãi suất, giãn tiến độ trả nợ. Nhưng đa phần câu trả lời mà họ nhận lại được là hiện thời chưa có chính sách cụ thể, còn các hỗ trợ hiện có hầu hết là chương trình miễn giảm lãi cho doanh nghiệp kinh doanh do lượng vốn vay lớn.

Dù trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn về hỗ trợ, nhưng một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ: "Lãi suất thả nổi đối với khách hàng vay mua nhà được tính theo công thức lãi suất tiền gửi lãi cuối kỳ của kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3 - 4,5%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của hai kỳ hạn này vẫn trên 7%, do đó, lãi suất cho vay mua nhà hiện dao động trong ngưỡng 10,5 - 12%/năm. Một khi lãi suất đầu vào của kỳ hạn 12, 13 tháng vẫn cao thì khó có thể hạ lãi suất cho vay ngay được".


Nếu hợp đồng thuê không quy định về sự kiện bất khả kháng, bên thuê viện dẫn việc khó khăn không có khách hàng là sự kiện bất khả kháng, yêu cầu miễn giảm đối với tiền thuê là căn cứ pháp luật không phù hợp. Bởi, trả tiền thuê là nghĩa vụ, không phải là trách nhiệm (tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại) để áp dụng việc miễn trách nhiệm theo Điều 351 Bộ Luật Dân sự 2015; hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lấy lại tiền cọc là không phù hợp vì Bộ luật Dân sự không có quy định về căn cứ này để chấm dứt hợp đồng; mặt khác, nguyên tắc rủi ro do người đang sử dụng phải tự gánh chịu.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị các Ngân hàng giảm 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, nợ gốc cho người vay mua nhà ở thương mại do khó khăn vì dịch Covid-19.

Cụ thể, đơn vị này đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị các Nngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.

Xem chi tiết tại đây 

Không phải giãn nộp thuế, điều doanh nghiệp mong chờ là khơi thông thủ tục đầu tư dự án mới

Giãn nộp thuế chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, Chính phủ cần xem xét đến việc giải quyết triệt để các vấn đề pháp lý và thủ tục dự án mới để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Việc các doanh nghiệp BĐS mong muốn Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất, về bản chất phản ánh những cái khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian gần đây, khi phải trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế: từ những khó khăn pháp lý vẫn đang tồn tại, và đến nay là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, nghị định mới này của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp BĐS đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, còn với các dự án đang chờ hoàn thiện giấy tờ pháp lý thì việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở một khía cạnh khác, đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý.

Trong lĩnh vực bất động sản, sức mua trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, cuối năm nay, khi mà đại dịch đã được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định, sau đó sẽ dần phát triển và sẽ có những tín hiệu khả quan vào đầu hoặc giữa năm 2021.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top